Thứ 5, 06/02/2025, 01:58[GMT+7]

Chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo ứng phó với lũ bão

Thứ 5, 08/05/2014 | 08:37:03
1,391 lượt xem
Mùa mưa bão sắp đến, để bảo đảm an toàn về người và tài sản, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống lụt, bão (PCLB), với mục tiêu ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra.

Trạm bơm Cao Nội huyện Quỳnh Phụ - một trong những công trình thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Thái Bình.

Những hạn chế cần khắc phục

Trong những năm qua, công tác chuẩn bị PCLB đã được các cấp, ngành triển khai thực hiện khá tốt về phương án, kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, đôn đốc tiến độ tu bổ sửa chữa công trình đê điều, cứu hộ, cứu nạn... góp phần không nhỏ giảm nhẹ thiệt hại ở mức thấp nhất khi thiên tai xảy ra. Song bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục: các khu neo đậu tàu, thuyền, hạ tầng chống úng cho cây màu, vụ đông, thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Mặc dù lực lượng PCLB có đủ binh chủng, song số người lại không đủ và chất lượng chưa cao; ở một số địa phương phân công nhiệm vụ cho từng lực lượng, từng người thiếu cụ thể. Vật tư dự phòng để tại các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu còn thiếu so với kế hoạch; vật tư chuẩn bị trong nhân dân chưa được kiểm tra cụ thể và chưa tổ chức kiểm đếm, lập danh sách số người làm thuê cho các hộ nuôi ngao ngoài bãi biển; số liệu báo cáo giữa các ngành, địa phương cũng không thống nhất, còn sai lệch nhiều.

Trong công tác cứu hộ, cứu nạn còn nhiều bất cập, việc quản lý người hành nghề trên biển khi có bão vào chưa chủ động, cụ thể; đồng thời phương tiện cứu hộ còn thiếu và yếu, do đó nếu tình hình lũ, bão diễn biến phức tạp sẽ bị động, lúng túng. Việc chỉ đạo, đôn đốc của các cấp, ngành trong công tác tiêu thoát nước trước mưa, bão, thu vớt, tháo dỡ vật cản trên các sông trục tiêu; kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi và người nuôi trồng thủy, hải sản vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão vào chưa thật sát sao, quyết liệt.

Ðối với vi phạm Luật Ðê điều, tuy đã được phát hiện, lập biên bản nhiều hơn so với năm trước như hút cát trái phép ở lòng sông, đào đất trong hành lang bảo vệ đê, xe quá khổ, quá tải đi lại trên đê làm hư hỏng mặt đê... song việc giải quyết của các cấp chính quyền địa phương còn kéo dài, chưa triệt để, thiếu kiên quyết, còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

 

Tàu, thuyền neo đậu tại Cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Ðiền (Thái Thụy).

Nỗ lực để giảm nhẹ thiên tai

Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2014 số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Ðông ảnh hưởng đến Việt Nam có khả năng ít hơn năm 2013 và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; số cơn bão hoạt động trên biển Ðông khoảng 10 - 12 cơn, ảnh hưởng đến nước ta từ 4 - 5 cơn bão.

Ðối với Thái Bình, được dự báo có khả năng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng bằng xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, tình hình mưa bão có khả năng vẫn diễn biến phức tạp, không theo quy luật. Trong khi đó hệ thống đê điều của Thái Bình vào loại nhiều nhất so với các tỉnh có đê, công trình có nhiều điểm xung yếu khi phải đối phó với lũ, bão, triều dâng trùng hợp.

Hiện nay, nếu thực hiện tốt công tác hộ đê thì đê sông mới bảo đảm chống đỡ được với mực nước lũ thiết kế (tính theo mực nước sông Hồng 13,10m tại Hà Nội); đê biển chỉ bảo đảm chống được những cơn bão mạnh dưới cấp 10 với mực nước triều trung bình. Như vậy, nếu diễn biến mưa, bão phức tạp như năm 2012 và 2013 và đổ bộ vào tỉnh ta thì việc thiệt hại về người và tài sản sẽ rất lớn nếu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và nhân dân không thực hiện tốt các giải pháp PCLB mà Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã đề ra.

Ðể ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, xác định các trọng điểm xung yếu của đê điều và xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu để giao cho các địa phương tổ chức thực hiện. Ðồng thời chịu trách nhiệm tham mưu toàn diện cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đê điều, PCLB; quản lý và điều động vật tư, phương tiện của nhà nước khi cần thiết.

Các sở, ngành, đơn vị khác cũng đã được giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết như Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phương án bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng và triển khai phương án sử dụng lực lượng bộ đội thường trực, dự bị động viên cùng với trang thiết bị để sẵn sàng cơ động hộ đê, cứu hộ đê và phục vụ PCLB...

Một số sở, ngành đã được giao chuẩn bị phương tiện, vật tư như Sở Giao thông vận tải chuẩn bị 20 ô tô tải, 10 ô tô khách, 2 sà lan, 2 xe cẩu và tổ chức lực lượng giải phóng ách tắc giao thông trong lũ, bão; Sở Xây dựng chuẩn bị 150m3 đá dăm, 150m3 cát vàng; Như vậy công tác PCLB năm 2014 đã được Ban Chỉ huy PCLB tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể chi tiết, hiện nay các sở, ngành, đơn vị, địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện, nhiều nội dung công việc đã được hoàn thiện.

Tuy nhiên, việc PCLB có đạt hiệu quả cao hay không, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm của từng đơn vị. Bởi ngoài việc triển khai thực hiện các nội dung được giao, điều quan trọng hơn cả là không làm hình thức, đối phó mà phải sát sao, quyết liệt, thực hiện có chất lượng, có như vậy mới không để xảy ra bị động và lúng túng khi có thiên tai xảy ra.

 Nguyên Bình

  • Từ khóa