Thứ 7, 12/10/2024, 09:24[GMT+7]

Kích động, tụ tập, biểu tình gây rối trật tự công cộng Hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh 

Thứ 2, 19/05/2014 | 23:33:40
1,357 lượt xem
Tỉnh táo, bình tĩnh, khôn khéo để không có những hành động vi phạm pháp luật, kiên quyết không nghe theo kẻ xấu xúi giục, kích động biểu tình, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống chính là tích cực cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc trên Biển Đông (nguồn vtv.vn)

Thể hiện lập trường ngang ngược trong các cuộc gặp, điện đàm, cho rằng: Hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981 nằm trong vùng lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải của quần đảo “Tây Sa” (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa) là “bình thường, hợp pháp, hoàn toàn nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”, không liên quan gì đến vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời gửi Công hàm trả lời Công hàm phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam với sự khẳng định trơ tráo: “Quần đảo Tây Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, không tồn tại bất kỳ tranh chấp nào. Việc ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc bắt đầu tác nghiệp tại vùng biển phụ cận quần đảo Tây Sa, trong phạm vi vùng biển tài phán của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp”, những ngày qua, Trung Quốc -  người bạn láng giềng của Việt Nam đã bất chấp cả đạo lý và pháp lý, bất chấp mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp truyền thống giữa hai nước hung hăng hành động gây hấn và khiêu khích, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định bởi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận liên quan khác.

Và khi chủ quyền bị xâm phạm, với tinh thần yêu nước tràn đầy và qua nhiều hình thức khác nhau, nhân dân ta ở trong nước, từ Bắc chí Nam, từ vùng biên giới đến hải đảo, cũng như kiều bào ta trên mọi miền thế giới vừa bày tỏ sự phẫn nộ, cực lực phản đối những hành động vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc vừa khẳng định quyết tâm đấu tranh vì công lý, vì chủ quyền và danh dự dân tộc. Song, càng trân trọng, ghi nhận, cảm kích trước tình cảm yêu nước thiết tha của các tầng lớp nhân dân những ngày qua, chúng ta càng kịch liệt phản đối những hành động quá khích, tụ tập đông người biểu tình tự phát gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông; thậm chí manh động lợi dụng biểu tình để phá hoại cơ sở sản xuất, có cả cơ sở sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt bình thường của người dân, môi trường đầu tư và chính sách đối ngoại đúng đắn của Ðảng và Nhà nước ta. Những hành vi vi phạm pháp luật này là nghiêm trọng, không những không phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, mà còn đi ngược lại chủ trương, quan điểm của Ðảng và Nhà nước ta về giải quyết các tranh chấp trên Biển Ðông bằng biện pháp hòa bình.

Theo Nghị định số 38/2005/NÐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, mọi hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng đều phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải được UBND có thẩm quyền cho phép (từ UBND cấp huyện trở lên). Theo đó, trong thời hạn 7 ngày (không kể ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định), kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét toàn diện những vấn đề có liên quan đến việc bảo đảm an ninh, trật tự công cộng để quyết định việc cho phép hoặc không cho phép tiến hành các hoạt động đó.

Thông tư số 09/2005/TT-BCA của Bộ Công an ngày 5/9/2005 hướng dẫn thi hành Nghị định số 38 cũng đã quy định rất rõ các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

1. Lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc lôi kéo, xúi giục, kích động, mua chuộc, lừa bịp, cưỡng ép, cổ vũ người khác tiến hành các hoạt động tập trung đông người trái phép, gây rối trật tự công cộng hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

2. Thuê, nhận làm thuê hoặc giúp sức cho người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng.

3. Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật ở nơi công cộng, trước trụ sở cơ quan, tổ chức hoặc tại khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các hoạt động chính trị quan trọng của Ðảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội.

4. Tiến hành các hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng theo quy định của Nghị định số 38 và hướng dẫn tại Thông tư 09 mà không được phép của Ủy ban nhân dân có thẩm quyền.

5. Gây cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, của cán bộ lãnh đạo các cơ quan Ðảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương; gây cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

6. Gây rối trật tự công cộng hoặc có các hành vi khác gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và cuộc sống bình thường của nhân dân, trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh nơi công cộng, gây mất vệ sinh môi trường.

7. Mang theo băng, cờ, biểu ngữ dưới mọi hình thức nhằm chống đối chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước hoặc mang theo vũ khí, vật liệu nổ, chất độc hại, chất dễ cháy, chất kích thích hoặc các đồ vật khác có thể gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe của người khác, đến tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân khác trong khi tiến hành các hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng.

8. Không chấp hành các quy định về khu vực cấm, khu vực bảo vệ và sự hướng dẫn của người có trách nhiệm giải quyết vụ việc có liên quan; cản trở, chống người thi hành công vụ; có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, xâm phạm tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân hoặc có hành vi quá khích khác như: la hét, chửi bới, đập phá; lăng mạ, đe dọa hành hung người khác.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ được giao để dung túng, bao che, ngăn cản hoặc xử lý không nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng.

Trao đổi với phóng viên Báo Thái Bình, luật sư Phạm Văn Hoàng - Văn phòng Luật sư Thái Bình khẳng định: Việc gây rối trật tự công cộng của những người tham gia biểu tình tự phát vừa diễn ra trong những ngày qua tại một số địa phương nhằm phản đối việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Ðặc biệt, hành vi đập phá tài sản của các doanh nghiệp có đủ yếu tố cấu thành tội hủy hoại tài sản của người khác nếu tài sản bị hủy hoại có trị giá từ 2 triệu đồng trở lên được quy định tại Ðiều 143 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cao nhất là tù chung thân. Hành vi "hôi của" có đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản hoặc tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Ðiều 138 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, cao nhất là tù chung thân. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Ðiều 137 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là tù chung thân.

Cũng theo luật sư Phạm Văn Hoàng, đối với những người tham gia biểu tình  không thực hiện các hành vi đập phá tài sản, “hôi của” như đã phân tích ở trên, nhưng nếu cơ quan chức năng có đủ chứng cứ chứng minh họ là người đứng ra kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình ngoài mục đích phản đối các hành vi gây hấn của Trung Quốc còn có mục đích khác thì tùy theo mục đích sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Cơ quan điều tra có thể xử lý về các hành vi này theo Ðiều 82 và Ðiều 85 Bộ luật Hình sự với mức thấp nhất của hình phạt là 12 năm tù, cao nhất là tử hình.

Tỉnh táo, bình tĩnh, khôn khéo để không có những hành động vi phạm pháp luật, kiên quyết không nghe theo kẻ xấu xúi giục, kích động biểu tình, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống chính là tích cực cùng cả nước bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nói một cách cụ thể hơn, trách nhiệm của mỗi người không chỉ là chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng; tôn trọng các quy tắc chung của cuộc sống xã hội; mà còn chủ động phát hiện, tố cáo và tham gia hỗ trợ các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự công cộng. Có như thế chúng ta mới kịp thời ngăn chặn được những hành động đáng trách, đáng buồn, đáng lên án, đáng bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ hình ảnh đẹp của Việt Nam và nhất định sẽ chiến thắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tùng Minh

  • Từ khóa