Thứ 6, 09/08/2024, 14:21[GMT+7]

Trường Sa Dáng hình Tổ quốc

Thứ 5, 29/05/2014 | 20:21:04
1,152 lượt xem
Ðặt chân lên nhiều điểm đảo cùng các nhà giàn, nơi nào chúng tôi cũng gặp những gương mặt trẻ trung nhưng dạn dày nắng gió. Ðón chúng tôi, họ phấn khởi như gặp lại người thân lâu ngày xa cách, cả khách lẫn chủ cùng chụp ảnh, vui cười, sánh bước bên nhau và sớm trở nên thân quen…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng động viên các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn.

 

Kỳ 4: Lính trẻ Trường Sa với lòng tự tôn dân tộc

 

Kỳ 1: Những bằng chứng lịch sử “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Namon>”   / Kỳ 2: Những chiến sĩ trung kiên nơi đầu sóng  Kỳ 3: Chung sức, đồng lòng giữ biển trời Tổ quốc 

 

Ước vọng biển khơi

 

Người để lại cho tôi nhiều ấn tượng trong suốt chuyến đi là Binh nhất Nguyễn Quốc Ðức, chàng trai sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội. Sau 7 năm du học trở về, Ðức đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ và ra đảo làm nhiệm vụ. Từng du học ở New Zealand và Australia 7 năm, lại sống trong gia đình làm kinh doanh có điều kiện về kinh tế nên từ nhỏ em được gia đình hết mực quan tâm. 11 tuổi, với vốn kiến thức ngoại ngữ vững chắc, cậu bé đã tự tin đặt chân ra nước ngoài du học. Vốn ưa thích du lịch nên mỗi năm cậu lại chuyển trường đến một thành phố để học.

 

Quãng thời gian 5 năm ở New Zealand và 2 năm ở Australia mang đến cho chàng trai Hà Nội những trải nghiệm thú vị. Vừa đi học, vừa đi du lịch, Ðức vẫn giữ thành tích học tập tốt, được nhà trường tặng giấy khen.

 

Ðầu năm 2013, Ðức quyết định trở về nước và phụ giúp gia đình công việc kinh doanh, rồi tham gia một khóa huấn luyện "Học kỳ quân đội" ở Thái Nguyên. Khi khoác lên mình bộ quần áo chiến sĩ và thực hiện chế độ sinh hoạt như một người lính thực thụ, trong đầu chàng trai nhen nhóm ý định theo nghiệp nhà binh. Vậy là cuối năm ấy, Ðức viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

 

Hôm gặp ở Trường Sa, được nghe Ðức tâm sự từ suy nghĩ đến cách sống và lý tưởng, tôi cảm nhận Ðức có vẻ chín chắn và từng trải hơn nhiều so với tuổi đời, nhưng trong anh vẫn giữ được những nét thư sinh, hồn nhiên.

 

Trung úy Hoàng Anh Tuấn, Phân đội trưởng Phân đội Pháo phòng không đảo Trường Sa Lớn, chỉ huy của Ðức, cho biết: "Dù sống ở nước ngoài nhiều năm, gia đình lại có điều kiện nhưng Ðức không hề có biểu hiện “công tử” mà rất năng động, nhiệt tình và gần gũi với đồng đội”.

 

Khó có thể kể hết những chiến sĩ yêu mến biển khơi và đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Ðó là Thượng úy, Chính trị viên Chu Văn Hùng (Nhà giàn DK1/17), sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan thông tin, anh ra trường và gắn bó với hải quân, đi hết vùng này đến vùng khác, gắn bó với biển đảo đến nay cũng đã 7 năm. Do điều kiện công tác mà đến nay Hùng vẫn là lính “phòng không”, hỏi tại sao chưa nghĩ đến chuyện vợ con, Hùng cho biết với người lính thì nhiệm vụ luôn đặt lên hàng đầu. “Mình còn trẻ, cứ cống hiến đã anh ạ, chuyện vợ con sẽ tính vào thời điểm thích hợp”, Hùng bảo vậy và anh nói rằng sẽ gắn cả cuộc đời với vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Là lính nhà giàn nhưng Hạ sĩ Lê Ðức Khang, người con của vùng quê Diễn Châu, Nghệ An lại suy nghĩ: Ðã là người lính thì ở đâu cũng vậy, đất liền cũng như hải đảo, tất cả đều là nghĩa vụ với Tổ quốc. Ðược biết Khang có lòng yêu biển từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Khang cũng cho biết ước mơ sau này là được đi học sĩ quan để trở lại công tác lâu dài cùng đồng đội trên biển.

 

Còn chiến sĩ Hoàng Khắc Trọng, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa trên đảo Cô Lin cho biết: “Khi nhập ngũ và trải qua quá trình huấn luyện, em cũng phần nào hình dung được quần đảo Trường Sa qua sách, báo, ti vi, nhưng khi ra đảo công tác, cống hiến, em càng thấy cuộc sống của mình thêm ý nghĩa”.

 

Ở đảo Ðá Lớn B, tôi gặp Thượng úy Nguyễn Văn Thắng, quê Nghĩa Hưng, Nam Ðịnh. Thắng chia sẻ: “Sóng to, gió lớn cũng là điều kiện để anh em trên tàu rèn luyện sức chịu đựng, dẻo dai. Do xác định tốt nhiệm vụ nên dù khó khăn, gian khổ đến mấy anh em cũng cố gắng vượt qua”.

 

Lời thề trước biển

 

Với tuổi trẻ Trường Sa, tình yêu quê hương và khát vọng về biển khơi là những tâm sự dài kể mãi không hết. Tôi đã gặp những người con quê lúa Thái Bình trên đảo Sơn Ca như Thiếu úy Lưu Bá Namon>, Trung úy Ðào Trung Hưng, Thiếu tá Ðỗ Như Cương, Ðại úy Ðỗ Ðức Namon>… Qua tâm sự được biết các anh đều xác định tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Binh nhất Nguyễn Quốc Ðức sau giờ tập luyện.

 

Trở lại câu chuyện về Nguyễn Quốc Ðức, tôi có hỏi anh về vốn liếng tiếng Anh có thể gọi là “đỉnh” cùng những năm tháng du học ở nước ngoài, vì sao Ðức không chọn cho mình một ngành học nào đó đỡ vất vả hơn? Ðức chân thành bộc bạch: “Mỗi người đều có một con đường để lựa chọn, em cũng có sự lựa chọn của mình và em tin là mình đã có sự lựa chọn đúng đắn”.

 

Ðức cũng tâm sự rằng, mong ước của anh sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được học tiếp để theo con đường binh nghiệp và mong được trở lại vùng biển đảo của Tổ quốc. Ðức còn kể rằng, cách đó ít ngày, Ðức đã có dịp gặp người cha của mình khi ông có mặt cùng đoàn Việt kiều lên thăm đảo. Hôm ấy, hai cha con đã ôm nhau khóc vì xúc động. “Khi lên đảo, ba em cũng đã tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo món quà trị giá 200 triệu đồng. Khi chia tay ba, đứng trước biển, em đã hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và cùng đồng đội vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi quê nhà, ba mẹ hãy đặt niềm tin ở đứa con trai duy nhất trong gia đình. Con sẽ phấn đấu không ngừng để thực hiện giấc mơ được phục vụ lâu dài trong Quân đội và Trường Sa chính là nơi con lựa chọn để rèn luyện và thực hiện ước mơ, hoài bão ấy...”.

 

Giới thiệu tư liệu triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Namon> - Những bằng chứng lịch sử” trên đảo Trường Sa Lớn.

 

Khi chúng tôi trở về đất liền cũng là lúc Biển Ðông đang “dậy sóng” trước việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép tại thềm lục địa của Việt Namon>. Tôi gọi cho Ðức hỏi thăm, không ngờ Ðức lại rất bình tĩnh động viên lại: “Ở đất liền, anh và mọi người cứ yên tâm, ngoài này chúng em luôn chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Khi Tổ quốc cần, chúng em luôn sẵn sàng”. Ðức cũng không quên cho số điện thoại và dặn tôi nhớ dành thời gian đến thăm, động viên ba, mẹ Ðức.

 

Còn Chu Văn Hùng, Nhà giàn DK1/17 thì kể: “Mấy hôm nay, khi biết tin tàu Trung Quốc gây hấn ở vùng biển Việt Namon>, bố, mẹ em ở nhà cũng lo lắng điện thoại ra hỏi thăm tình hình. Em phải động viên ngược lại đấy, em bảo bọn con vững vàng lắm vì là lính đảo mà”.

 

Nghĩ về những chàng lính trẻ trên các vùng biển đảo, trong tôi chợt ùa về những vần thơ da diết của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình/… Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi…”

Phạm Công Ðảo

(Cục Thông tin đối ngoại)

 

  • Từ khóa