Thứ 5, 01/08/2024, 05:26[GMT+7]

Trường Sa Dáng hình Tổ quốc

Thứ 6, 30/05/2014 | 20:31:58
1,435 lượt xem
Dù ở thời kỳ nào cũng vậy người Thái Bình luôn có những dấu ấn khó phai bởi sự quật cường, kiên trung, anh dũng và luôn là lá cờ đầu trong chiến đấu, xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Các chiến sĩ quê Thái Bình cùng các chiến sĩ Nhà giàn DK1/17.

 

Kỳ 5: Những người con Thái Bình trên đảo Trường Sa

 

Kỳ 1: Những bằng chứng lịch sử “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Namon>”   / Kỳ 2: Những chiến sĩ trung kiên nơi đầu sóng  Kỳ 3: Chung sức, đồng lòng giữ biển trời Tổ quốc / Kỳ 4: Lính trẻ Trường Sa với lòng tự tôn dân tộc

 

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc từ ngàn năm Bắc thuộc cho đến kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thời nào người Thái Bình cũng nêu cao tinh thần anh dũng kiên cường bất khuất. Nhiều tấm gương điển hình đã đi vào lịch sử như: Vũ Thị Thục Nương, Trần Thị Dung, Trần Lãm, Trần Thủ Ðộ, Phạm Ðôn Lễ, Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn  Quang Bích, Nguyễn Thị Chiên, Phạm Tuân, Bùi Quang Thận… họ đã để lại dấu ấn thiêng liêng trong lòng không chỉ mỗi người dân Thái Bình mà với mỗi người dân Việt Nam.

 

Dù ở thời kỳ nào cũng vậy người Thái Bình luôn có những dấu ấn khó phai bởi sự quật cường, kiên trung, anh dũng và luôn là lá cờ đầu trong chiến đấu, xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

 

Hiện nay, có gần 100 người con Thái Bình làm nhiệm vụ tại các điểm đảo, nhà giàn Trường Sa. Tháng rồi năm, mưa rồi nắng, thời gian nát đá, tan vàng nhưng những người con Thái Bình vẫn nối tiếp nhau đến, ở lại và tham gia mọi công việc được phân công ở Trường Sa. Ở vị trí công tác nào, các chiến sĩ người Thái Bình đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

 

Trên đảo Sơn Ca, một đảo với quân số không quá nhiều nhưng có gần 10 người con của Thái Bình như Thiếu úy Lưu Bá Nam, Trung úy Ðào Trung Hưng, Thiếu tá Ðỗ Như Cương, Ðại úy Ðỗ Ðức Nam… Qua tâm sự được biết đa số các anh đều được đào tạo chính quy bài bản và xác định sống trọn đời với biển.

 

Trung tá, Chính trị viên Ðào Thế Tuyến, Ðảo trưởng trên đảo Sơn Ca quê Ðông Hưng cho biết: Ðã là chiến sĩ thì bất cứ từ vùng quê nào cũng cùng chí hướng là rèn luyện chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và trong những người con của Thái Bình trên đảo Sơn Ca, tất cả đều phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong học tập, rèn luyện phát huy được truyền thống anh dũng, kiên cường của quê hương.

 

Chính trị viên Ðào Thế Tuyến cũng cho biết, những chiến sĩ quê Thái Bình làm nhiệm vụ trên đảo này luôn là điểm sáng trong các phong trào thi đua cũng như tích cực trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao.

 

Các chiến sĩ xem triển lãm tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Namon> - Những bằng chứng lịch sử” trên đảo Trường Sa Lớn (tháng 4/2014).

 

Ðảo Trường Sơn Ðông có khá nhiều cán bộ, chiến sĩ người Thái Bình, cả thảy trên dưới chục người. Trần Tiến Lộc là một trong số ấy. Trần Tiến Lộc đã có gần 7 năm công tác tại các đảo Trường Sa. Lộc còn cho biết hiện anh có con nhỏ tính đến nay cháu gần được 3 tuổi nhưng anh cũng chỉ về gặp con được một lần.

 

Với Ðại úy Ðỗ Ðức Nam trợ lý phòng không quê Vũ Hội (Vũ Thư) lại với khát vọng được sống và trải nghiệm trên tất cả các đảo nhất là những nơi gian khó như đảo chìm cùng các nhà giàn. Còn với Binh nhất Lê Sỹ Chiến lại có ước muốn sau này ra trường theo học tiếp sĩ quan để trở lại đảo phục vụ lâu dài cùng với đồng đội giữ vững vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng chung suy nghĩ với Lê Sỹ Chiến là nhân viên thông tin Trần Văn Quyết, Trung sĩ Trần Ánh Dương cũng có khát khao bám biển lâu dài.

 

Trên Nhà giàn DK1/17 cũng có đến gần 1/3 người con của Thái Bình, trong đó có Nguyễn Minh Mẫn quê Thái Thụy và Nguyễn Minh Thân người Vũ Thư có trên dưới 15 năm làm nhiệm vụ hết từ nhà giàn này đến nhà giàn khác theo vòng quay năm tháng.

 

Tuần tra trên biển.

 

Ðời người lính vốn thường biền biệt thế. Có người lính cưới vợ xong đi một mạch vào chiến trường lúc trở về chỉ là một tấm giấy báo tử đã ố vàng. Chiến tranh có những mất mát không thể nói hết được bằng lời, bằng giấy mực, nhất là tinh thần đấu tranh bảo vệ dân tộc của những người con Thái Bình - những người con kiên cường bất khuất trong chống ngoại xâm sinh ra từ vùng đất có tiếng trống năm 1930.

 

Bằng những tính cách chân thật nhưng cũng rất đỗi kiên cường giản dị của người Thái Bình đã tạo nên bản lĩnh khác thường của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Không phải chỉ các anh lớn tuổi, ngay các binh nhất, binh nhì người Thái Bình ở đây cũng luôn tự tin và tự hào về nhiệm vụ và vinh dự của mình, được là người chiến sĩ Trường Sa.

 

Người Thái Bình ở Trường Sa cũng như các miền quê khác, luôn giản dị, hiền hòa, nhường nhịn trong sinh hoạt đời thường, nhưng cũng vô cùng dũng cảm, cương quyết trong nhiệm vụ được giao. Qua các điểm đảo nổi, đảo chìm, chúng tôi gặp rất nhiều chiến sĩ người Thái Bình: Nguyễn Tiến Nam đảo Sơn Ca quê Tiền Hải, luôn lễ phép, trang nghiêm; Trần Ánh Dương đảo Trường Sa Ðông quê Ðông Hưng luôn tươi cười, hóm hỉnh; Ðào Trung Hưng cùng chục cán bộ chiến sĩ người Thái Bình trên đảo Sơn Ca luôn là tấm gương nêu cao tinh thần đùm bọc, giúp đỡ không riêng gì với người Thái Bình mà với cả các đồng đội quê ở mọi vùng miền trên đảo.

 

Còn rất nhiều những tấm gương người Thái Bình trên các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn ngày đêm bám trụ luôn giữ bản lĩnh của người Thái Bình, hòa trong bản sắc chung các vùng quê yêu dấu mọi miền của Tổ quốc.

 

Bác Hồ đã từng nói: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển của ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó". Lời Người đang vang trên đầu ngọn sóng, đang ngấm vào trái tim, khối óc của mỗi người chiến sĩ Trường Sa, trong đó có những người con quê lúa Thái Bình.

Phạm Công Ðảo

(Cục Thông tin đối ngoại)

 

 

  • Từ khóa