Lê Quý Ðôn viết về Trường Sa và Hoàng Sa
Bảng nhãn Lê Quý Ðôn (1726 - 1784), tự Doãn Hậu, hiệu Quế Ðường quê làng Phú Hiếu, nay thuộc xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà được đánh giá là nhà bác học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến.
Theo các nguồn thư tịch hiện còn lưu trữ được đã cho biết Lê Quý Ðôn từng viết tới hơn 50 bộ sách, khảo cứu đến hầu hết mọi lĩnh vực: lịch sử, địa lý, văn học, triết học, ngôn ngữ học, nông học, thiên văn học, y học… và điểm sáng đáng chú ý, xuyên suốt các trước tác của ông là tinh thần đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trong đó có việc khẳng định tính thống nhất và chủ quyền lãnh thổ của quốc gia Ðại Việt.
Năm 1776, Lê Quý Ðôn đang giữ chức quan Hành đô ngự sử thì triều đình Lê - Trịnh đã cử ông đi làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ cùng Bùi Thế Ðạt làm đốc trấn ở Thuận Hóa, một vùng đất vừa mới bình định xong. Chỉ trong vòng 6 tháng, phải độc lập cùng Bùi Thế Ðạt lo ổn định tình hình, thiết lập lại hệ thống chính trị, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội nhưng Lê Quý Ðôn đã triệt để tranh thủ tận dụng cơ hội này để thu thập tư liệu, khảo cứu về xứ Ðàng Trong mà trước ông còn ít người viết một cách thấu đáo để viết xong bộ sách đồ sộ mang tên Phủ biên tạp lục gồm 6 quyển. Bộ sách này có thể coi là một bộ lịch sử, bộ địa chí khá toàn diện và tường tận về xứ Ðàng Trong.
Ðọc Phủ biên tạp lục, chúng ta được biết Lê Quý Ðôn không chỉ đi quan sát, ghi chép từ thực tế mà ông còn đọc hầu hết các sách của người trước đã viết và đọc cả đống công văn, giấy tờ nhà Nguyễn để lại. Trong nhiều trang sách, Lê Quý Ðôn đã dẫn tư liệu từ sách Ô Châu cận lục viết vào năm 1555 và tập bản đồ mang tên Thiên Nam tứ lộ đồ chí của Ðỗ Bá Công Ðạo vẽ vào khoảng giữa thế kỷ XVI và bổ sung tư liệu từ nguồn công văn, giấy tờ của nhà Nguyễn để lại.
Khi dẫn ra những tư liệu cũ, Lê Quý Ðôn thường có đối chứng, so sánh giữa lịch sử với thực tế đang diễn ra mà ông đã quan sát được để khảo và luận. Chính cách làm này mà người đọc vững tin vào những điều ông viết và mặc dù sách Phủ biên tạp lục không vẽ bản đồ xứ Ðàng Trong mà người đọc vẫn dễ dàng hình dung ra hình thế, núi sông, biển đảo, vị trí của từng đơn vị hành chính cụ thể.
Chẳng hạn, khi xem tập bản đồ Thiên Nam tứ lộ đồ chí của Ðỗ Công Bá Ðạo vẽ trước đó hơn 100 năm, đến trang vẽ về phủ Quảng Ngãi, Lê Quý Ðôn đã rất quan tâm đến lời chú thích: "Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài độ bốn trăm dặm, rộng hai mươi dặm, dựng đứng giữa biển…". Ðể rồi, từ một lời chú thích sơ sài này, chưa đủ thông tin về vị trí và chủ quyền của Bãi Cát Vàng, Lê Quý Ðôn đã thu thập thêm tư liệu, tìm thêm chứng cứ để viết về dải đất giữa biển này một cách khá tường tận.
Cần phải thấy rằng, trên các bản đồ của quốc gia Ðại Việt, từ thời Lê Quý Ðôn trở về trước, các tên gọi: Ðại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa, Bãi Cát Vàng là tên gọi chung cho cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kể cả các nhà buôn phương Tây, trước đó cũng gọi như vậy. Ðến những năm 1787 - 1788, đoàn khảo sát Kergarioa - Locmaria mới phân biệt rõ ràng và chính xác vị trí của hai quần đảo này.
Khi đọc những công văn từ thời trước lưu lại, Lê Quý Ðôn đã phát hiện được một đạo công văn ghi chép về việc chúa Nguyễn tổ chức khai thác tài nguyên ở Vạn Lý Trường Sa và ông đã không quên ghi lại chi tiết này trong Phủ Biên tạp lục: "Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu (tức Hải Nam) gửi cho Thuận Hóa nói rằng: Năm Càn Long thứ 18 (1753), có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội cất liên huyện Chương Ngãi, phủ Quảng Ngãi nước An Nam, ngày… tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để lại 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, dạt vào Thanh Lan Cảng (Hải Nam), quan ở đây xét thực, đưa trả về nguyên quán, chúa Nguyễn Phúc Chu sai cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng hầu làm thư trả lời". Từ những thông tin thu được qua đạo công văn này, nhân một lần đi kinh lý về phủ Quảng Ngãi, Lê Quý Ðôn đã tìm hiểu kỹ hơn về đội quân Hoàng Sa và ông đã thuật lại: "Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bỉnh Sơn có núi gọi là Cù lao Ré, rộng hơn ba mươi dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu, ra biển bốn canh thì đến. Phía ngoài nữa lại có đảo Ðại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hóa vật của tàu biển bị đắm. (Chúa Nguyễn) lập đội Hoàng Sa để đi lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến, đó là chỗ gần xứ Bắc Hải (tức đảo Hải
Khi kể lại cách khai thác của chúa Nguyễn về vùng đảo này, Lê Quý Ðôn đã viết: "Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước kia họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên một năm cứ vào tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương ăn đủ 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy… Khi về qua cửa Eo đến thành Phú Xuân (Huế) nộp các thứ lấy được, các quan cân định hạng xong quyết định thứ gì phải nộp, thứ gì cho đem bán, cuối cùng là phát sắc khen…".
Ở một trang khác, Lê Quý Ðôn lại miêu tả tỉ mỉ hơn: "Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia, hoặc đi một ngày, hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy".
Ở nhiều trang khác, Lê Quý Ðôn đã miêu tả các loại sản vật trên các đảo một cách tỉ mỉ như: tổ yến, đồi mồi, hải sâm, vích, ốc tai tượng… Ngày nay, nếu có dịp tìm hiểu kỹ càng hơn về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hẳn chúng ta sẽ ngạc nhiên nhiều về sự ghi chép chính xác của Lê Quý Ðôn về hai quần đảo này và chưa rõ ông đã có điều kiện đặt chân tới để quan sát hay chưa.
Về vị trí quần đảo Hoàng Sa mà Lê Quý Ðôn miêu tả là khá rõ ràng: ở ngoài khơi (phía ngoài Cù Lao Ré, nằm về phía đông bắc, gần đảo Hải Nam, với số đảo nằm linh tinh tới hơn 130 đảo…). Về số lượng các đảo của hai quần đảo này, cho đến nay vẫn chưa có số liệu chính xác đến mức tuyệt đối. Vì có đảo đã nổi hẳn, có đảo còn là những bãi đá ngầm, khi nước thủy triều rút xuống mới nhìn thấy rõ. Ở thời điểm quan sát khác nhau, có thể đếm được số lượng đảo khác nhau. Cho đến nay, vẫn có đảo nằm sâu dưới nước tới hơn 10 mét như bãi ngầm Bạc Nen. Có loại đã nhô gần lên mặt nước như bãi ngầm Ðá Lồi. Có loại đảo hình vành khuyên, ở giữa nước rất lặng mặc cho phía ngoài đang sóng to gió lớn, rất thuận lợi cho các tàu thuyền vào tránh bão như đảo Bon Bay, đảo Bắc. Có đảo đã nổi hẳn lên trên mặt nước biển đến dăm ba mét như các đảo Tri Tôn, Hoàng Sa, Phú Lâm… Còn có những đảo mà Lê Quý Ðôn miêu tả "Có bãi cát vàng dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy…", đó là các bãi ngầm Ðá Lồi ở quần đảo Hoàng Sa dài từ 30 - 35km, rộng đến 6 - 7km và bãi Thuyền Chài ở quần đảo Trường Sa dài 30km, ngày nay vẫn thường quan sát được cảnh "nước trong suốt đáy".
Từ thế kỷ XVIII trở về trước, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Lê Quý Ðôn và những người cùng thời với ông gọi bằng những tên Hoàng Sa, Bãi Cát Vàng, Vạn Lý Trường Sa… vốn là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia Ðại Việt và chắc chắn là không có chuyện tranh chấp chủ quyền với bất kỳ một quốc gia nào nên không thấy Lê Quý Ðôn ghi chép lại. Trước Lê Quý Ðôn hàng trăm năm, Ðỗ Bá Công Ðạo vẽ bản đồ và chú thích về hai quần đảo này. Lê Quý Ðôn đã có công khảo sát tường tận hơn và ghi chép một cách cụ thể hơn về cách khai thác của chúa Nguyễn với tư cách Nhà nước quản lý và khai thác tài nguyên ở hai quần đảo này.
Bình sinh, Lê Quý Ðôn từng được người đời (trong đó có cả sứ thần nhà Thanh) truyền tụng là: "Thiên hạ vô tri vấn Bảng Ðôn" (trong thiên hạ có điều gì không biết thì hỏi ông Bảng Ðôn). Ðến nay, nếu còn ai đó chưa hiểu thấu đáo về chủ quyền lãnh thổ quốc gia về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xin hãy đọc sách Phủ biên tạp lục trong đó có chi tiết Lê Quý Ðôn dẫn đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương, Quỳnh Châu (Hải Nam) gửi cho Thuận Hóa. Ðó là một trong những chứng cứ khẳng định nhà Thanh đương nhiên tôn trọng chủ quyền của quốc gia Ðại Việt về hai quần đảo này.
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Đình Phương Cáp “kêu cứu” 23.10.2017 | 08:49 AM
- Về việc xác lập hồ sơ và đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với chiến sĩ Nguyễn Văn Hồng 02.10.2017 | 14:48 PM
- Thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tưQuyết tâm để nhà đầu tư chỉ phải đến “một cửa” 30.12.2013 | 10:57 AM
- Quỳnh GiaoÐồng không còn khói 18.11.2013 | 08:42 AM
- Bước vào mùa hanh khô không lơ là, chủ quan với "giặc lửa" 30.10.2013 | 10:12 AM
- Thức ăn đường phố - vẫn chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” 21.10.2013 | 19:21 PM
- Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11Tổ chức tốt Ngày Pháp luật góp phần giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật 08.11.2013 | 09:18 AM
- Vũ ThưPhát huy hiệu quả tổ tự quản vệ sinh môi trường 19.11.2013 | 08:25 AM
- Tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm của hoạt động bán hàng đa cấp 30.09.2013 | 09:56 AM
- Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trườngNhiều chuyển biến tích cực 24.12.2013 | 10:44 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trao quà tết tại Thái Bình
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”