Thứ 5, 01/08/2024, 15:14[GMT+7]

Bài học từ những vụ gây rối ở một số khu công nghiệp

Thứ 5, 26/06/2014 | 21:06:43
6,970 lượt xem
Tại một số địa phương, lợi dụng việc công nhân, người dân tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các đối tượng xấu đã trà trộn kích động người dân đập phá, chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp, chống người thi hành công vụ… Hành động đó đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, gây nhiều thiệt hại cả về người và tài sản, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh và môi trường đầu tư của Việt Nam. Các đối tượng vi phạ

Công nhân biểu tình ở khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương).

Thể hiện lòng yêu nước đúng pháp luật

Qua các hội nghị rút kinh nghiệm sau sự cố tại một số khu công nghiệp (KCN) ở Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Áng (Hà Tĩnh), đại diện các bộ, ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương đều khẳng định: Việc công nhân, người dân ta tuần hành phản đối hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của phía Trung Quốc là xuất phát từ lòng yêu nước, từ tinh thần dân tộc, là việc làm chính đáng. Nhưng đáng tiếc, sự việc đã bị kẻ xấu lợi dụng để gây rối, thực hiện những hành vi quá khích, đập phá cơ sở sản xuất, trộm cắp tài sản tại một số doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài; chống người thi hành công vụ.

Bài học đầu tiên mà cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp rút ra là mọi người dân, đặc biệt là công nhân trong các KCN phải thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn, tuân thủ đúng pháp luật. Chúng ta phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó là việc làm cần thiết. Nhưng, chúng ta không thể đánh đồng hành vi sai trái của nhà chức trách Trung Quốc với hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính, đúng pháp luật của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam để rồi phản ứng theo kiểu "giận cá chém thớt". Luật pháp Việt Nam không cho phép những hành vi ấy tồn tại.

Tại cuộc họp báo mới đây, một nhà báo nước ngoài đề nghị Việt Nam giải thích rõ về sự vi phạm pháp luật của những đối tượng đang bị bắt giữ sau sự cố. Về vấn đề này, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II - Bộ Công an - cho biết, Bộ luật Hình sự Việt Nam nghiêm cấm tụ tập gây rối trật tự công cộng; hành hung, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; hủy hoại, trộm cắp tài sản; chống người thi hành công vụ... Việc một số người lợi dụng để thực hiện những hành vi quá khích, trộm cắp tài sản của doanh nghiệp, chống người thi hành công vụ... như ở một số địa phương vừa qua rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Và hiển nhiên, ai vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý.

Để xảy ra sự cố phức tạp trên có nhiều nguyên nhân, nhưng theo phân tích của cơ quan chức năng, trước hết là do tâm lý quần chúng quá bất bình, bức xúc trước hành động sai trái của Trung Quốc. Khi mà độc lập dân tộc bị đe dọa, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm thì quần chúng nhân dân phản ứng là tất yếu. Khi bị kích động, một số quần chúng mất bình tĩnh, nóng nảy, hành động thái quá.

Bên cạnh đó, một số kẻ xấu trước đây làm công nhân cho các doanh nghiệp nước ngoài nhưng do mâu thuẫn với chủ nên bỏ việc, một số khác do vi phạm nội quy, kỷ luật lao động nên bị đuổi việc, nay lợi dụng cơ hội lộn xộn này để trả đũa, phá hoại tài sản của các doanh nghiệp. Theo công an các địa phương, tình hình càng trở nên phức tạp khi một số tội phạm hình sự, một số kẻ xấu đã lợi dụng để kích động công nhân đập phá, hôi của, trộm cắp tài sản. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là sự kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch bên ngoài. Trung tướng Hoàng Kông Tư cho biết, trong những ngày diễn ra sự việc, lực lượng Công an đã phát hiện bắt giữ một số đối tượng thuộc các tổ chức phản động người Việt lưu vong. Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai các tổ chức phản động đã chỉ đạo và cung cấp tiền cho chúng xuống đường mua chuộc, kích động công nhân, người dân biểu tình... Ý đồ của chúng là tìm cách biến những cuộc biểu tình tự phát thành các cuộc bạo động chính trị.

Bài học thứ hai mà cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng rút ra qua các vụ việc trên là chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời có giải pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm, không để kẻ xấu, đặc biệt là các thế lực thù địch phản động lợi dụng.

Theo phân tích của Bộ Công an nếu để kẻ xấu, các thế lực thù địch phản động lợi dụng sẽ rất nguy hại. Những đối tượng này hành động rất bài bản, thủ đoạn rất tinh vi, mục tiêu chính của chúng không phải là phản đối Trung Quốc mà nhằm làm giảm uy tín của Đảng và chính quyền, gây mất ổn định, tạo cớ để các thế lực thù địch can thiệp. Các hành vi bột phát, thiếu kiềm chế của người dân thông qua các chiêu trò hoạt động của những phần tử phản động rất dễ bị xuyên tạc, đẩy lên thành quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, để từ đó các thế lực thù địch phản động bên ngoài kiếm cớ can thiệp.

Tuyên truyền, giải thích gắn với xử lý nghiêm

Không chỉ dừng ở những hành vi kích động, lôi kéo, một số tổ chức phản động lưu vong, phần tử chống đối ở nước ngoài còn xuyên tạc, bịa đặt rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam đứng đằng sau các cuộc biểu tình... Từ đây một vấn đề quan trọng nữa được rút ra là phải kịp thời tuyên truyền, giải thích để người dân, nhất là công nhân trong các doanh nghiệp giữ thái độ bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, tin tưởng vào đối sách của Đảng và Nhà nước. Bản thân từng doanh nghiệp, nhất là tổ chức công đoàn phải chủ động tuyên truyền, giáo dục, quản lý công nhân, người lao động, khuyến cáo công nhân, nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành pháp luật trước những âm mưu kích động biểu tình, gây rối trật tự công cộng, tung tin bịa đặt của các tổ chức phản động lưu vong và một số đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Tại cuộc họp sáng 25/6, Thiếu tướng Trần Văn Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II chia sẻ, sở dĩ sự cố được giải quyết nhanh là do ngay sau khi sự việc xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Công an đã tăng cường lực lượng phối hợp với các lực lượng khác triển khai ngay các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hành vi manh động, nhanh chóng giải tán đám đông, ổn định tình hình, không để diễn biến phức tạp hơn, không để lan sang các địa bàn khác. Sau sự cố, các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi phạm tội, sớm đưa những kẻ gây rối, đập phá, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ… ra xét xử nhằm mục đích giáo dục, răn đe.

Để không bỏ lọt tội phạm, lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân phát hiện, tố giác nhiều đối tượng vi phạm pháp luật, truy tìm, thu hồi nhiều tài sản trộm cắp trả lại các doanh nghiệp. Thực tế đã để lại cho các địa phương, cơ quan chức năng bài học về phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong sự cố trên, đã có hơn một nghìn đối tượng bị bắt giữ. Sau khi sàng lọc thận trọng, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng khởi tố điều tra hàng trăm bị can. Ngày 25/5, bị cáo đầu tiên đã phải ra trước vàng móng ngựa, khởi đầu cho chuỗi các phiên tòa xét xử hàng loạt những kẻ gây rối, đập phá và hôi của, trộm cắp tài sản của doanh nghiệp, chống người thi hành công vụ. Đây là phiên tòa được đưa ra xét xử nhanh nhất từ trước đến nay, chỉ sau 12 ngày kể từ khi đối tượng vi phạm (13/5) cho đến ngày đưa ra xét xử (25/5)... Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng vi phạm là bằng chứng khẳng định Đảng và Nhà nước ta không dung túng, bao che những đối tượng vi phạm. Một số phần tử tung tin Đảng và Nhà nước Việt Nam đứng đằng sau các vụ biểu tình là hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt nhằm dụng ý xấu.

Theo qdnd.vn

  • Từ khóa