Thứ 6, 23/05/2025, 19:24[GMT+7]

Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XV Thẳng thắn, thấu đáo, sáng tỏ vấn đề, đáp ứng mong mỏi của cử tri

Thứ 6, 11/07/2014 | 08:19:02
1,301 lượt xem
Trong ngày làm việc thứ hai, HĐND tỉnh đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề đang được dư luận xã hội và đông đảo cử tri quan tâm. Báo Thái Bình lược ghi một số ý kiến trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bảo đảm kịp thời, đúng quy định

Đồng chí Nguyễn Tiến Vỳ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối kết hợp với Hội đồng giám định y khoa (HĐGĐYK) tỉnh, chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện thành phố hướng dẫn đối tượng xác lập hồ sơ và tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chính sách người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Từ tháng 9/2013 đến hết tháng 6/2014, Sở đã nhận 3.294 hồ sơ; đã xét duyệt: 3.118; hiện sở tổ chức xét duyệt 176 hồ sơ. Trong số hồ sơ đã xét duyệt có 1.951 hồ sơ đủ điều kiện và Sở đã giới thiệu sang HĐGĐYK: 1.601 trường hợp, số đang làm thủ tục giới thiệu: 350 trường hợp. Số không đủ điều kiện 1.167 hồ sơ, trong đó: 159 hồ sơ nghi ngờ sử dụng giấy tờ giả, Sở đã chuyển cơ quan công an và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra, thẩm định. 343 hồ sơ chuyển về địa phương để hướng dẫn đối tượng bổ sung giấy tờ, hoàn thiện hồ sơ. 665 hồ sơ chuyển về các huyện, thành phố để trả lại cho đối tượng.

Đến nay, HĐGĐYK đã giám định và có biên bản giám định bàn giao cho Sở 385 trường hợp. Căn cứ kết quả giám định, Sở đã ra quyết định cho đối tượng hưởng chính sách của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định (trong đó 383 đối tượng trực tiếp, 02 đối tượng gián tiếp). Số còn tồn lại tại HĐGĐYK chủ yếu là các trường hợp có bệnh án thần kinh ngoại biên và bệnh tâm thần. Các bệnh này vượt quá khả năng giám định của HĐGĐYK. Để giải quyết tình trạng trên, thời gian vừa qua, HĐGĐYK đã mời HĐGĐYK Trung ương về giám định tại Thái Bình để xác định bệnh, tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cho các trường hợp nêu trên.

Như vậy, việc xét duyệt hồ sơ và giải quyết chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thuộc trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã bảo đảm kịp thời, đúng quy định.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

Đồng chí Trần Xuân Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XV, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo số nợ xây dựng cơ bản của các dự án hoàn thành và các dự án chuyển tiếp đến 30/6/2013 là 3.378 tỷ đồng. Trong đó: nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án hoàn thành của tỉnh là 1.369 tỷ đồng, các dự án chuyển tiếp là 1.596 tỷ đồng, số nợ của huyện, xã là 413 tỷ đồng. Trong báo cáo cũng đã nêu, đến thời điểm tháng 12/2013 các dự án của tỉnh đã bố trí 1.006 tỷ đồng (trong đó bố trí cho các công trình hoàn thành để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản là 432,7 tỷ đồng). Như vậy, số nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại của tỉnh là 936,3 tỷ đồng.

Để giải quyết số nợ xây dựng cơ bản, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung thanh toán các dự án hoàn thành, bố trí cho dự án chuyển tiếp đã rà soát quy mô,  hạn chế tối đa dự án khởi công mới. Do vậy, năm 2013 tỉnh chỉ bố trí 3%, năm 2014 là 2,2% tổng vốn ngân sách tỉnh cho dự án cần xử lý cấp thiết, quy mô nhỏ, có khả năng hoàn thành trong năm. Năm 2014 các cấp ngân sách đã bố trí: 1.154 tỷ đồng, gồm: ngân sách tỉnh đã bố trí cho thanh toán nợ các dự án hoàn thành và các dự án chuyển tiếp 810,335 tỷ đồng (trong đó thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án hoàn thành là 475,8 tỷ đồng), các huyện, xã bố trí thanh toán cho dự án là: 344 tỷ đồng. Thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản nên đến 30/6/2014 nhiều dự án đã hoàn thành và có quyết toán được duyệt. Theo Báo cáo số 205/BC-STC ngày 9/7/2014 của Sở Tài chính số nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án hoàn thành của tỉnh là 948,2 tỷ đồng (gồm: 55 dự án có quyết toán được duyệt là 80,9 tỷ đồng, 58 dự án hoàn thành chưa quyết toán là 867,3 tỷ đồng); số nợ của huyện, xã là 839,1 tỷ đồng (trong đó huyện: 306,6 tỷ đồng, xã là 532,5 tỷ đồng).

Tiếp tục thực hiện xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, trong thời gian tới sẽ tập trung một số giải pháp chính như sau: Đối với số nợ các công trình hoàn thành: các dự án do tỉnh quản lý, dành tiền tăng thu sử dụng đất (dự kiến khoảng 82 tỷ đồng); 50% tiền tăng thu từ thuế, phí, lệ phí, nguồn dự phòng ngân sách còn lại, các nguồn chi thường xuyên trong dự toán năm 2014 không sử dụng hết (dự kiến khoảng 175 tỷ đồng) để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Báo cáo HĐND, UBND tỉnh cho sử dụng nguồn thu thuế VAT đầu tư xây dựng cơ bản 2% 6 tháng đầu năm 2014 (dự kiến khoảng 40 tỷ đồng), sử dụng tiền thu sử dụng đất 10% điều tiết về ngân sách tỉnh năm 2014, 2015 (mỗi năm dự kiến khoảng 50 tỷ đồng) tập trung bố trí cho giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của tỉnh. Tổng số dự kiến huy động là: 347 tỷ đồng, xử lý được 36,6% số nợ. Báo cáo bộ ngành Trung ương ứng vốn thanh toán năm 2014 - 2015 các dự án đã hoàn thành với tổng các nguồn vốn khoảng 320 tỷ đồng, giải quyết được 33,7 tổng số nợ. Như vậy, tổng số vốn dự kiến huy động khoảng 667 tỷ đồng, xử lý được 70,3% tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản hiện có; các dự án của huyện, xã tập trung chỉ đạo việc quản lý, sử dụng nguồn tăng thu sử dụng đất năm 2013, chưa sử dụng, nguồn kết dư, nguồn thu tiền sử dụng đất tăng năm 2014 (dự kiến 453,4 tỷ đồng) và thu sử dụng đất năm 2015 cho thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Đối với các công trình chuyển tiếp phải thực hiện theo kế hoạch vốn bố trí, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới trong năm 2014, 2015.

Báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố, các chủ đầu tư thực hiện việc rà soát danh mục dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ đang triển khai thực hiện để cắt giảm nội dung đầu tư, chi phí, hạng mục không thật cần thiết, bảo đảm nguồn lực đầu tư hoàn thành dự án hoặc xem xét quyết định dừng, giãn tiến độ những dự án chưa thật cấp bách, có nhu cầu về vốn lớn để tập trung vốn cho các dự án cấp bách hơn và có nhu cầu về vốn ít để hoàn thành phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với các công trình, hạng mục công trình mới báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện, thành phố, các đơn vị chưa xem xét, đề xuất các công trình, hạng mục công trình không thực sự cấp thiết khi chưa xử lý hết nợ xây dựng cơ bản. Triển khai Luật Đầu tư công phân cấp quản lý vốn, thẩm định, phê duyệt dự án cho từng cấp ngân sách; Luật Đấu thầu số 43/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014, trong đó tập trung thực hiện áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói nhằm hạn chế những chi phí phát sinh phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn đến mất cân đối trong việc bố trí vốn.

Dự án đường 39B từ Kiến Xương đi cầu Trà Lý chậm tiến độ chủ yếu do nhà đầu tư huy động tài chính kém

Đồng chí Phạm Quang Đức, Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Đoạn đường 39B từ Kiến Xương đi cầu Trà Lý đang thi công thuộc dự án BT nâng cấp, cải tạo đường 29B từ thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) đến thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy). Dự án được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 46/QĐ-UBND ngày 14/01/2010 với tổng mức đầu tư 2.077 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 36 tháng. Dự án được khởi công từ tháng 9/2010, đến thời điểm tháng 6/2014 là 45 tháng, sau khi trừ đi 9 tháng dừng thi công do lãi suất cao, nhà đầu tư đã thi công được 36 tháng, tức là hết thời gian hợp đồng. Giá trị khối lượng Nhà đầu tư đã thực hiện là 1.248.891 triệu đồng (đạt khoảng 53% so với hợp đồng).

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã chủ động phối kết hợp với các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương nơi dự án đi qua và nhà đầu tư cùng doanh nghiệp dự án tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đồng thời tổ chức kiểm tra hàng tháng về tiến độ và đôn đốc thực hiện dự án. Tại các cuộc kiểm tra, làm việc hàng tháng với nhà đầu tư (Công ty cổ phần TASCO) đoàn kiểm tra đã lập biên bản hiện trường, trong đó làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến. Hàng tháng, sau kiểm tra, Sở GTVT đã có văn bản đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương khắc phục tình trạng mất ATGT trên tuyến, tập trung giải ngân tiền chi trả giải phóng mặt bằng (GPMB) theo các phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB của UBND các huyện; huy động nguồn lực tài chính cho dự án và đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, Sở đã giao cho Thanh tra Sở thường xuyên kiểm tra lập biên bản xử phạt đơn vị thi công nhưng công tác bảo đảm giao thông trên tuyến vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, còn để mặt đường phát sinh nhiều cao su, ổ gà, đọng nước khi trời mưa.

Dự án chậm tiến độ và gây ách tắc giao thông do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do việc huy động tài chính của nhà đầu tư kém. Các ngân hàng thương mại chỉ cho nhà đầu tư vay khi có kế hoạch vốn. Đến nay nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được bố trí và giải ngân cho GPMB và xây lắp là 832,398 tỷ, khả năng đến năm 2016 nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho công trình tổng số được là 1.437 tỷ.

Về công tác GPMB còn có vướng mắc chủ yếu do xác định nguồn gốc đất đai và yêu sách về đơn giá đền bù (xã An Bồi 10 hộ, xã An Ninh 8 hộ). Mới đây, ngày 8/7/2014 UBND tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra cùng các ngành và các địa phương tại hiện trường dự án, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã kết luận sau kiểm tra hiện trường: Đến trước ngày 15/7/2014 hai huyện Kiến Xương, Tiền Hải phải cơ bản xong GPMB ở An Bồi, An Ninh. Nhà đầu tư phải tập trung nguồn lực để thi công xong đoạn từ Kiến Xương đến đường vào Trung tâm Điện lực (xã Thái Thọ, Thái Thụy) trong năm 2014. Nhà đầu tư cũng đã cam kết thực hiện nghiêm kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.

27,26km đê của huyện Hưng Hà chưa nâng cấp đồng bộ do khó khăn về vốn

Đồng chí Nguyễn Hữu Rong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Huyện Hưng Hà có tổng số 40km đê từ cấp 2 đến cấp 3. Trong đó đê Hồng Hà 1 là đê cấp 2 dài 17km, đê Hữu Luộc là đê cấp 3 dài 16,5km, đê Tả Trà Lý là đê cấp 3 dài 6,5km. Hiện tại trong 40km đê này đã có 12,74km được cứng hóa bằng bê tông mặt 5 - 6m, dày 20 - 25cm; còn lại 27,6km mặt đê được cứng hóa bằng đá cấp phối, có 48 điếm gác nước trên đê. Tuy nhiên do việc vận tải trên đê không được kiểm soát triệt để, nhiều xe quá tải đi trên đê nên những đoạn đê cứng hóa bằng đá cấp phối đã bị xuống cấp nghiêm trọng ở một số đoạn ảnh hưởng nhiều đến công tác hộ đê.

Với trách nhiệm của ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên, liên tục kiểm tra chất lượng đê điều nói chung, mặt đê nói riêng, lập các biên bản vi phạm và thông báo cho chính quyền địa phương và các ngành xử lý theo thẩm quyền theo quy định của Luật Đê điều. Toàn bộ 27,26km đê còn lại chưa được cứng hóa bằng bê tông đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh trình Chính phủ đưa vào Chương trình nâng cấp đê sông đến năm 2020 của Chính phủ để có vốn nâng cấp đồng bộ. Hiện tại các đoạn đê này đã lập xong dự án đầu tư trình phê duyệt; song do khó khăn về vốn của Chính phủ nên chưa thể thi công đồng bộ mà phải làm dần từng năm theo nguyên tắc chỗ nào cấp thiết làm trước, chỗ nào chưa xuống cấp nghiêm trọng thì làm sau. Hiện tại đê của tất cả các huyện cũng trong tình trạng tương tự như huyện Hưng Hà (trừ 52km đê biển trực diện đã được nâng cấp đồng bộ).

Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục kiểm tra thường xuyên phát hiện hư hỏng để tổ chức duy tu bảo dưỡng, phối hợp với huyện xử lý kiên quyết các vi phạm; tích cực báo cáo Chính phủ và các bộ ngành liên quan bố trí vốn để sớm nâng cấp 27,26km đê còn lại; khi nào Trung ương cấp kinh phí sẽ khẩn trương chỉ đạo thi công kịp thời.

Trong khi chờ Trung ương bố trí vốn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện Hưng Hà chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối kết hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã ven đê thành lập trạm kiểm soát xe cơ giới quá khổ, quá tải đi lại trên đê (cấm xe có trọng tải trên 10 tấn đi lại trên mặt đê, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); tu bổ sửa chữa các điếm gác nước trên đê, đồng thời, tổ chức san lấp ổ gà trên mặt đê bằng các loại vật liệu cứng và khơi rãnh thoát nước đọng trên mặt đê sau những trận mưa lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra đê và hộ đê trong mùa lũ, bão.

Chưa phát hiện các sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng

Đồng chí Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương

Thực hiện nhiệm vụ của mình, Sở Công Thương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Năm 2013 đã tiến hành kiểm tra 327 lượt vụ; xử lý 135 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 202 triệu đồng; ngoài ra còn tịch thu tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm trong lĩnh vực VSATTP trị giá hàng trăm triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2014, kiểm tra 269 vụ, xử lý 150 vụ, thu phạt gần 183 triệu đồng.

Qua kiểm tra, kiểm soát hoạt động chế biến và kinh doanh thực phẩm đã phát hiện các hành vi vi phạm chủ yếu là: sản xuất, kinh doanh hàng hóa sử dụng chất phụ gia là chất cấm - đường hóa học trong sản xuất sữa đậu nành, nước giải khát, không sử dụng bảo hộ lao động chuyên dụng, sử dụng dụng cụ ăn uống không bảo đảm vệ sinh, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm, không được tập huấn đầy đủ kiến thức về VSATTP; chưa phát hiện dùng nguyên liệu hóa chất, phụ gia ngoài danh mục cho phép hoặc không có nguồn gốc rõ ràng để bảo quản, chế biến các sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian tới ngành Công Thương sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Luật An toàn thực phẩm, những quy định của Nhà nước về các điều kiện trong chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, chủ động nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng thực phẩm, phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Kết hợp thường xuyên giữa công tác kiểm tra và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn. Thực hiện nghiêm quy trình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP những nhóm hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Công Thương. Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện theo quy định. Cơ sở nào không đủ điều kiện mà vẫn hoạt động, đề nghị chính quyền địa phương kiên quyết đình chỉ hoạt động.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra sản phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở vi phạm quy định. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông, thủy sản. Đặc biệt chú trọng công tác quản lý địa bàn điều tra, trinh sát, phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, thủy sản nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm VSATTP, sử dụng hóa chất, phụ gia ngoài danh mục cho phép hoặc không có nguồn gốc rõ ràng. Chủ động, kịp thời phát hiện và có biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu, kiểm nghiệm để phát hiện các hóa chất bảo quản và phụ gia cấm trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, thủy sản xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về đo lường, đóng gói chất lượng sử dụng các hóa chất bảo quản và phụ gia cấm trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa không bảo đảm VSATTP ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thẩm định kinh phí hỗ trợ một số đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có tài năng phải có căn cứ

Đồng chí Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính

Tại Điều 12, Quyết định 08/2009/QĐ-UBND ngày 29/7/2009 của UBND tỉnh quy định: “Hàng năm, Giám đốc sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ vào quy định và các văn bản hướng dẫn đề nghị UBND tỉnh xét duyệt quyết định cho từng đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định này”. Căn cứ Quyết định của UBND tỉnh quyết định cho từng đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi, Sở Tài chính đã thực hiện thẩm định kinh phí trình UBND tỉnh cấp đầy đủ kinh phí ưu đãi cho đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi theo đúng quy định. Cụ thể: Năm 2013, Sở đã thực hiện cấp phát: 3.116.099.000 đồng. 6 tháng đầu năm 2014 đã thực hiện cấp phát: 2.292.169.000 đồng.

Thực hiện Công văn số 981/UBND-TM về việc hướng dẫn thủ tục xét duyệt cấp kinh phí ưu đãi, thu hút, bồi dưỡng trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng, ngày 4/4/2014, Sở Tài chính đã có Công văn số 281/STC-TCHCSN gửi Sở Nội vụ về việc tham gia hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi thu hút, bồi dưỡng trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng để các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện. Đối với những cán bộ do thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành quyết định cử đi học, chưa được UBND tỉnh quyết định cho từng đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi (quyết định cử đi học, thời gian học, hình thức học tập trung hay tại chức, chế độ được hưởng), Sở Tài chính chưa có căn cứ để thẩm định kinh phí trình UBND tỉnh cấp hỗ trợ theo quy định.

 

  • Từ khóa