Thứ 4, 07/08/2024, 14:18[GMT+7]

Hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng

Thứ 3, 15/07/2014 | 20:05:01
770 lượt xem
Phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc quay lại nguyên trạng trước ngày 1/5/2014 là nội dung Nghị quyết mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua ngày 10/7 (giờ Oa-sinh-tơn).

Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc ở khu vực giàn khoan Hải Dương-981

Theo đó, với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết mang mã số S.RES.412 về Biển Đông yêu cầu Trung Quốc quay lại nguyên trạng trước ngày 1/5/2014.

Nghị quyết S.RES.412 được một số thượng nghị sĩ có ảnh hưởng bảo trợ như Chủ tịch thường trực Thượng viện Pa-trích Le-hi (Patrick Leahy); Thượng nghị sĩ Giôn Mác-kên (John McCain); Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ben-gia-min Ca-đin (Benjamin Cardin)… Nghị quyết khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và không phận ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo đúng quy định của luật pháp quốc tế. Nghị quyết nêu rõ, mặc dù không phải là một bên có yêu sách ở Biển Đông nhưng Mỹ là một cường quốc châu Á - Thái Bình Dương, có lợi ích quốc gia trong việc khuyến khích và ủng hộ các quốc gia trong khu vực hợp tác với nhau để giải quyết các tranh chấp bằng con đường ngoại giao và hòa bình; phản đối việc cưỡng bức, hù dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của tuyến hàng hải qua Biển Đông, cho rằng việc gia tăng các hoạt động tuần tra và đưa ra những quy định đối với các vùng biển và không phận có tranh chấp ở Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng cũng như nguy cơ đối đầu. Nghị quyết S.RES.412 liệt kê một loạt hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Nghị quyết cho rằng các yêu sách lãnh thổ và hành động trên đây của Trung Quốc là không thể biện minh theo luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS 1982 và là một hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002. Nghị quyết cũng lên án việc cưỡng chế, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực gây cản trở các hoạt động hàng hải, hối thúc Chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng các lực lượng ra khỏi những vị trí hiện nay, ngay lập tức trả mọi việc trở về nguyên trạng trước ngày 1/5/2014.

Chủ đề Biển Đông cũng là nội dung thảo luận trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Phi-líp-pin An-bớt Đen Rô-xa-ri-ô (Albert del Rosario) và người đồng cấp Bru-nây, Hoàng thân Mô-ha-mét Bôn-ki-a (Mohamed Bolkiah) tại Bru-nây. Tờ Philippine Daily Inquirer số ra ngày 11/7 cho biết, trong cuộc hội đàm ngày 9/7, hai bên đã khẳng định cam kết giải quyết hiệu quả tình hình căng thẳng và tìm giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp. Hai bên cũng nhất trí về "vai trò tích cực" của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Dư luận quốc tế tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Xlô-vê-ni-a và Cộng hòa Crô-a-ti-a  và tiến hành tham vấn chính trị với Bộ Ngoại giao hai nước này từ ngày 7 đến 9/7 của Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Xlô-vê-ni-a và Crô-a-ti-a đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hai nước trên đánh giá cao sự kiềm chế của Việt Nam; ủng hộ quan điểm chung của các nước EU về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Theo qdnd.vn

  • Từ khóa