Thứ 6, 26/07/2024, 03:04[GMT+7]

Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại giữa Nga và phương Tây

Thứ 7, 02/08/2014 | 16:03:25
822 lượt xem
Trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa Mỹ với Liên hiệp châu Âu (EU) và Nga đang "tăng nhiệt" với những đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Mát-xcơ-va được "tung" ra dồn dập, một cuộc chiến thương mại giữa "xứ sở Bạch Dương" với phương Tây cũng đang có nguy cơ bùng nổ, báo hiệu những tổn hại lớn về lợi ích kinh tế cho tất cả các bên liên quan.

Ngành dầu khí Nga chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất bởi lệnh trừng phạt của phương Tây.

 

Trong một bước đi được dự báo khó tránh khỏi những đòn trả đũa quyết liệt của Mát-xcơ-va, ngày 29-7, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma thông báo tiếp tục siết chặt trừng phạt LB Nga liên quan cuộc khủng hoảng tại U-crai-na. Theo đó, ba ngân hàng có trụ sở ở Mát-xcơ-va gồm Ngân hàng Mát-xcơ-va, Ngân hàng Nông nghiệp Nga và Ngân hàng VTB cùng một Công ty đóng tàu ở cố đô Xanh Pê-téc-bua sẽ không được phép tiếp nhận các khoản tài trợ trung hạn và dài hạn mới tại Mỹ. Ðồng lòng với "xứ cờ hoa", cùng ngày, EU cũng "mạnh tay" thông qua gói các biện pháp hạn chế và bổ sung trừng phạt Nga, bao gồm hạn chế các tổ chức tài chính nhà nước Nga tiếp cận thị trường tài chính EU, hạn chế đầu tư và thương mại đối với khu vực Crưm và Xê-va-xtô-pôn; áp đặt lệnh cấm vận đối với lĩnh vực thương mại vũ khí, cấm xuất khẩu đối với hàng hóa lưỡng dụng trong lĩnh vực quân sự và dân sự; hạn chế truy cập của Nga đối với những công nghệ nhạy cảm, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí.

Không chỉ siết chặt trừng phạt trong lĩnh vực kinh tế, gói trừng phạt bổ sung của EU lần này đã bổ sung thêm danh sách cá nhân và các tổ chức mà liên minh này cho là có liên quan tình hình U-crai-na. Trong số những cá nhân bị trừng phạt có một số nhân vật gần gũi với Tổng thống Nga V.Pu-tin. Ðồng thời, EU đánh giá lại lĩnh vực hợp tác song phương giữa liên minh này và Nga nhằm giảm tối đa mức độ hợp tác.

Vòng vây trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga thời gian qua vốn đã vấp phải sự trả đũa cứng rắn từ "xứ sở Bạch Dương". Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp tuyên bố các biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây chỉ khiến Nga càng độc lập hơn về kinh tế. Các báo cáo của Nga ngày 29-7 cho biết, Nga có thể sớm áp đặt lệnh cấm nhập khẩu một số loại trái cây từ EU và thịt gà từ Mỹ. Hãng Bloomberg đưa tin, cơ quan an toàn thực phẩm của Nga cho biết sẽ điều tra về vấn đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm pho-mát của chuỗi nhà hàng Mắc Ðô-nan của Mỹ và có thể khởi kiện tập đoàn này vì vi phạm các quy định về chất lượng.

Trước đó, cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thành lập các ban hội thẩm, chính thức bắt đầu quá trình giải quyết những khiếu nại của Nga và EU chung quanh việc Nga áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ EU và liên minh này đánh thuế đối với các công ty năng lượng, phân bón của Nga. Lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ EU được Nga, thị trường tiêu thụ 1/4 sản lượng xuất khẩu thịt lợn của EU, áp dụng kể từ tháng 1-2014 đã khiến ngành xuất khẩu thịt lợn của khối này thiệt hại tới bốn triệu ơ-rô mỗi ngày. Một tranh chấp thương mại khác cũng đang khiến WTO "đau đầu" là vấn đề thuế "điều chỉnh năng lượng" mà phương Tây áp đặt với các nhà sản xuất thép và phân bón của Nga kể từ năm 2002, khiến các công ty Nga chịu thiệt hại hàng trăm triệu USD/năm.

Những biện pháp "ăn miếng trả miếng" căng thẳng giữa Nga và phương Tây khiến các nhà phân tích lo ngại nguy cơ bùng phát cuộc chiến thương mại giữa hai bên là khó tránh khỏi. Ðại sứ Nga tại WTO G.Ô-vếch-cô tuyên bố, các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Nga đã vi phạm quy định của WTO và có thể đẩy Mát-xcơ-va vào vụ tranh chấp thương mại bất ổn. Ông cũng khẳng định, Nga sẽ sử dụng các cơ chế của WTO để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Theo hãng tin Nga Itar-tass, giới phân tích lo ngại việc phương Tây trừng phạt Nga sẽ không chỉ gây thiệt hại cho Nga, mà cả Mỹ và EU cũng phải hứng chịu hậu quả. Lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến ngành dầu khí Nga thiệt hại ít nhất 150-200 tỷ USD. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt này cũng khó tránh khỏi nguy cơ "gậy ông đập lưng ông". Thứ trưởng Tài chính Mỹ Ð.Cô-hen buộc phải thừa nhận, việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga cũng khiến Mỹ và EU tổn thất không nhỏ, đặc biệt là những tập đoàn vũ khí và năng lượng có các hợp đồng lớn với Nga. Lệnh cấm xuất khẩu công nghệ năng lượng của EU sẽ khiến Tập đoàn BP (Anh), hiện đang nắm giữ 20% cổ phần trong Tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga Rosneft, gần như chắc chắn phải ngừng khai thác tại Bắc Cực. Các doanh nghiệp khác của Mỹ và EU như Apple, McDonald's, Exxon Mobil... cũng sẽ mất đi một thị trường tiêu thụ quan trọng tại "xứ sở Bạch Dương".

Rõ ràng là, những đòn trừng phạt lẫn nhau giữa phương Tây và Nga không chỉ đẩy quan hệ song phương đi vào ngõ cụt và mà còn đẩy các bên vào một cuộc chiến thương mại cam go mà ở đó, không bên nào tránh khỏi những thiệt hại to lớn về mặt kinh tế. Những lợi ích sát sườn khiến cả hai bên đều phải cân nhắc những bước đi thận trọng. Dù Tổng thống Mỹ cảnh báo Nga sẽ bị cô lập hơn và có thể sẽ tiếp tục phải hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt của Mỹ, song các nhà lãnh đạo EU cũng để ngỏ cánh cửa hòa bình khi tuyên bố sẵn sàng đảo ngược quyết định của mình, nếu Nga có những đóng góp tích cực và cụ thể nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng U-crai-na.

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa