Thứ 7, 03/08/2024, 09:12[GMT+7]

Toàn cảnh dịch bệnh Ebola: 961 người chết và nỗi lo lắng toàn cầu

Thứ 2, 11/08/2014 | 09:13:13
538 lượt xem
TTO - Với việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8/8/2014 chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (international public health emergency), Ebola đã trở thành một hiểm họa đại dịch toàn cầu.

Báo chí Liberia ngày 31/7/2014 tràn ngập thông tin về dịch Ebola.

1.779 người nhiễm, 961 người tử vong
Cho tới chiều 9/8/2014, nhà chức trách đã ghi nhận có 1.779 trường hợp nhiễm virus Ebola ở 4 nước Tây Phi bao gồm Sierra Leone, Liberia, Guinea và Nigeria; trong số đó có ít nhất 961 người tử vong. Đây là một tỷ lệ tử vong khủng khiếp, tới 54%. Theo giới chuyên môn, tỷ lệ tử vong do virus Ebola gây ra có thể lên tới 90%!

Sau 2 ngày họp, Ủy ban khẩn cấp của WHO nhất trí rằng Ebola đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các nước Tây Phi. Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp có nghĩa là WHO sẽ phải đưa ra những khuyến nghị về những quy định nghiêm ngặt đối với việc đi lại và kinh doanh, cũng như tầm soát Ebola rộng hơn. Tình trạng khẩn cấp phải được công bố khi tình hình trở nên nguy kịch và có thể tồi tệ hơn nếu như không có được sự phản ứng toàn cầu nhanh chóng. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2009 tới nay, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Hai lần trước là đối với cúm gia súc (swine flu) hồi năm 2009 và bệnh bại liệt (polio) vào tháng 5/2014.

Ngày 8/8, khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với đợt bùng phát Ebola này, WHO không đưa ra khuyến cáo cấm bất cứ việc đi lại hay giao thương nào. Tuy nhiên, WHO nói rằng những người từng tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân Ebola sẽ không được đi ra quốc tế. Với 4 nước Tây Phi đang bị dịch Ebola hoành hành, WHO cũng đưa ra những khuyến nghị khác nhau, như giám sát cửa ra của các sân bay quốc tế và các cửa khẩu biên giới để phát hiện những trường hợp có khả năng nhiễm Ebola. WHO cũng không khuyến khích những cuộc tụ tập đông người. Riêng đối với các nước chưa phát hiện Ebola, WHO đề nghị phải tăng cường việc giám sát và điều trị ngay những người tình nghi theo chế độ khẩn cấp. WHO sẽ sớm tổ chức một cuộc họp để thảo luận về tính đạo đức của việc cho sử dụng các biện pháp điều trị Ebola thử nghiệm trong đợt bùng phát dịch này. Cho tới nay vẫn chưa có loại thuốc hay liệu pháp được cấp phép nào đối với Ebola. WHO cho biết có nhiều loại vắc-xin phòng Ebola đã được bào chế và thử nghiệm nhưng chưa có một thử nghiệm lâm sàng nào.

Đợt bùng phát dịch Ebola lần này bắt đầu từ tháng 3/2014 khi phát hiện ra virus Ebola tại vùng rừng nhiệt đới xa xôi hẻo lánh ở Guinea. Sau đó, virus Ebola lan sang 2 nước láng giềng Sierra Leone và Liberia trước khi tới Nigeria.

Hãy chú ý những triệu chứng
Theo tài liệu của Trung tâm truyền thông thuộc WHO, Ebola lây nhiễm từ động vật qua người thông qua những tiếp xúc gần gũi với máu, chất bài tiết, các bộ phận hay các chất dịch cơ thể của những con vật bị nhiễm. Ở châu Phi, người ta bị lây nhiễm virus Ebola từ những con vượn tinh tinh, khỉ đột, dơi ăn quả, khỉ, linh dương, và nhím đã bị bệnh hay chết trong các khu rừng. Sau khi đã xâm nhập vào cơ thể con người, virus Ebola bắt đầu lây nhiễm từ người qua người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết, các bộ phận và các chất dịch cơ thể của người bị nhiễm; cũng như qua tiếp xúc gián tiếp với các môi trường bị ô nhiễm bởi những chất dịch của người bệnh.

Tránh tụ tập đông người, giảm giao thông quốc tế
Phòng ngừa tối đa sự lây lan và tích cực điều trị càng sớm càng tốt những trường hợp bị lây nhiễm hiện là cách mà ngành y tế thế giới đang chống lại dịch bệnh chết người Ebola. Những người từng đi tới các nước Tây Phi trong vòng 3 tuần qua cần được giám sát chặt chẽ. Việc phát hiện hành khách nhiễm virus Ebola ở sân bay, nhà ga là cực kỳ khó khăn, vì căn bệnh này có những triệu chứng ban đầu giống như nhiều chứng bệnh khác, như sốt rét, sốt thương hàn,…

Chắc chắn thế giới sẽ lâm vào cảnh hoảng loạn nếu như phát hiện virus Ebola đã xuất hiện ở các châu lục khác ngoài châu Phi. Nếu mất bình tĩnh, dẫn tới hoảng loạn, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Giới chuyên môn khuyến cáo: Nếu không thật sự cần thiết, càng hạn chế những cuộc tụ tập đông người, càng ít đi lại trên các phương tiện giao thông quốc tế càng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Ebola hơn.

Tuy nhiên, từ trước  tới nay thế giới đã có nhều kinh nghiệm qua những đợt phòng chống dịch trên quy mô quốc tế như hội chứng hô hấp cấp SARS, cúm gia cầm… Và chỉ cần một người có trách nhiệm "gác dịch" cẩu thả, chủ quan là tai ương kinh hoàng xảy ra.

Việt Nam phòng chống dịch bệnh Ebola
Ngày 9/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp khẩn với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan về chống dịch Ebola; ra Công điện khẩn số 1392/CĐ-TTg về việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola. Thủ tướng yêu cầu tập trung thiết bị, máy móc, nhân lực giám sát, sàng lọc phát hiện sớm bệnh Ebola tại cửa khẩu, trường hợp phát hiện người nghi mắc bệnh cần cách ly để khoanh vùng dập dịch sớm. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có khuyến cáo để công dân hạn chế đi du lịch, làm việc tại khu vực có dịch. Trong công tác tuyên truyền, Thủ tướng cũng lưu ý cập nhật sớm tình hình dịch nhưng tránh gây hoang mang, xáo trộn cho người dân. Cùng ngày, Bộ Y tế đã dẫn thông báo của WHO về tình trạng khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh do virus Ebola.

 

  • Từ khóa