Thứ 6, 23/05/2025, 16:39[GMT+7]

Hồi ức về Tết Độc lập

Chủ nhật, 31/08/2014 | 18:10:49
2,353 lượt xem
Tết Độc lập luôn thiêng liêng với mỗi người dân Việt Nam. 69 năm đã trôi qua, vật đổi sao dời, đất nước trải qua những thăng trầm, biến cố nhưng con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn cho dân tộc vẫn chẳng hề lay chuyển.

Nhân dân hân hoan mừng ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Ảnh tư liệu

Khi thu về, lớp trẻ chúng tôi may mắn được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, những người con của quê lúa Thái Bình đã sống trong những ngày rợp bóng cờ hoa, ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông Trần Ngọc Soạn, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình.

Cách đây 69 năm, một mùa thu cách mạng đã tràn ngập trên cả nước. Không khí hào hùng của ngày tổng khởi nghĩa, từ thân phận đói nghèo, nô lệ, nay trở thành người dân của nước Việt Nam độc lập. Mặc dù khi đó còn nhỏ nhưng những tư tưởng mới trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu trong tâm trí của những người dân đất Việt như chúng tôi. Chúng tôi đã thấy giá trị của độc lập, thấy trách nhiệm thiêng liêng phải bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập mới giành được... ông Trần Ngọc Soạn, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nói trong xúc động.

Tuổi cao khiến việc đi lại của ông trở nên khó khăn, nhưng trí nhớ thì vẫn còn minh mẫn. Ông bồi hồi kể lại hồi ức về quãng đời hoạt động của mình cách đây hơn 60 năm: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hồng Việt, Đông Hưng. Tham gia công tác đoàn tại địa phương khi 17 tuổi, sau đó làm công nhân nhà máy cơ khí và được cử đi học rồi về công tác tại Tỉnh đoàn, Liên đoàn lao động tỉnh rồi nghỉ hưu”. Đối với ông, thời gian dẫu trôi, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác nhưng Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi vang vọng và là ký ức thiêng liêng, trân trọng.

Bà Vũ Thị Vành, thôn Phú Vinh, xã Đồng Phú, huyện Đông Hưng.

Đã bước sang tuổi 95 nhưng cụ Vũ Thị Vành, thôn Phú Vinh, xã Đồng Phú, huyện Đông Hưng vẫn không sao giấu được niềm cảm xúc khi kể lại với các con cháu, thế hệ trẻ hôm nay về những tháng ngày cơ cực, đói khổ của người dân dưới ách đô hộ của thực dân - phong kiến.

Thời gian và tuổi tác có thể làm cụ lãng quên đi nhiều điều, song thời thanh xuân với những năm tháng hừng hực lửa đấu tranh cách mạng, giành lại chính quyền từ bọn tay sai của thực dân Pháp vẫn mãi là ký ức đẹp, theo cụ trong suốt cuộc đời. Và ký ức với niềm phấn khởi về cuộc đổi đời của dân tộc sau ngày đất nước độc lập 2/9/1945 vẫn còn làm cụ bồi hồi xúc động mỗi khi nhớ lại: “Trước khi chưa có cách mạng đời sống nhân dân hết sức cơ cực, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Ruộng đất không có phải đi làm thuê cho địa chủ nhưng cũng chẳng đủ ngày 2 bữa cháo loãng. Nạn đói diễn ra trầm trọng, người chết đói vô số. Khẩu hiệu “Đánh đổ cường hào, thực dân để lấy của chia cho nhân dân” đã thôi thúc tôi cũng như những người cùng thế hệ, những người nông dân cùng cực nổi dậy giành chính quyền để thoát khỏi những đêm dài nô lệ, lầm than. Sau khi giành được chính quyền, nhân dân ai cũng rất phấn khởi, ngoài việc được chia ruộng, có cơm để ăn và còn được học hành thực hiện theo lời Bác Hồ chống giặc đói, giặc dốt, chống giặc ngoại xâm”.

Ông Trương Văn Mão, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải.

Cuối tháng 8, cái nắng dịu đi trong tiết thu, mùi hoa sữa thoảng qua những con phố sầm uất của thành phố Thái Bình, sắc cờ đỏ tung bay hai bên đường, không khí những ngày tháng Tám lịch sử, ngày Quốc khánh trọng đại của dân tộc lại trở nên sôi động. Chúng tôi vượt hơn 20km về với vùng quê miền biển Tiền Hải để gặp gỡ ông Trương Văn Mão, xã Tây Lương và nghe ông kể về ngày tết Độc lập ở thị xã Thái Bình xưa. Gia đình ông vốn ở xã Hoàng Diệu, thị xã Thái Bình (nay là phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình).

Được sống trong thời khắc trọng đại của đất nước, ông Mão nhớ như in ngày tháng ấy. Ông kể: Quần chúng dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đồng loạt vùng lên đấu tranh giành chính quyền, lấy thóc gạo chia cho nhân dân. Làn sóng đấu tranh cứ lan rộng ra trên địa bàn toàn tỉnh. Tại thị xã Thái Bình, người dân các xã theo những ngả đường, tay cầm cờ đỏ sao vàng, miệng hô to “Ủng hộ Việt Minh, Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo Chính phủ Nam triều, đả đảo Việt gian” nối nhau đổ về thị xã. Từ ngày 19/8 đến ngày 2/9, không khí ở đây sôi động lắm. Ở xã tôi, mỗi xóm làm một chòi phát thanh. Chiếc chòi phát thanh làm cũng đơn sơ, chỉ bằng bốn cây nứa ngô cao từ 5 đến 7m, cô phát thanh viên ngồi trên đó, dùng chiếc loa bằng tôn cuốn vòm để phát thanh “trực tiếp” những mẩu tin thời sự mới được cập nhật từ Thủ đô Hà Nội”. Bên cạnh chòi phát thanh là cột cờ, cứ đến tối, người dân lại đốt đèn chai kéo lên đỉnh cột cờ. Cả thị xã lung linh ánh đèn.

Ông Nguyễn Văn Mùi, tổ 14, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình.

Trong trí nhớ của ông Nguyễn Văn Mùi, sinh năm 1931, tổ 14, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, cách đây tròn 69 năm tại khu nhà Séc, nhân dân các huyện đến mít tinh đông nghịt. Hình ảnh những tấm khẩu hiệu được làm bằng cót, nét chữ viết bằng vôi hòa cùng dòng người từ khắp nơi đổ về trung tâm thị xã. Ngày ấy, ông Mùi là Đội trưởng Đội Thiếu niên tiền phong xã Kỳ Bá (nay là phường Kỳ Bá).

Ông Mùi kể: “Hôm đó tôi là thành viên của đội trống, đi cổ vũ mít tinh, không khí sục sôi lắm, ai ai cũng vui, cũng hô to khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Đến bây giờ khi xem những thước phim tư liệu về ngày 2/9/1945, tôi vẫn không sao quên được cảm xúc đó, cứ như mới ngày hôm qua vậy”.

Ông Trần Mạnh Diệp, thôn Trình Nhì, xã An Ninh, huyện Tiền Hải.

Về nơi âm vang “Tiếng trống năm 30” còn mãi, qua lời kể của ông Trần Mạnh Diệp, sinh năm 1930, thôn Trình Nhì, xã An Ninh, huyện Tiền Hải thì những ngày tháng Tám lịch sử vẫn luôn khắc sâu trong trí nhớ của những người dân thế hệ ông. Thời điểm quần chúng nhân dân vùng lên đấu tranh giành chính quyền cũng là thời điểm nhân dân trong vùng gồng mình chống lụt. Vừa phải cứu đói, vừa giải quyết hậu quả trận lụt lịch sử nhưng lòng dân không nao núng, tất cả đều một lòng hướng về cách mạng.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố là Bí thư Chi bộ Trình Phố, chi bộ đảng đầu tiên của huyện Tiền Hải, ngày còn nhỏ, ông Diệp đã được bố và các anh giác ngộ lý tưởng của Đảng. Cậu thanh niên Diệp ngày nào còn được bố giao nhiệm vụ đưa thư, tài liệu, viễn tiêu canh gác và dẫn đưa cán bộ về hoạt động bí mật ở Tổng An Bồi nay đã ngoài tám mươi tuổi.  Với ông Diệp, ngày 2/9/1945 là ngày đáng nhớ trong cuộc đời, sau bao năm sống trong cảnh lầm than, người dân mới cảm nhận được sự tự do, khắp các xã trong huyện đều cờ rong, trống mở, cuộc sống như đổi thay sau những đêm ngày tăm tối.

Ông Bùi Đức Thình, tổ 26, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình.

Về thành phố Thái Bình, chúng tôi tìm tới tổ 26, phường Quang Trung để nghe một nhân chứng lịch sử trong ngày tết Độc lập cách đây tròn 69 năm. Ông là Đại tá Bùi Đức Thình, 87 tuổi, nguyên là cán bộ của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng. Dù tuổi cao nhưng trí nhớ của ông Thình vẫn còn minh mẫn, giọng nói vẫn trầm ấm, đậm chất lính. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hùng Việt, phủ Thụy Anh (nay là xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy). Thời điểm ấy, Mặt trận Việt Minh lớn mạnh ở Thụy Anh và thành lập nhiều tổ chức như: Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Đoàn Cứu tế, Nông hội đỏ, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc...

Ông Thình nhớ lại: “Thời điểm đó tôi 18 tuổi, cùng Đoàn Thanh niên của xã tham gia Đội Tự vệ đỏ để tập hợp quần chúng nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Tôi còn nhớ ngày 20/8/1945 là ngày phiên chợ Diêm Điền, người dân đến rất đông. Đoàn người tham gia giành chính quyền đi rầm rầm, đầy khí thế, người cầm khẩu hiệu và hô vang “Đả đảo chính phủ Nam triều”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn”, “Đả đảo Việt gian”…, người cầm cờ giương thế rất uy phong. Đoàn người ngày một đông, đi tới đâu, nhân dân các ngả lại hợp thành dòng người đông đảo tiến thẳng đến nhà Tri phủ, phá kho thóc chia cho bà con nhân dân. Ở Thụy Anh, Việt Minh đã bắt được tên Sập Giáp và tiêu diệt các tổ chức phản động. Sau khi giành chính quyền, 6 ngày sau thì tổ chức mít tinh toàn huyện”.

Nói đến cảm xúc những ngày ấy, ông Thình nói với chúng tôi: “Lúc ấy chúng tôi chỉ biết vui sướng thôi, ai ai cũng hân hoan hạnh phúc. Có ai ngờ chỉ cách đó vài ba tháng, cảnh tượng người chết vì đói khát ở khắp nơi. Thế mà nhờ cách mạng, nhờ Việt Minh, nhân dân thoát cảnh đói khát, thoát khỏi cảnh nô lệ…”.

Ngày 2/9/1945, vùng đất Thụy Anh sáng bừng một màu tươi sáng và niềm tin, hy vọng, khắp nơi rợp bóng cờ hoa, tiếng trống giữa trời thu dậy một vùng, cả nước hướng về Quảng trường Ba Đình nơi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù phương tiện còn lạc hậu, tin tức chủ yếu truyền tai nhau, từ thành thị về nông thôn nhưng sức lan tỏa như vũ bão, nhanh chóng đến với mọi người dân Thái Bình.

Tất Đạt - Minh Nguyệt

  • Từ khóa