Thứ 2, 12/08/2024, 02:15[GMT+7]

Nhà máy xử lý rác thải xã Thụy An chưa hoạt động

Thứ 2, 15/09/2014 | 09:09:22
2,087 lượt xem
Ngày 27/7/2014, Báo Thái Bình nhận được bài viết của cộng tác viên Nguyễn Mai Sơn (xã Thụy An, Thái Thụy) phản ánh về việc nhà máy xử lý rác thải vừa đi vào hoạt động đã phải đóng cửa và tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương. Ðể tìm hiểu thực tế, Báo Thái Bình đã cử phóng viên về thực địa hiện trường và làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy và UBND xã Thụy An.

Nhà máy xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh đã được lắp đặt máy móc, thiết bị, dự kiến đi vào hoạt động tháng 11/2014.

 

Trao đổi về ý kiến phản ánh nhà máy xử lý rác thải do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tài trợ vừa đi vào hoạt động đã phải đóng cửa, ông Ðỗ Quý Phương, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh khẳng định không có chuyện đó vì hiện tại dự án vẫn chưa hoàn thiện. Tháng 4/2013, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hỗ trợ xã Thụy An (Thái Thụy) xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh và mô hình trạm xử lý, cung cấp nước sạch công suất 400m3/ngày đêm phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt; thời gian thực hiện trong 2 năm (2013 - 2014).

 

Ðối với mô hình xử lý rác thải sinh hoạt, mục tiêu hướng tới là giúp địa phương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường với việc xử lý tất cả rác thải sinh hoạt có nguồn gốc hữu cơ và các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón sạch, chất lượng cao phục vụ trồng trọt bằng phương pháp ủ kỵ khí với một chế phẩm vi sinh vật đa chủng. Ðồng thời vận động người dân nâng cao ý thức tự phân loại nguồn rác thải nhằm tiết kiệm chi phí, giảm nhân công phân loại rác tại khu xử lý. Ðến nay, việc lắp đặt máy móc, thiết bị đã hoàn thành và vận hành thử vào tháng 8 vừa qua. Liên hiệp Hội đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân phân loại rác, ký cam kết và tiến tới xây dựng hương ước về bảo vệ môi trường tại các thôn làng, trường học, dòng tộc… Dự kiến tháng 11/2014, khu xử lý rác thải sẽ đi vào hoạt động, giúp địa phương từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

Rác thải được đổ ngay sát sông Phương Man gây ô nhiễm môi trường.

 

Trao đổi về việc hoàn thành tiêu chí môi trường, ông Mai Ngọc Ðang, Chủ tịch UBND xã Thụy An cho biết: Ðến nay, xã đã hoàn thành 17 tiêu chí, hiện tại đang phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí giao thông và văn hóa để trở thành xã nông thôn mới trong năm 2014. Ðối với tiêu chí môi trường, địa phương tự đánh giá đã đạt. Tuy nhiên, tại Biên bản kiểm tra, đánh giá hiện trạng tiêu chí môi trường xã Thụy An ngày 29/4/2014 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy thì Thụy An chưa được công nhận đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Thực tế quan sát của phóng viên tại khu xử lý rác thải tập trung của địa phương thì dòng sông Phương Man phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp của Thụy An đang trong tình trạng ô nhiễm do rác thải được tập kết và đổ ngay sát mép sông. Cùng với đó, môi trường trong khu dân cư tại một số ngõ, xóm vẫn còn ô nhiễm do rác thải chưa được thu gom triệt để và chưa có hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước.

 

Vì vậy để đạt và duy trì bền vững tiêu chí môi trường, Thụy An cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; không vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng, dòng sông, bờ mương máng, nhất là các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Trước khi mô hình xử lý rác thải sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh đi vào hoạt động, địa phương cần đổ rác cách xa dòng sông Phương Man để không gây ô nhiễm môi trường nước. Ðối với các nghĩa trang thực hiện xây tường bao xung quanh, thể hiện sự phân khu riêng biệt giữa hung táng và cát táng, trồng cây xanh cách ly. Sau khi mô hình xử lý rác thải sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh chính thức đi vào hoạt động, mỗi người dân hãy nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống bằng việc chủ động phân loại rác thải ngay tại nhà trước khi nhân viên vệ sinh môi trường của thôn xóm vận chuyển ra khu xử lý để đạt hiệu quả cao nhất, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường.

Đức Dũng

 

  • Từ khóa