Thứ 3, 30/07/2024, 21:22[GMT+7]

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ thuốc bảo vệ thực vật

Thứ 4, 24/09/2014 | 08:56:07
4,421 lượt xem
Trung bình mỗi năm toàn tỉnh sử dụng khoảng 550.000 tấn phân bón hữu cơ, 210.000 tấn phân bón vô cơ và trên 620 tấn hóa chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) các loại. Ðây là những loại phát sinh chất thải gây tác động xấu đối với môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe cộng đồng nếu không được sử dụng đúng cách.

Thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được bỏ lại vỏ ngay tại bờ ruộng, bờ mương.

 

Với 80% dân số làm nông nghiệp, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta liên tục gặt hái được những thành quả đáng khích lệ, cơ cấu cây trồng chuyển dần theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành; quy hoạch nhiều vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, qua đó góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người nông dân. Tuy nhiên, đằng sau những vụ mùa bội thu ấy, đặt ra những lo ngại về việc quá lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Những biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng lại gần như vô hiệu trước sự “vô tư” lạm dụng của người nông dân. Việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp là chuyện đương nhiên. Nếu thuốc hóa học được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ đem lại lợi ích to lớn trong sản xuất nông nghiệp như: Ðẩy lùi tác hại của sâu, bệnh, cỏ dại và các sinh vật gây hại khác đối với cây trồng và nông sản một cách nhanh chóng. Bảo đảm cho các giống tốt phát huy được các đặc tính ưu việt; giúp cây trồng tận dụng được các điều kiện thuận lợi của các biện pháp thâm canh. Cây trồng sẽ cho năng suất và chất lượng nông sản cao, có giá trị xuất khẩu, thu lãi nhiều cho nông dân. Thế nhưng, sử dụng với mức độ không phù hợp một cách vô tội vạ như thói quen của nhiều nông dân đã khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Nếu như trước đây, thuốc BVTV chủ yếu sử dụng cho cây lúa thì nay còn được sử dụng phổ biến trên cây rau, cây ăn quả và nhiều cây trồng khác.

 

Với diện tích trên 81.000ha lúa, gần 48.000ha cây màu vụ đông và hàng nghìn héc ta cây màu xuân, hè nên lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học, một lượng đáng kể thuốc và phân bón không được cây trồng tiếp nhận được xả thẳng ra môi trường thông qua các kênh, sông trục tiêu của 2 hệ thống thủy lợi Bắc - Nam, gây ô nhiễm môi trường mặt nước, đất, không khí. Những năm qua chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể cũng như những người làm công tác môi trường, cán bộ nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc BVTV đối với sức khỏe và môi trường sống. Sử dụng thuốc BVTV không đúng cách sẽ gây hại cho môi trường và sức khỏe con người qua nhiều đường khác nhau như: ngấm vào nguồn nước, không khí, nhiễm vào thức ăn, đồ uống và vào cơ thể con người. Tuy nhiên, nhiều nông dân khi phun thuốc BVTV không sử dụng bảo hộ lao động, để thuốc chảy qua bình ngấm ướt da.

 

Tình trạng vứt vỏ thuốc BVTV ngay tại ruộng lúa, bờ mương không chỉ ở một hay vài nơi mà ở đâu cũng có. Lượng thuốc BVTV sau khi sử dụng còn sót lại trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc, trong khi bao bì đựng thuốc BVTV rất khó phân hủy đã gây ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng. Trong sản xuất rau màu, một số hộ sử dụng quá mức lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng dẫn đến dư lượng thuốc tồn đọng trên rau khá lớn, làm không ít người tiêu dùng bị ngộ độc. Với gần một mẫu ruộng, hàng năm gia đình anh P.V.V, thôn Phương Quả Ðông, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) sử dụng vài chục gói thuốc BVTV, vài tạ phân lân… Và khi được hỏi, sử dụng xong thuốc BVTV anh bỏ vỏ đi đâu?, anh V trả lời rất nhanh: “Vứt xuống mương máng chứ bỏ đi đâu!”. Còn với ông T.V.T, thôn An Phú 2, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) thì dù biết rõ tác hại của túi đựng thuốc BVTV đối với môi trường sống nhưng vì vội quá nên tiện tay ông vẫn “xả thẳng” ra bờ ruộng.

 

Ðể nông nghiệp phát triển bền vững, bên cạnh lợi ích trước mắt thì việc bảo vệ và cải thiện môi trường cần được chú trọng. Do đó, giải pháp trước mắt là tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ sự nguy hiểm của thuốc BVTV, đồng thời xây dựng mô hình thu gom và phân loại chất thải tại hộ gia đình. Cần khuyến cáo nông dân hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Sau mỗi vụ, huy động các đoàn thể tổ chức cho đoàn viên, hội viên thu gom và xử lý vỏ thuốc BVTV theo quy định, góp phần bảo vệ môi trường. Ðẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, sử dụng công nghệ sạch…

Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa