Thứ 4, 31/07/2024, 05:17[GMT+7]

Cần “tăng lực” 20 lần để chống Ebola

Thứ 2, 13/10/2014 | 08:15:55
772 lượt xem
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, cần phải huy động nguồn lực gấp 20 lần hiện tại mới có thể đối phó hiệu quả với bệnh dịch Ebola.

Nhân viên y tế tháp tùng một người đàn ông nhiễm virus Ebola tới bệnh viện ở Monrovia, Liberia.

Phát biểu trước hội nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 9/10, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng quan ngại về việc dịch Ebola bùng phát vượt ra ngoài khu vực Tây Phi đang ngày một gia tăng và “liều thuốc tốt nhất chính là phản ứng tức thời và hiệu quả”.

Trước tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát, ông Ban Ki-moon cảnh báo “tình hình có thể sẽ tồi tệ thêm trước khi đạt được tiến triển”. Tuy nhiên, mức độ tồi tệ đến đâu phụ thuộc vào phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng như tính hiệu quả của các hành động ứng phó kịp thời.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon hoan nghênh việc WB thông qua khoản vay và viện trợ trị giá 400 triệu USD cho các quốc gia đang có dịch, đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế thực hiện 5 ưu tiên cụ thể, gồm ngăn chặn sự bùng phát dịch, cứu chữa những người bị nhiễm bệnh, cung cấp đầy đủ các dịch vụ thiết yếu, duy trì sự ổn định và ngăn chặn dịch lan sang các quốc gia chưa xuất hiện ca bệnh nào.

Bệnh dịch có nguy cơ tăng nhanh
Ngày 9/10, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Mỹ Thomas Frieden kêu gọi hành động nhanh chóng để ngăn chặn virus Ebola bùng phát giống như đại dịch AIDS.

Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Mỹ dự báo, số ca mắc bệnh có thể tăng lên 1,4 triệu ca vào tháng 1 tới, nếu thế giới không có biện pháp mạnh để kiềm chế dịch.

Cũng trong ngày 9/10, các quan chức của WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổng thống Siera Leone Ernest Bai Koroma cho rằng, tới nay sự ứng phó của quốc tế đối với dịch Ebola vẫn chậm so với tốc độ lây lan.

Trong khi đó, tình hình sức khỏe của nữ y tá người Tây Ban Nha xấu đi, có thể bị đe dọa tính mạng. Y tá Teresa Romero, 44 tuổi là người đầu tiên nhiễm Ebola ở bên ngoài châu Phi. Việc virus Ebola lây lan ở Mỹ và châu Âu đã gióng lên hồi chuông báo động về sự bùng phát  dịch ở quy mô lớn.

Mỹ, Canada, Anh bắt đầu tiến hành việc soi chiếu tại sân bay đối với hành khách đến từ Tây Phi. Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ họp vào ngày 17/10 để thảo luận các biện pháp mới giám sát hành khách đến từ các nước vùng dịch.

Theo cập nhất mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dựa trên số liệu của Bộ Y tế các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone thì tới nay đã có 8.033 ca nhiễm virus Ebola, trong đó 3.879 người đã tử vong.

WHO lưu ý rằng tới nay đã có 375 nhân viên chăm sóc y tế bị nhiễm bệnh, gồm 67 người tại Guinea, 184 người tại Liberia, 11 người tại Nigeria và 113 người tại Sierra Leone. Đã có 211 nhân viên chăm sóc y tế tử vong sau khi nhiễm bệnh.

Theo chinhphu.vn

  • Từ khóa