Thứ 6, 25/07/2025, 10:49[GMT+7]

Thủ tục thuyên chuyển sư trụ trì chùa Tây, xã Quang Bình chưa đủ theo quy định

Thứ 2, 26/01/2015 | 08:29:09
11,938 lượt xem
Ngày 11/11/2014, Báo Thái Bình nhận được Ðơn kiến nghị của các ông, bà: Vũ Ngọc Năng, Nguyễn Thị Cậy, Vũ Thị Hoa, Nguyễn Thị Kỷ, Vũ Thị Yến, Ðặng Văn Hướng, Lê Thị Gái, Nguyễn Thị Nga, Ðặng Văn Kim là phật tử thuộc 3 thôn: Hoa Thám, Hưng Tiến, Ðại Thành (xã Quang Bình, huyện Kiến Xương).

Chùa Tây, xã Quang Bình- nơi bà Vũ Thị Gái đang tu học và hướng dẫn phật tử.

 

Trong đơn, các ông bà nêu trên phản ánh đã 4 năm nay nhân dân và phật tử trong 3 thôn bức xúc do không giải quyết dứt điểm đối với vị trí sư trụ trì tại chùa Tây, xã Quang Bình. Báo Thái Bình đã cử phóng viên làm việc với cơ quan, tổ chức hữu quan xác định được nội dung vụ việc như sau:

 

Ngày 8/8/2011, sư thầy Thích Ðàm Tới, trụ trì tại chùa Vũ Hội (huyện Vũ Thư) có đưa bà Vũ Thị Quý, sinh năm 1966, quê quán xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ về trụ trì tại chùa Tây, xã Quang Bình. Theo giấy tờ, tài liệu lưu tại cơ quan chức năng thì bà Quý có pháp danh là Thích Nữ Khải Tâm, trong văn bản của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh là Thích Diệu Tâm, còn văn bản của UBND xã Quang Bình là Thích Huệ Tâm. Ðầu năm 2012, UBND xã Quang Bình nhận được đơn đề nghị về sự việc nêu trên của một số tín đồ và một bộ phận nhân dân khu vực chùa Tây, do vậy ngày 19/3/2012 UBND xã tổ chức hội nghị giải quyết, có sự tham dự của Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thái Bình và huyện Kiến Xương. Sau khi nghe ý kiến của các vị Trưởng ban Trị sự và các ngành chức năng, hội nghị đã kết luận việc sư thầy Thích Ðàm Tới tự đưa sư bác Thích Huệ Tâm về chùa Tây không đúng theo thủ tục quy định, do vậy trong tháng 2 năm Nhâm Thìn yêu cầu sư thầy Thích Ðàm Tới cùng sư bác Thích Huệ Tâm trở về chùa Am (xã Vũ Hội). Chùa Tây, xã Quang Bình được bàn giao cho làng và hội quy chùa Tây.

 

Giấy giới thiệu không đúng theo quy định của

   Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thái Bình.

 

Theo Thông báo số 105/TB-BTS ngày 26/4/2012 của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Bình thì chùa Tây, xã Quang Bình vốn là ngôi chùa của một dòng họ lập nên, được Hậu duệ họ tộc coi sóc trông nom. Do nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, Phật tử và nhân dân khu vực chùa Tây đã tự động thỉnh mời các vị Ni Tăng, chưa có ý kiến, văn bản điều động của tổ chức Phật giáo tỉnh, huyện. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh yêu cầu sư thầy Thích Ðàm Tới chấm dứt những sinh hoạt tôn giáo tại chùa Tây. Khi có văn bản của Phật tử, nhân dân và chính quyền địa phương hiến ngôi chùa Tây vào tổ chức Giáo hội trong hệ thống các chùa của tỉnh, Ban Trị sự sẽ xem xét điều động Tăng Ni về chùa. Cũng tại thông báo trên, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh xác nhận không có bất cứ hồ sơ thủ tục gì, cũng như không biết về giới phẩm “Sư bác”, “Sư thầy” của sư bác Thích Diệu Tâm (bà Vũ Thị Quý) nên không thể công nhận là thành viên sinh hoạt thuộc Phật giáo Thái Bình. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh yêu cầu Sư thầy Thích Ðàm Tới chịu trách nhiệm đưa Thích Diệu Tâm đi khỏi chùa Tây, nếu chậm trễ phải chịu trách nhiệm trước Giáo hội và pháp luật của Nhà nước.

 

Theo ông Vũ Văn Tuấn, Phó Bí thư Ðảng ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tín ngưỡng tôn giáo xã Quang Bình, sau khi có văn bản của Phật tử, nhân dân và chính quyền địa phương hiến ngôi chùa Tây, đến nay chùa Tây đã được Hội Phật giáo đưa vào danh bạ quản lý của Hội. Trong thời gian qua, bà Vũ Thị Quý vẫn tiếp tục hành sự tại chùa Tây và gửi hồ sơ xin hoạt động tôn giáo tại chùa Tây. Hồ sơ của bà Quý gồm: Sơ yếu lý lịch và bản phô tô công chứng CMTND; Chứng điệp thọ giới; Chứng điệp giới tử; Giấy chứng nhận an cư kiết hạ; Giấy chứng nhận thọ giới Tỳ kheo Ni; Giấy chứng nhận tăng ni; Ðơn xin thỉnh sư của phật tử chùa Tây. Trong hồ sơ lưu tại UBND xã Quang Bình có một Giấy giới thiệu do Ni Sư Thích Nữ Hạnh Ngọc, trụ trì Thiền tự Viên Hạnh, xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai ký ngày 4/11/2014 đề nghị “để Sư cô Thích Nữ Khải Tâm về sinh hoạt tôn giáo tại chùa Tây, xã Quang Bình”. Ðối chiếu với quy định tại Công văn số 24/CV- BTS ngày 25/3/2013 của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Bình và văn bản số 72/UBND-NV ngày 4/4/2013 của UBND huyện Kiến Xương thì hồ sơ của bà Quý thiếu hai thủ tục cơ bản sau: Ðơn xin chuyển nơi tu hành có ý kiến nhất trí của Ban đại diện Hội Phật giáo huyện (nơi đi); Giấy giới thiệu của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh (nơi đi).

 

Ngày 8/10/2014, một bộ phận nhân dân khu vực chùa Tây, xã Quang Bình do ông Vũ Văn Năng, bà Nguyễn Thị Cậy và bà Vũ Thị Hoa đại diện ký tên kiến nghị về việc UBND xã nhập khẩu cho bà Quý và yêu cầu trục xuất bà Quý ra khỏi chùa Tây. UBND xã Quang Bình đã tổ chức hai cuộc họp vào các ngày 1/11/2014 và 21/12/2014 thống nhất các nội dung: Việc nhập khẩu cho bà Vũ Thị Quý vào hộ gia đình ông Ðặng Quang Long, thôn Ðại Thành (chồng bà Hội trưởng hội quy chùa Tây) là đúng pháp luật; Tạo điều kiện cho bà Quý hoạt động tín ngưỡng tôn giáo nhưng yêu cầu bà Quý phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định trong thời gian 3 tuần (từ 21/12/2014 đến ngày 11/1/2015).

 

Làm việc với phóng viên, ông Lương Văn Giang, cán bộ Phòng Nội vụ huyện Kiến Xương cho biết, ngày 12/1/2015, đại diện Ban Tôn giáo tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, huyện, đại diện phòng, ban chức năng của huyện Kiến Xương và xã Quang Bình đã có buổi làm việc với bà Vũ Thị Quý. Tuy nhiên buổi làm việc được khoảng 30 phút thì bà Quý báo cáo ốm và xin được dừng tham gia buổi làm việc. Cuộc họp đã thống nhất giao Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh ra thông báo để bà Vũ Thị Quý rời khỏi chùa Tây, trở về tu học tại nơi đi (Long Thành, Ðồng Nai), khi có đủ điều kiện hồ sơ thủ tục sẽ tiếp nhận về tu học và hướng dẫn phật tử tại chùa Tây, xã Quang Bình.

 

Ðiều 23, Nghị định số 92/2012/NÐ-CP ngày 8 tháng 11  năm 2012 của Chính phủ quy định:

 

1. Tổ chức tôn giáo trước khi thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đến.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ họ tên, phẩm trật, chức vụ tôn giáo của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, nơi thuyên chuyển đi, nơi thuyên chuyển đến;

b) Văn bản của tổ chức tôn giáo về việc thuyên chuyển;

c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hợp pháp của người được thuyên chuyển.

2. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, nếu Ủy ban nhân dân cấp huyện không có ý kiến khác thì chức sắc, nhà tu hành có quyền hoạt động tôn giáo tại địa điểm đã đăng ký.

3. Trường hợp chức sắc, nhà tu hành vi phạm pháp luật về tôn giáo đã bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị xử lý về hình sự, trước khi thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến, hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Ðiều này.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Phòng Bạn đọc - Tư liệu

 

  • Từ khóa