Thứ 4, 31/07/2024, 09:20[GMT+7]

Lò đốt rác - lời giải cho bài toán rác thải nông thôn

Thứ 4, 17/06/2015 | 10:02:53
1,554 lượt xem
Hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã có tổ thu gom, bãi chứa rác thải sinh hoạt song tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều làng quê vẫn đang ở mức báo động.

Nhân viên môi trường xã Đông Xuân đưa rác vào băng chuyền xử lý.

 

Dạo quanh một số vùng nông thôn, có thể dễ dàng bắt gặp những bãi rác thải ven các cánh đồng, những con đường làng, đường liên xã. Trên những con đường dẫn ra cánh đồng làng, rất nhiều bao nilon, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng bị vứt bừa bãi… Ngay cả trên một số tuyến quốc lộ, đường liên huyện, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những bãi rác thải tự phát do người dân vô tư xả thải hai bên đường, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường. Tại nhiều địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt đã trở thành vấn nạn, gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do không có quỹ đất để quy hoạch bãi rác, không có kinh phí đầu tư khu xử lý rác thải theo quy định, bãi rác không đạt quy định về khoảng cách với khu dân cư...

 

Để giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy hoạch mạng lưới xử lý và chôn lấp rác thải tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; quy định về khu xử lý, lựa chọn công nghệ lò đốt kết hợp với chôn lấp hoặc ủ phân vi sinh kết hợp chôn lấp; cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ đốt hoặc ủ vi sinh kết hợp chôn lấp. Trong năm 2014, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương lựa chọn công nghệ lò đốt kết hợp chôn lấp; đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình nghiên cứu, chế tạo lò đốt rác thải sinh hoạt. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 64,2 tỷ đồng cho 83 xã, thị trấn đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt. Từ đầu năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ 49 xã với kinh phí 25 tỷ đồng đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt. Hiện toàn tỉnh có 17 lò đốt rác thải sinh hoạt đã đi vào hoạt động, xử lý rác thải cho 22 xã, thị trấn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm diện tích đất so với việc xử lý bằng công nghệ chôn lấp hoặc ủ vi sinh kết hợp chôn lấp.

 

Nhiều năm trước, người dân sống quanh khu vực bãi rác thải xã Đông Xuân (Đông Hưng) thường xuyên phải hít thở không khí ô nhiễm, nhất là vào những ngày nắng nóng hoặc sau những cơn mưa. Rác thải không được phân loại, cháy âm ỉ gây khói, bụi, mùi hôi, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Cùng với đó là tình trạng xả rác bừa bãi ngay tại khu trung tâm xã, các trục đường chính trong thôn, xóm. Nhưng từ khi được tiếp cận Dự án “Xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt”, công suất từ 300 - 500kg/giờ do Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình chế tạo, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại Đông Xuân đã cơ bản chấm dứt. Tất cả rác thải được gom lại, chở về lò đốt để nhân viên môi trường phân loại, xử lý. Hiện, với 2,5 tấn rác/ngày, lò đốt hoạt động khoảng 4 giờ, lượng rác thải rắn được chôn lấp chiếm khoảng 10%.

 

Tại Vũ Thư, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 4 lò đốt rác, trong đó lò đốt rác do Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình chế tạo có giá thành rẻ, đáp ứng được yêu cầu xử lý rác thải sinh hoạt của các địa phương. Hiện huyện đã phân bổ kinh phí đầu tư lò đốt rác cho 10 xã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2015. Thị trấn Vũ Thư là 1 trong 4 xã, thị trấn được tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt. Những năm trước, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn được thu gom và vận chuyển ra gần khu vực bãi đê sông Hồng để chôn lấp nhưng từ năm 2012 rác thải được tập kết tại bãi rác ngay cạnh trụ sở UBND thị trấn, sát khu dân cư Minh Tân 2 với diện tích 600m2, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng trên, UBND thị trấn đã phối hợp với UBND xã Hòa Bình tổ chức theo mô hình liên kết quy hoạch, đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt. Từ khi lò đốt rác đi vào hoạt động (tháng 8/2014), tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị trấn đã giảm hẳn.

 

Hiệu quả mà công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt mang lại đã góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Tại cuộc họp đánh giá kết quả triển khai lò đốt rác trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại các xã, thị trấn, chú trọng mô hình liên kết theo cụm xã nhằm xử lý triệt để rác thải ngay từ cơ sở, góp phần xây dựng môi trường nông thôn trong sạch.

 

Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa