Thứ 6, 27/12/2024, 12:11[GMT+7]

Công tác bảo vệ môi trường tại các khu cụm công nghiệp vẫn còn buông lỏng

Thứ 2, 10/08/2015 | 08:58:04
1,189 lượt xem
Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, kéo theo hàng loạt các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, cùng với đó thì tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đang ngày càng gia tăng.

Chất thải rắn, bùn thải đổ tràn lan trên các trục đường xung quanh Khu công nghiệp Tiền Hải.

Toàn tỉnh hiện có 6 KCN, 24 CCN với trên 410 dự án đã đi vào hoạt động, chủ yếu trong các lĩnh vực: gốm sứ, gạch men, thủy tinh, may mặc, dệt sợi, đồ gỗ, điện, điện tử, gia công kim loại, đúc ép nhựa… Đã có 3 KCN: Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh, Gia Lễ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Còn lại 3 KCN: Tiền Hải, Cầu Nghìn, TBS Sông Trà và hầu hết các CCN chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc xây dựng thiếu đồng bộ, chậm tiến độ. Các doanh nghiệp trong các KCN, CCN mới chỉ xử lý sơ bộ do đó chất lượng nước thải hầu hết không đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Đối với chất thải rắn thông thường, hầu hết các doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom và xử lý theo quy định đạt tỷ lệ từ 85 - 95% với khối lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hành nghề thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nguy hại nên gây khó khăn cho chủ nguồn thải chất thải, do đó các doanh nghiệp đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nguy hại với các đơn vị ngoài tỉnh. Công tác quản lý chất thải rắn nguy hại gặp nhiều khó khăn, việc thống kê, quản lý và báo cáo của các cơ sở còn hạn chế. Nhiều cơ sở thu gom không triệt để, chất thải rắn nguy hại còn để ngoài trời, không có biện pháp che chắn hoặc lưu giữ cùng với chất thải sinh hoạt hay chất thải sản xuất thông thường. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có số liệu điều tra cụ thể về khối lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, các KCN, CCN thường xuyên phát sinh khí thải, mỗi ngành sản xuất phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí đặc trưng theo từng loại hình công nghệ, khó xác định hết tất cả các loại khí thải gây ô nhiễm nhưng chủ yếu vẫn là ô nhiễm bởi bụi trong sản xuất xi măng, thép, gốm sứ… và các loại khí thải SO2, CO, NOx.

Những năm qua, KCN Tiền Hải đã góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh nên bụi và lượng chất thải rắn nhiều đang khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm. Qua kết quả quan trắc năm 2014 của Sở Tài nguyên và Môi trường thì hàm lượng bụi tại KCN Tiền Hải vượt nhẹ so với QCVN 05:2013/BTNMT. Mặc dù đã có khu xử lý chất thải rắn tại KCN Tiền Hải nhưng việc thu gom, xử lý chất thải rắn của các doanh nghiệp tại đây thực hiện chưa tốt, còn vận chuyển chất thải rắn đi lấp trũng hoặc đổ ở những nơi không đúng quy định, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Tình trạng chất thải rắn vẫn hiện hữu trên các trục đường liên huyện, liên xã, bờ ruộng, khu đất trống xung quanh KCN Tiền Hải… đã gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN, Sở Tài nguyên và Môi trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và kiên quyết đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa