Thứ 2, 29/07/2024, 21:25[GMT+7]

Bao giờ sông lại trong xanh?

Thứ 6, 30/10/2015 | 10:25:45
910 lượt xem
Tình trạng ô nhiễm môi trường các con sông chảy qua phường Tiền Phong và xã Phú Xuân mà nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để gây bức xúc cho người dân sống hai bên bờ sông. Đã đến lúc tình trạng này cần được giải quyết dứt điểm.

Điểm xả nước thải từ khu công nghiệp ra sông Bạch tại chân cầu Mùa.

Cần có giải pháp kịp thời, đồng bộ và quyết liệt

 

Theo kết luận thanh tra bảo vệ môi trường ngày 19/3/2015 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Công ty TNHH Hợp Thành (KCN Nguyễn Đức Cảnh) có lượng nước thải trung bình khoảng 15m3/ngày đêm.  Lượng nước thải này chưa được thu gom triệt để, có hiện tượng thoát vào hệ thống thoát nước mưa của KCN. Kết quả phân tích mẫu nước thải có thông số BOD5 = 160mg/l, vượt 1,6 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Cùng thời gian này, Tổng cục Môi trường cũng đã có kết luận thanh tra đối với Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long (KCN Nguyễn Đức Cảnh). Theo đó, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long  có lượng nước sinh hoạt phát sinh mỗi tháng khoảng 150m3 được xử lý qua bể phốt, nước thải sản xuất khoảng 4.000m3/tháng được thu gom và xử lý qua hệ thống xử lý nước thải công suất 350m3/ngày đêm. Tuy vậy, qua kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Công ty nhận thấy cạnh khu vực này lưu giữ can nhựa đựng hóa chất thải, có hiện tượng nước thải sau xử lý để thoát vào cống thoát nước mưa của KCN và tại điểm đấu nối nước thải của Công ty vào hệ thống thu gom nước thải tập trung của KCN, nước thải của Công ty cũng để thoát vào hệ thống thu gom nước mưa của KCN với khối lượng lớn.

 

Mới đây nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Thái Hiệp Hưng (KCN Phúc Khánh). Với lượng nước thải sản xuất khoảng 25 - 30m3/ngày được Công ty thu gom, xử lý  sơ bộ bằng hệ thống bể lắng sau đó dẫn về hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Tuy vậy, tại thời điểm kiểm tra, Công ty đã đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải mới, song chưa lắp đặt thiết bị, chưa đưa vào sử dụng, nước thải sản xuất chưa được thu gom triệt để, nước thải phát sinh từ khu vực in và từ nhà ăn ca của công nhân xả ra hệ thống thoát nước mưa của KCN.

 

Những trường hợp vi phạm trên cho thấy, một số doanh nghiệp trong KCN dù có đầy đủ các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường song việc thực hiện các thủ tục đó không được doanh nghiệp coi trọng. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đấu nối thoát nước thải vào hệ thống thu gom của trạm xử lý nước thải KCN Nguyễn Đức Cảnh, một số doanh nghiệp đã đấu nối và ký hợp đồng thoát nước nhưng vẫn để nước chảy rò rỉ vào hệ thống thoát nước mưa của KCN.

 

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện nay lượng nước thải của  KCN Phúc Khánh khoảng 7.980m3/ngày đêm; KCN Nguyễn Đức Cảnh 1.850m3/ngày đêm. Tại KCN Phúc Khánh đã đầu tư xây dựng 3 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 8.800m3/ngày đêm. Tất cả nước thải sau xử lý của KCN này được xả ra sông Bạch qua cùng một cửa xả và được kiểm soát bằng trạm quan trắc nước thải tự động. Còn tại KCN Nguyễn Đức Cảnh, hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 4.500m3/ngày đêm đã đi vào hoạt động từ năm 2011. Ban Quản lý các KCN tỉnh, ngành chức năng cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra, lập biên bản xử lý. Tiến hành các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường như xây tách riêng điểm đấu nối thoát nước mưa đã đăng ký của doanh nghiệp có lượng xả lớn vào rãnh thoát nước mưa để dễ kiểm tra, giám sát việc thoát nước của doanh nghiệp. Đồng thời, thu dỡ và đắp bịt các điểm thoát nước mưa không đăng ký của các doanh nghiệp, xây nâng cao thành hố ga thu gom nhằm khắc phục tình trạng tràn nước thải hố ga vào hệ thống thoát nước mưa, kiểm soát đắp chặn và đóng cánh phai cửa xả cầu Mùa trong những ngày thời tiết không mưa. Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm những doanh nghiệp chưa đấu nối, chưa ký hợp đồng thoát nước thải hoặc những doanh nghiệp đã đấu nối, đã ký hợp đồng nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý sơ bộ hay còn để nước thải chảy vào hệ thống thoát nước mưa của KCN. Ông Vũ Đình Hành, Giám đốc Công ty Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình: Công ty có trách nhiệm và sẽ chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc thu gom, vớt bèo bồng, rác thải trên các dòng sông được phân cấp quản lý để bảo đảm dòng chảy thông suốt, góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường sông  hiện nay.   

 

Có thể thấy, "thủ phạm" gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực này thời gian qua là do một số doanh nghiệp thải trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông và do trên địa bàn đang thi công công trình cải tạo hệ thống thoát nước. Mặt khác, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, quản lý tốt việc thu gom, xử lý rác thải nên còn để tình trạng nhân dân vứt rác thải xuống sông gây ách tắc dòng chảy. Thiết nghĩ, đó là những hạn chế cần khắc phục ngay và giải quyết triệt để nhằm trả lại màu xanh cho những dòng sông.

 

"Để khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Bạch, sông Đoan Túc hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cấp giấy phép xả nước thải của tổ chức, cá nhân được cấp phép thuộc thẩm quyền. Các cơ quan khác như Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cần kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thành phố Thái Bình cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước để góp phần tránh tình trạng ách tắc dòng chảy gây ô nhiễm dòng sông trầm trọng".

 

(Ông Hoàng Văn Ngoạn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường)

 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận tổ 2, xã Phú Xuân

Hơn 10 năm nay nhân dân chúng tôi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường. Chúng tôi vẫn luôn mong mỏi sự vào cuộc thực sự của chính quyền thành phố Thái Bình và các ngành chức năng để con sông được cải tạo sạch sẽ hơn cho người dân chúng tôi bớt khổ.

Ông Phan Văn Giang, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thành phố Thái Bình

Cùng với tình trạng xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa triệt để của một số doanh nghiệp vào hệ thống các sông chảy qua địa bàn, hiện nay, tình trạng vứt rác bừa bãi của một bộ phận dân cư cũng đã và đang góp phần làm ách tắc dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tiến độ thi công nâng cấp hệ thống thoát nước, tiến hành nạo vét sông Bạch, sông Đoan Túc của Thành phố chậm gây ảnh hưởng đến dòng chảy, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước sông.   

 

Phan Lợi - Mai Thư

 
  • Từ khóa