Thứ 4, 24/07/2024, 12:25[GMT+7]

Ổ voi, ổ gà trên đường đê

Thứ 2, 23/11/2015 | 09:31:19
2,243 lượt xem
Thời gian qua, nhiều tuyến đường đê ở tỉnh ta xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai và ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông đi lại. Nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân các tuyến đường đê xuống cấp là do thiếu kinh phí đầu tư nâng cấp thường xuyên và do các phương tiện cơ giới chở hàng quá tải. Huyện Vũ Thư là ví dụ.

Tuyến đường đê qua địa bàn xã Vũ Vân xuống cấp gây khó khăn, nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông.

 

Huyện Vũ Thư hiện có gần 100km đê các cấp, chủ lực là tuyến đê quốc gia Hồng Hà II và đê hữu Trà Lý. Trong đó, trên 26km đê có chất lượng mặt đê đã xuống cấp nghiêm trọng với hàng nghìn ổ voi, ổ gà. Ðoạn đê Hồng Hà II dài hơn 3,5km nối từ phà Sa Cao đến thôn Thái Sa là đê cấp I, đồng thời là tuyến đường chính phục vụ nhu cầu giao thông, sinh hoạt của trên 7.000 người dân xã Vũ Vân (Vũ Thư) và 500 cán bộ, bác sĩ, bệnh nhân Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn. Thế nhưng hiện nay, hầu hết phần mặt đường láng nhựa đã bị băm nát, đứt gãy, chỉ còn trơ lại từ 10 - 30cm chạy dọc chính giữa đường như chiếc xương cá. Ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết: Tuyến đê này là đê quốc gia, được đầu tư rải đá, láng nhựa cách đây hơn 22 năm. Năm 2005, tỉnh, huyện đã đầu tư nâng cấp nhưng do mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao, kinh phí đầu tư chưa đáp ứng kịp thời nên tuyến đê ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù xã còn nghèo, kinh phí khó khăn nhưng hàng năm Vũ Vân vẫn đầu tư hàng trăm m3 đá bây, đá dăm, đồng thời huy động nhân lực, phương tiện rải đá, làm phẳng mặt đê để người dân thuận lợi hơn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mặt đê lại lồi lõm, lổn nhổn đất đá, trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi mịt mù. Phạm Ngọc Bích, học sinh Trường THPT Vũ Tiên cho biết: Em phải đạp xe qua đoạn đường này 4 lượt/ngày để đến trường. Ðường quá xấu, hẹp, lại nhiều phương tiện đi lại nên em rất sợ, có đoạn em phải dắt bộ. Các em nhỏ ở đây đi học bị ngã xe thường xuyên, bạn em từng bị xe ô tô đi trước văng mảnh đá vào trán, chảy nhiều máu… Không chỉ gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt, những năm gần đây, tuyến đê này còn là đoạn đường tử thần cướp đi sinh mạng của một số người dân địa phương. Bà Vũ Thị Lịch ở thôn Quang Trung, xã Vũ Vân cho biết: Nhà tôi gần đê nên thường xuyên chứng kiến người dân bị tai nạn, ngã xe trên đoạn đường này. Riêng 3 năm gần đây làng tôi có 2 người chết vì tai nạn giao thông trên tuyến đê này. Có nhiều nguyên nhân nhưng tôi nhận thấy nguyên nhân chính do mặt đường quá xuống cấp, không thể bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

 

Ðây là một trong số nhiều tuyến đường đê ở Vũ Thư có chất lượng bề mặt đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn huyện hiện có gần 100km đê các cấp, trong đó có gần 60km đê cấp I, cấp II (đê quốc gia) gồm tuyến đê Hồng Hà II và đê hữu Trà Lý, còn lại là đê cấp IV, cấp V (đê bối dân cư) do tỉnh, huyện trực tiếp quản lý. Ðồng chí Phạm Văn Khảng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Những năm qua, Vũ Thư đã tranh thủ huy động các nguồn kinh phí, trung bình mỗi năm từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa, tu bổ được từ 1 - 3km đê, ưu tiên cho những tuyến đê có nhiều trọng điểm xung yếu. Tuy nhiên, với cách làm theo kiểu “vá áo”, không được đầu tư đồng bộ nên toàn bộ mặt đường các tuyến đê trên địa bàn đều xảy ra tình trạng sửa xong đoạn này thì đoạn kia đã hỏng. Hiện nay, 26km đê có chất lượng mặt đê xuống cấp trầm trọng, ổ voi, ổ gà dày đặc, mặt đường rải đá, láng nhựa nhưng bị đứt gãy, sụt lún như các tuyến đê quốc gia, đê bối đoạn qua địa bàn các xã Vũ Vân, Tự Tân, Vũ Tiến, Việt Hùng, Ðồng Thanh, Hồng Lý; 18km đê đang trong giai đoạn xuống cấp nhanh, còn lại hầu hết các tuyến đê đều chưa đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của người dân cũng như các địa phương trong huyện.

 

Nguyên nhân gây ra tình trạng mặt đê xuống cấp là do tốc độ phát triển của các loại phương tiện giao thông những năm gần đây nhanh, tình trạng xe chở quá tải trọng trên một số tuyến đê, tuy nhiên chủ yếu là do đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ mặt đê còn hạn chế, chưa đồng bộ. Ðồng chí Nguyễn Bảo Khương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Những năm qua, tỉnh rất coi trọng công tác quản lý, xây dựng, nâng cấp, tu bổ các tuyến đê, nhất là đê quốc gia, trong đó có tuyến đê Hồng Hà II và đê hữu Trà Lý qua địa bàn huyện Vũ Thư. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư của trung ương cho công tác xây dựng, nâng cấp các tuyến đê quốc gia còn ít, hàng năm có nguồn vốn tu bổ đê điều thường xuyên nhưng manh mún, chủ yếu tập trung vào các trọng điểm xung yếu. Ðiển hình như năm 2015, ngân sách trung ương cấp cho tỉnh kinh phí đầu tư các hạng mục giai đoạn I thuộc Dự án tu bổ đê điều thường xuyên 10 tỷ đồng của 4 huyện, trong đó, đối với Vũ Thư, tỉnh đã ưu tiên triển khai và hoàn thiện hạng mục đắp, mở rộng mặt cắt đê hữu Trà Lý, đoạn từ K13 đến K14. Kinh phí khó khăn nên mỗi năm chỉ tập trung tu bổ một số đoạn đê bức thiết, vì vậy, xóa được ổ voi, ổ gà trên tuyến đê này thì lại xuất hiện ổ voi, ổ gà trên tuyến đê khác.

 

Nếu không được đầu tư đồng bộ, kịp thời, các công trình này tiếp tục xuống cấp sẽ gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông và khó khăn, tốn kém hơn trong khắc phục, sửa chữa và nâng cấp sau này. Ðặc biệt, chất lượng mặt đê xuống cấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống thiên tai, làm giảm năng lực vận chuyển nhân lực, vật tư phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai xảy ra, là rào cản phát triển kinh tế - xã hội của các xã duyên giang nói riêng, huyện Vũ Thư nói chung.

 

Xác định vai trò quan trọng của các tuyến đê trong tỉnh nói chung và các tuyến đê quốc gia nói riêng, UBND tỉnh đang triển khai các thủ tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn của hai dự án lớn là: Dự án nâng cấp hệ thống đê Hồng Hà II từ K160 đến K197, giai đoạn II từ K163+500 đến K193+200 (trong đó, đoạn qua địa bàn huyện Vũ Thư từ K163+500 đến K185+300) và Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp hệ thống đê hữu Trà Lý từ K0 đến K42, giai đoạn II từ K3+250 đến K11+00 (trong đó, đoạn qua địa bàn huyện Vũ Thư từ K3+250 đến K11+00). Dự kiến, thời gian triển khai hai dự án trên từ năm 2016 đến năm 2020 với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng/dự án, khi đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, nâng cấp, tu bổ các tuyến đê trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Vũ Thư nói riêng theo hướng quy mô và đồng bộ hơn so với những năm trước đây.

 

(Ðồng chí Tô Xuân Ðạt, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

 

 

Đồng chí Nguyễn Văn Luật, Bí thư Đảng ủy xã Bách Thuận

 

Bách Thuận hiện có trên 7km đê bối sông Hồng có nhiệm vụ ngăn lũ bảo vệ nhân dân và 520ha cây ăn quả, dược liệu, đất sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là tuyến đường giao thông quan trọng của xã. Tuy nhiên, hiện nay đê bối mới được kè vài trăm mét chân đê, mặt đê là đất thịt, chưa được cứng hóa, không bảo đảm cả nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và giao thông, sinh hoạt.

 

Đồng chí Đỗ Hữu Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Đoài

 

Các tuyến đê quốc gia, cấp I, II, III thường kết hợp là tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giữa các địa phương, vì vậy đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường đê này.

 

Ông Trần Quốc Bảo, thôn Phú Mỹ, xã Hồng Lý

 

Những năm qua, tuyến đê dài 7km đồng thời cũng là tuyến đường duy nhất vào xã Hồng Lý xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân chúng tôi rất vất vả, gian khổ. Hồng Lý là xã nghèo cuối huyện, cộng thêm giao thông không thuận lợi nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

 

Hà Phương

  • Từ khóa