Thứ 2, 06/05/2024, 05:56[GMT+7]

“Bỏ hoang’’ một di tích cấp quốc gia

Thứ 2, 23/11/2015 | 09:44:19
3,311 lượt xem
Nếu được tận mắt chứng kiến di tích Mả Bụt thuộc thôn Thường Kiệt, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, không ai nghĩ đây là di tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, bởi giờ đây nó chỉ là một “đài bê tông” vô hồn, nằm lạc lõng giữa cánh đồng.

 

Mả Bụt là một gò đất cao nằm giữa đồng, xa khu dân cư, nay giáp ranh xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương. Bởi vị trí địa lý như vậy nên địa danh Mả Bụt đã một thời được những người lãnh đạo kháng chiến lựa chọn là nơi tổ chức mít-tinh khởi nghĩa, biểu dương lực lượng cách mạng khi đất nước ta còn dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Tại Thái Bình, từ tháng 10/1939, bọn thống trị thi hành chính sách khủng bố các tổ chức quần chúng, các vụ bắt bớ xảy ra liên tiếp, đồn bốt mọc lên nhan nhản, bọn cường hào, gian ác nhân cơ hội đó ngóc đầu dậy chống phá cách mạng. Trước tình hình ấy, sau khi trung đội tự vệ Vũ Lăng được thành lập, Chi bộ Vũ Lăng nhận được lệnh chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy tổ chức một cuộc mít-tinh ở Mả Bụt để hưởng ứng 10 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra với sự tham gia của nhân dân 3 huyện Tiền Hải, Kiến Xương và Thái Ninh. Riêng trung đội tự vệ Vũ Lăng có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng tự vệ một số địa phương bảo vệ an toàn cho cuộc mít-tinh này. Cuộc mít-tinh tiến hành vào 4 giờ chiều ngày 12/9/1940, chính ngày đó, làng Vũ Lăng và làng Dưỡng Thông vào đám. Người đi hội rất đông nên người đi mít-tinh dễ trà trộn vào người đi hội. Với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, dân các làng Trình Phố, Vũ Lăng, Dưỡng Thông kéo ra chật đường hưởng ứng. Trung đội tự vệ Vũ Lăng cùng với lực lượng tự vệ của các nơi giả làm người bắt cá úp rập dưới sông Cầu Chụp để bảo vệ. Gọng rập thay cho vũ khí dựng lên tua tủa, tất cả đã tạo lên một khí thế sôi sục, làm cho đám quan lại thực dân và tay sai một phen khiếp sợ. Ðồng chí Chu Thiện, quyền Bí thư Tỉnh ủy đứng lên diễn thuyết trước hàng nghìn người, sau đó, quần chúng xếp thành hàng đi biểu tình thị uy, hô vang khẩu hiệu: “Ðảng Cộng sản Ðông Dương vạn tuế”, “Ðả đảo đế quốc khủng bố dã man”. Mặc dù ngay sau khi cuộc mít-tinh kết thúc, địch khủng bố rất dã man, bắt đi 9 đảng viên và một quần chúng, khủng bố nhiều đồng chí trong Chi bộ Vũ Lăng nhưng những đảng viên còn lại tiếp tục củng cố và lãnh đạo phong trào ở địa phương. Cuộc mít-tinh Mả Bụt đã có tiếng vang mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Với truyền thống lịch sử, cách mạng như thế, năm 1993, cùng với chùa Trung, Mả Bụt đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử, cách mạng cấp quốc gia và năm 1996 đài tưởng niệm di tích Mả Bụt được xây dựng. Thế nhưng, hàng chục năm nay vẫn chỉ là một đài tưởng niệm bằng bê tông nằm vô hồn, trơ trọi trên một gò đất không có tường rào bao quanh, đã cũ kỹ, mốc meo và rạn nứt nhiều; lư hương lạnh vắng, cô quạnh, chỉ còn sót lại vài chân nhang; bia đá ghi danh cũng đã bị bào mòn bởi thời gian. Xót xa hơn, xung quanh đài tưởng niệm ngoài cỏ mọc còn có thêm những phế thải của trâu bò được chăn thả tự do tại đây.

 

Dẫn chúng tôi ra thăm di tích Mả Bụt, cụ Trần Ðình Tam, năm nay 84 tuổi, em ruột của cụ Trần Ðức Thử, người thanh niên đầu tiên của Vũ Lăng hướng tới chân trời mới của cách mạng, một trong những thành viên chủ chốt tham gia cuộc mít-tinh ngày đó bồi hồi kể lại lịch sử oai hùng của mảnh đất và con người đã làm lên cuộc mít-tinh năm 1940. Cụ cũng không khỏi xót xa khi chứng kiến di tích bị bỏ hoang như thế. Cụ Tam chia sẻ: Chúng tôi đã đến tuổi gần đất xa trời rồi, chỉ mong sao các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ tôn tạo di tích Mả Bụt để không những chúng tôi mà con cháu sau này noi theo truyền thống cách mạng của cha ông, của quê hương. Ðây cũng là mong mỏi lớn nhất của tôi bây giờ.

 

Trao đổi với ông Lê Duy Xướng, công chức văn hóa xã Vũ Lăng, chúng tôi được biết: Ðã nhiều năm nay, địa phương kiến nghị với cấp có thẩm quyền về sự xuống cấp của di tích Mả Bụt nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đáng kể nào. Về phía địa phương, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên cũng không thể tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích thành một khu hoàn chỉnh.

 

Như vậy, vấn đề mấu chốt ở đây là nguồn kinh phí để đầu tư tôn tạo, bảo tồn di tích. Về vấn đề này, chúng tôi thiết nghĩ, ngoài đề nghị với cấp có thẩm quyền, Vũ Lăng cần đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di tích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự đóng góp của nhân dân cùng chung tay xây dựng và bảo vệ di tích Mả Bụt trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Và đã đến lúc các ngành chức năng của huyện, của tỉnh vào cuộc để trả lại giá trị thật của một di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Ðặc biệt, đây là nơi tôn vinh những chiến sĩ cộng sản, những người dân kiên trung đã làm nên mốc son trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của huyện Tiền Hải nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung.

 

"Trùng tu, xây dựng Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Mả Bụt là nguyện vọng rất chính đáng của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Với thẩm quyền quản lý, chúng tôi luôn ủng hộ về thủ tục pháp lý để trình các cấp, các ngành giải quyết".

 

(Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tiền Hải)

 

Hải Đông

Ðài Truyền thanh Tiền Hải

 

 

 

Ông Lê Duy Nguyên, Bí thư Đảng bộ xã Vũ Lăng (Tiền Hải)

 

Vũ Lăng là xã giàu truyền thống cách mạng, năm 2014, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Vũ Lăng vinh dự được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Danh hiệu này có được một phần xuất phát từ hoạt động cách mạng của cán bộ và nhân dân địa phương trong kháng chiến gắn liền với Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Mả Bụt. Nhân dân Vũ Lăng thiết  tha đề nghị các cấp, các ngành quan tâm đầu tư kinh phí, nâng cấp, xây dựng để công trình xứng tầm di tích cấp quốc gia, là địa chỉ đỏ tri ân các bậc tiền nhân đấu tranh cách mạng và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. 

 

Ông Lê Văn Luyện, thôn Thường Kiệt, xã Vũ Lăng (Tiền Hải)

 

Tôi là thôn đội trưởng du kích Vũ Lăng - Thượng Hiền giai đoạn 1945 - 1950. Ngay từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhiều cán bộ của tỉnh và địa phương đã hoạt động cách mạng tại khu vực Mả Bụt, tiêu biểu là sự kiện mít-tinh ngày 12/9/1940 có sự tham gia diễn thuyết của đồng chí Chu Thiện, quyền Bí thư Tỉnh ủy. Ðịa danh này cũng ghi dấu nhiều hoạt động của phong trào du kích địa phương. Di tích Mả Bụt là niềm tự hào của địa phương, ghi dấu son cách mạng của huyện và của tỉnh. Di tích xây dựng còn dang dở, qua thời gian đã xuống cấp, nguyện vọng chung của nhân dân chúng tôi là mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo để các thế hệ mai sau không quên công lao của các thế hệ đi trước đã cống hiến cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

  • Từ khóa