Thứ 5, 08/08/2024, 12:17[GMT+7]

Duyên nợ với Thái Bình của đại thi hào Nguyễn Du

Thứ 3, 01/12/2015 | 08:57:39
12,598 lượt xem
Báo Thái Bình Chủ nhật số ra ngày 27/9/2015 đăng bài: Nguyễn Du - người đặc biệt với quê lúa Thái Bình của tác giả Hồng Hà (thành phố Thái Bình) và số ra ngày 1/11/2015 đăng bài: Đại thi hào Nguyễn Du và những giá trị vượt thời gian trong kiệt tác Truyện Kiều" của tác giả Vũ Hường (phóng viên Báo Thái Bình). Sau khi báo phát hành, có rất nhiều thư gửi đến và điện thoại gọi về Phòng Bạn đọc - Tư liệu (Báo Thái Bình) hoan nghênh bài viết, có người còn xin thêm báo để chuyền tay nhau đọc.

Trong số những lá thư gửi đến có thư của ông Nguyễn Quang Thư, 72 tuổi, ở thôn Nam Đài, xã Quỳnh Bảo, huyện Quỳnh Phụ. Ông Thư viết: "Chúng tôi rất phấn khởi được đọc các bài viết Báo Thái Bình cung cấp về tình hình chính trị, kinh tế cũng như sự phát triển các mặt ở tỉnh nhà trong tuần, tháng. Các bài in chữ rõ ràng, sáng sủa, các hình ảnh để chứng minh sắc nét. Một điều rất quan trọng của Báo Thái Bình các số phát hành vào ngày chủ nhật Tòa soạn cho đăng bài viết về các danh nhân của đất nước và của tỉnh...". Ông Thư nêu câu hỏi mà sau khi nghiên cứu, chúng tôi xét thấy cần đăng tải trong chuyên mục Hồi âm theo đơn thư bạn đọc như một sự tri ân bạn đọc Báo Thái Bình và cũng nhân đây để rộng đường dư luận. Hai bài báo được đăng tải nêu trên có hai dữ liệu chưa thống nhất: bài đăng ngày 27/9/2015 viết tên vợ Nguyễn Du là Đoàn Thị Tộ; bài đăng ngày 1/11/2015 viết tên vợ Nguyễn Du là Đoàn Thị Huệ. Theo ông Thư, "qua hai bài báo, chúng tôi chưa rõ tên vợ Đại thi hào Nguyễn Du tên nào là đúng".

Theo tài liệu cổ còn lưu giữ, Nguyễn Du là con trai Tiến sĩ, Tể tướng Nguyễn Nghiễm, quê ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, lấy con gái Hoàng giáp Đông các hiệu thư Đoàn Nguyên Thục, quê ở Hải An, Quỳnh Côi, nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ. Nguyễn Nghiễm và Đoàn Nguyên Thục là đại quan lâu năm dưới triều Lê - Trịnh. Con cái các cụ đều được ăn học đàng hoàng, gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc nêu danh phù Lê diệt Trịnh, quan lại không mấy người hợp tác với Tây Sơn nên Nguyễn Du phải bỏ về lánh ở quê vợ ở Hải An. Trong "Thập tải phong trần", Nguyễn Du đã khắc họa thời thế lúc bấy giờ. Cảnh "bất đắc chí" khiến cho một tài thơ phải sống âm thầm, khổ cực. Nhưng chính trong gian khó, những vần thơ chữ Hán và những áng văn chương bất hủ được hình thành. "Thanh Hiên thi tập" và Truyện Kiều mà ông để lại từ đường họ Đoàn là di sản vô giá, không chỉ riêng cho Thái Bình, Việt Nam mà cho cả nhân loại.

Về tên vợ Nguyễn Du, các tài liệu không đề cập đến tên thật của bà mà chỉ ghi chung chung bà (vợ Nguyễn Du) là con gái Hoàng giáp Đông các hiệu thư Đoàn Nguyên Thục. Có tài liệu ghi tên bà là Đoàn Thị Huệ, tên cúng cơm là Tộ. Do vậy, cho đến thời điểm này, tên thật của vợ Đại thi hào Nguyễn Du ở Thái Bình vẫn là một ẩn số.

Báo Thái Bình hoan nghênh những ý kiến tâm huyết của ông Nguyễn Quang Thư và nhiều bạn đọc.

BÁO THÁI BÌNH

  • Từ khóa