Chủ nhật, 30/06/2024, 19:52[GMT+7]

Mối nguy trước cổng trường

Thứ 2, 18/01/2016 | 09:56:19
4,114 lượt xem
Lâu nay, những miếng dán hình Sticker có xuất xứ từ Trung Quốc vẽ các nhân vật hoạt hình luôn được trẻ em yêu thích. Sản phẩm này được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em, nhất là tại khu vực trước cổng các trường mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, qua kiểm định, miếng dán hình Sticker có nguy cơ gây độc hại tới an toàn và sức khỏe của trẻ em. Chúng như một ẩn họa, một mối nguy rình rập trước cổng trường.

Lựa chọn đồ chơi an toàn, bổ ích cho trẻ em - việc không hề đơn giản.

 

Dạo qua một số cửa hàng gần Trường Tiểu học Kỳ Bá, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong… trên địa bàn thành phố Thái Bình, không khó để tìm được những miếng dán hình Sticker đa dạng cả về màu sắc, chủng loại, từ các nhân vật hoạt hình Ben 10 đến các công chúa trong phim hoạt hình Frozen (Nữ hoàng băng giá), Winx (Công chúa phép thuật), búp bê Barbie... được bày bán. Ðược xếp trong từng rổ nhựa hoặc treo, trông rất bắt mắt, sản phẩm này đều được ghi rõ: Made in China (sản xuất tại Trung Quốc).

 

 

Miếng dán hình Sticker - mối nguy hại tiềm ẩn đối với sức khỏe trẻ em.

 

Chủ các cửa hàng cho biết, trẻ em rất thích và đòi mua nhiều miếng dán hình Sticker bởi đây là những nhân vật hoạt hình nổi tiếng mà các em yêu thích. Chỉ cần từ 2.000 - 5.000 đồng, các em đã có trong tay sản phẩm này và các em thường dán những miếng dán hình Sticker vào đồ dùng học tập, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt, thậm chí dán cả vào tay, chân mình. Vì chiều theo ý muốn của con, nhiều phụ huynh đã không ngần ngại mua. Chị Hoàng Lan Phương ở phường Trần Hưng Ðạo, thành phố Thái Bình chia sẻ: Ðây là những nhân vật hoạt hình con thường xem và yêu thích nên tôi cũng hay mua cho cháu. Sản phẩm này rẻ, cỡ nhỏ, thời gian sử dụng không lâu, bởi vậy gia đình cũng không để ý đến tác hại của nó.

 

Tuy nhiên, những cảnh báo được nêu dưới đây của cơ quan chức năng sẽ khiến không ít phụ huynh giật mình. Cụ thể, ngày 11/12/2015, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Công văn số 383A/QLCL-CL1 cảnh báo về miếng dán hình độc hại, trong đó nêu rõ: Hiện nay, trên thị trường xuất hiện loại sản phẩm, hàng hóa miếng dán hình Sticker có chứa hàm lượng Phthalates với nồng độ vượt mức cho phép được quy định trong bộ tiêu chuẩn REACH regulation (EC) No. 1907/2006 (trong đó có mẫu hàm lượng này lên tới 48.250 mg/kg). Những sản phẩm này có nguy cơ gây độc hại tới an toàn và sức khỏe của trẻ em. Khuyến cáo trên của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên kết quả khảo sát, kiểm tra và kết quả thử nghiệm mẫu miếng dán hình số KT3-15579HD5/1 và KT3-15579HD5/2.

 

 

Nội dung Công văn số 116/TÐC-QLCL của Chi cục Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng.

 

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Ðo lường Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ, ngay sau khi nhận được Công văn số 383A/QLCL-CL1 cảnh báo về miếng dán hình độc hại của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Chi cục đã tổ chức khảo sát tại thành phố Thái Bình, kết quả là nhiều cửa hàng trên địa bàn có bán miếng dán hình Sticker. Trước thực trạng đó, ngày 21/12/2015, Chi cục đã có Công văn số 116/TÐC-QLCL đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo các trường học trên địa bàn cảnh báo các bậc phụ huynh, học sinh không mua, sử dụng những sản phẩm này.

 

Bà Nguyễn Thị Nga cũng cho biết thêm, tại nhiều nước và nhiều khu vực trên thế giới đã đặt ra ngưỡng an toàn của chất Phthalates trong sản phẩm đồ chơi trẻ em là không quá 1.000mg/kg. Song ở Việt Nam hiện nay, theo Quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 03:2009-BKHCN không có quy định ngưỡng an toàn đối với chất Phthalates. Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang kiểm tra, rà soát, xem xét đưa ra những quy định cụ thể về chất Phthalates bổ sung vào Quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em.

 

 

Cần cân nhắc và lựa chọn đồ chơi an toàn cho sức khỏe của trẻ.

 

Ðể phối hợp nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh và các em học sinh về sản phẩm này, ngày 23/12/2015, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã có Công văn số 815/SGDÐT về việc cảnh báo đồ chơi trẻ em độc hại. Trong Công văn, Sở chỉ đạo các trường, các cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để các em có những hiểu biết về cuộc sống, có khả năng biết tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mình; đồng thời, cảnh báo các bậc phụ huynh, các em học sinh không mua, sử dụng những sản phẩm này.

 

Theo ông Nguyễn Văn Nghiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương), thực hiện kế hoạch công tác đã đề ra, đội quản lý thị trường các huyện, thành phố, đặc biệt là Ðội Quản lý thị trường số 9 sẽ tăng cường công tác điều tra, trinh sát, nắm bắt thị trường nhằm phát hiện những đường dây, ổ nhóm, điểm tập kết hàng hóa, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có đồ chơi trẻ em. Các mặt hàng phải có nhãn hàng hóa và chứng từ xuất xứ hàng hóa; đối với hàng nhập khẩu phải có chứng từ nhập khẩu; nếu không xuất trình được các loại giấy tờ hợp pháp sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chi cục cũng thông báo tới các đội quản lý thị trường trong quá trình kiểm tra sẽ lồng ghép tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm cho các hộ, cá nhân kinh doanh, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

 

Thông tin cảnh báo về ảnh hưởng của miếng dán hình Sticker đối với an toàn và sức khỏe của trẻ em của cơ quan chức năng như hồi chuông đánh thức cộng đồng về sự cần thiết phải bảo đảm an toàn trong đồ chơi của trẻ. Ðiều đáng lo ngại là hiện nay những sản phẩm này vẫn được bày bán tràn lan, công khai trước cổng các trường học và là sản phẩm được trẻ em yêu thích. Bởi vậy, để bảo vệ trẻ em trước những mối nguy đã được cảnh báo, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các nhà trường, lương tâm và trách nhiệm của người kinh doanh, đồng thời cũng rất cần nâng cao hiểu biết của các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ.

 

Phthalates là một nhóm chất hóa học rất thông dụng, phổ biến, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp nhựa PVC. Phthalates giúp nhựa cứng hơn, dẻo hơn, trong suốt hơn hoặc làm cho sơn cứng hơn tùy theo loại Phthalates được sử dụng. Vì vậy, chất Phthalates xuất hiện ngày càng phổ biến trong các đồ dùng hàng ngày của con người. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu về ảnh hưởng của Phthalates đối với sức khỏe con người, tuy nhiên, đến nay chưa có công bố chính thức. Nhưng có một thực tế là tùy theo hàm lượng chất này có trong sản phẩm sẽ dẫn tới những tác động cụ thể, trong đó có thể dẫn tới trục trặc về nội tiết, gây ra những vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, thể hiện rõ rệt nhất ở bé trai.

 

Hương Giang

  • Từ khóa