Thứ 2, 05/08/2024, 03:13[GMT+7]

Giữ gìn văn hóa lễ hội - trách nhiệm không của riêng ai

Thứ 3, 19/04/2016 | 08:03:09
1,105 lượt xem
Cơ chế thị trường với làn sóng thương mại hóa mạnh mẽ làm cho văn hóa truyền thống cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Mỗi chúng ta cần phải chung tay hành động, đừng để tượng Phật trở thành "nơi nhận tiền lẻ", đừng để lễ hội thành "nơi chạy loạn", đừng biến đình, chùa thành "trung tâm thương mại" với đủ thứ dịch vụ... Không cần đau đầu để nghĩ phương pháp ở đâu xa, nó nằm ngay trong ý thức của mỗi người dân.

Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy để được tham dự lễ hội Đền Hùng.

Tôi có anh bạn mới đi lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) về. Khi được hỏi cả nhà đi chơi hội đầu năm vui chứ? anh chỉ lắc đầu ngao ngán: Còn giữ được cái mạng để về là may mắn lắm rồi! Lấy làm ngạc nhiên, tôi hỏi lại: Em tưởng người ta đi chùa để cầu bình an thì đền chùa phải là chốn linh thiêng và an toàn lắm chứ, sao lại mất mạng được?". Anh bạn vừa một tay lấy túi đá chườm vào vết thương tím bầm ở chân vừa bảo: Anh cho chú xem cái này…

Hóa ra "cái này" mà anh muốn cho tôi xem chính là đoạn clip người ta quay lại được cảnh hàng nghìn người dân ồ ạt tới lễ hội Đền Hùng. Đó là một khung cảnh hỗn loạn, nếu không nói là thật sự kinh khủng! Theo như nội dung đoạn clip, buổi sáng ngày 16/4, sau lễ dâng hương của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hàng chục nghìn người dân được phép lên núi Nghĩa Lĩnh để dâng hương bái tổ. Hàng rào an ninh bao gồm hàng trăm công an viên, cảnh sát cơ động và dân phòng cùng rất nhiều hàng rào sắt cũng không thể nào cưỡng lại được sức "công phá" của "đội quân con cháu vua Hùng" đang "hừng hực khí thế". Người ta giẫm đạp lên nhau, xô đẩy nhau trong tiếng la hét, tiếng người chạy hùng hục, mùi mồ hôi tanh nồng còn không khí thì giống như thời dân ta chạy giặc. Một vài hồi còi của dân phòng, cảnh sát vang lên đứt quãng, nhỏ nhoi giữa đống âm thanh hỗn tạp. Một vài phụ nữ không chịu được do bị xô đẩy trong sự ngột ngạt và oi nồng quá lâu nên đã bất tỉnh nhân sự dù chưa bước được đến cửa đền. Nhiều người tìm lối đi tắt bằng cách băng rừng để qua mắt lực lượng bảo vệ. Trạm y tế "dã chiến" được đặt ngay dưới chân đồi… Tôi chợt nghĩ, nếu vua Hùng mà tỉnh dậy không biết vua sẽ cười vì tấm lòng thành kính của con cháu hay sẽ khóc vì cái sự hỗn loạn điên đảo kia? Cá nhân tôi thì nghĩ, chắc vua sẽ tìm đường "chạy nạn" trước đã!

Có thể nói, chưa khi nào văn hóa lễ hội lại trở thành một đề tài nóng bỏng như hiện nay. Theo thống kê năm 2004 của Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa Thông tin, cả nước có 8.902 lễ hội, trong đó có 7.005 lễ hội dân gian truyền thống, 1.399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng và 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Đó quả thật là một con số khổng lồ. Chưa nói đến chi phí tổ chức lễ hội, riêng việc quản lý thôi cũng đủ khiến các cấp lãnh đạo phải đau đầu. Quá nhiều lễ hội cũng là điều kiện cho những việc làm biến tướng, những hành động phi văn hóa nảy sinh. Thay vì một lễ hội văn minh, sạch đẹp, người ta chỉ nhìn thấy ở đó cảnh du khách chen chúc nhau, thậm chí giẫm đạp lên nhau. Hàng quán thì nhếch nhác, người bán chèo kéo người mua, những dịch vụ như đổi tiền lẻ, viết giấy sớ thuê, cúng thuê… cũng phất lên nhanh chóng.

Ở Yên Tử, người ta dùng tiền để "đánh bóng" cả chùa Đồng. Về Bái Đính, du khách thập phương thản nhiên nhét tiền vào tay Phật. Khai ấn đền Trần (Nam Định) thì người ta "cướp ấn". Mỗi lần đi hội là một lần lo lắng bị móc túi, lo đi sớm để được vào trước, lo tìm thầy để đến nơi không phải chờ đợi. Đến chùa, cũng ít thấy những lời cầu khấn bình an thật lòng, thay vào đó là những lời khấn vái cầu tài, cầu lộc, cầu trúng đề, cầu lên chức… Đã lâu lắm rồi không còn những hình ảnh đẹp của mùa lễ hội đầu năm, không còn xuất hiện cảnh người người nô nức trảy hội, du xuân trong an toàn, trật tự. Giờ đây, khi trảy hội, người người thường mang vào mình cảm giác bực bội, mệt mỏi nhiều hơn là vui vẻ, thoải mái.

Tôi rất may mắn có anh bạn làm kiến trúc, từng học Đại học Mỹ thuật Hà Nội, cũng quê Thái Bình. Thỉnh thoảng, khi anh em gặp nhau, anh lại vỗ vào đùi tôi đánh cái đét, bảo: Quê mình là nhất đấy. Nguyên kiến trúc của chùa Keo đã là một báu vật rồi. Mỗi dịp hội chính, phát tâm về chùa đều thấy rất yên yên. Giữ được hồn cốt của nó là giữ được tinh hoa văn hóa của quê hương… Đình, chùa chính là đại diện cho nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam, cũng là đại diện cho nét đẹp đặc trưng của mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S này. Lễ hội là một phần không thể thiếu trong việc bảo tồn và gìn giữ đình, chùa. Để mỗi dịp đầu năm, người ta lại hướng tâm mình về nguồn cội, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Tuy nhiên, để giữ được một hình ảnh lễ hội đẹp, mỗi người cần phải có trách nhiệm mà trước hết đó là việc tự ý thức của mỗi cá nhân khi tham gia lễ hội. Bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, đó là giữ gìn vệ sinh, biết xếp hàng, biết nhường nhịn. Các ban, ngành cần có sự quản lý sát sao và thẳng tay xử lý hơn nữa các tệ nạn: giả danh ăn xin, móc túi, chèo kéo du khách tại các lễ hội. Cơ chế thị trường với làn sóng thương mại hóa mạnh mẽ làm cho văn hóa truyền thống cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Mỗi chúng ta cần phải chung tay hành động, đừng để tượng Phật trở thành "nơi nhận tiền lẻ", đừng để lễ hội thành "nơi chạy loạn", đừng biến đình, chùa thành "trung tâm thương mại" với đủ thứ dịch vụ... Không cần đau đầu để nghĩ phương pháp ở đâu xa, nó nằm ngay trong ý thức của mỗi người dân.

Nhã Nam

  • Từ khóa