Thứ 2, 19/05/2025, 16:44[GMT+7]

Lại chuyện nước sạch nông thôn

Thứ 4, 27/04/2016 | 08:48:40
2,944 lượt xem
Vẫn là câu chuyện nước sạch nông thôn. Với người dân xã An Bình (Kiến Xương), sự bức xúc không chỉ còn ở chuyện doanh nghiệp tăng giá bán nước kịch trần, chuyện trả 10% tiền đối ứng mà còn là công tác quản lý, kinh doanh nước sạch của doanh nghiệp yếu kém dẫn đến tình trạng nhiều gia đình không được sử dụng nước sạch hoặc được sử dụng nước nhưng lại theo kiểu "được chăng, hay chớ".

Áp lực đẩy nước thấp, người dân An Bình không thể lấy nước trực tiếp lên bể chứa trên mái nhà nên phải xây bể chứa dưới đất rồi sau đó bơm nước lên gây tốn thêm chi phí.

Từ nhiều tháng qua, hàng trăm hộ dân ở các thôn: An Trạch, Bình Trật Nam, Bình Trật Bắc và Bàng Trạch của xã An Bình sử dụng nước sạch thất thường: lúc có, khi không. Nhiều bà con phản ánh, mỗi khi nhà máy bơm nước thì nước chảy phun tung tóe ngoài đường ở những chỗ vỡ, nứt đường ống nhưng các hộ dân lại không thể nào lấy nước vào bể hoặc téc chứa nước. Ông Đỗ Văn Bình, xóm 1, thôn Bàng Trạch cho biết: Vì áp lực quá yếu, nước chỉ lên cao được khoảng 1m so với mặt đất. Để có nước sạch dùng, nhiều hộ phải xây thêm bể hoăc mua thêm téc đặt dưới mặt đất lấy nước vào rồi bơm lên bể trên mái nhà gây rất tốn kém cho người dân. Trung bình mỗi hộ phải tốn thêm từ 2 - 5 triệu đồng chi phí xây bể hay mua thêm téc nước mà còn làm chật chội không gian sống.

Không được may mắn sử dụng nước máy dù chỉ là được chăng, hay chớ, gần 1 năm qua, nhiều hộ dân thôn Bàng Trạch còn không có nước sạch để dùng và phải quay lại dùng nước giếng khơi hoặc thuê khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Ông Vũ Đức Minh, xóm 1, thôn Bàng Trạch buồn rầu: Gia đình tôi đóng góp đủ các khoản tiền để xây dựng nhà máy nước và lắp đặt đường ống, đồng hồ nước nhưng chỉ được sử dụng nước máy đúng 2 tháng. Gần 1 năm rồi, gia đình tôi không có nước sạch dùng nữa. Chỉ tay vào chiếc téc nước dung tích 1.500m3 đặt trên mái nhà, ông Đỗ Văn Bình xót xa nói: Từ ngày mua chiếc téc nước này về chỉ sử dụng được vài ba tháng rồi bỏ không vì không có nước máy nữa. Sợ phơi mưa, phơi nắng nó hỏng thì phí, tôi phải bơm nước giếng khoan lên để dùng. Biết nước ngầm giờ chẳng an toàn nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, đành sử dụng vậy.

Vì sao nhiều gia đình thôn Bàng Trạch không được sử dụng nước máy? Qua tìm hiểu, nguyên nhân là do đường ống dẫn nước vào khu dân cư bị vỡ, thậm chí có đoạn còn bị cắt đứt, mất đường ống trong quá trình làm đường giao thông nông thôn. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Bình, ông Đỗ Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: Do nhà máy cấp nước cho xã An Bình đặt tại xã Bình Nguyên, sự quản lý yếu kém nên để xảy ra tình trạng hệ thống đường ống vỡ, đứt nhiều chỗ trên địa bàn xã và chậm được khắc phục nên ảnh hưởng đến việc cấp nước cho người dân cũng như chất lượng nguồn nước. Đặc biệt, một số hộ dân còn bị mất cắp công tơ nước dẫn đến thất thoát nước sạch. "Có nơi người dân không có nước sạch để sử dụng, trong khi, có nơi nước sạch lại chảy tràn lan ra đường, xuống ao…" - ông Thành cho biết.

Đánh giá về tình trạng kinh doanh và sử dụng nước sạch ở xã An Bình, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương khẳng định, những vấn đề người dân phản ánh là đúng thực tế. Hiện, trạm cấp nước sạch cho các xã: An Bình, Quyết Tiến, Bình Nguyên, Quốc Tuấn do Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long quản lý đặt tại xã Bình Nguyên. Không riêng An Bình, nhiều người dân Quyết Tiến cũng rất bức xúc, kiến nghị nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND huyện Kiến Xương.

Để giải đáp những thắc mắc của cán bộ và người dân An Bình, chúng tôi đã đến hỏi ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Nhà máy nước Nam Long (Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long) nhưng nhiều lần không gặp được với lý do bận công tác. Qua điện thoại, ông Bắc quả quyết cho biết: Những tồn tại, bất cập hiện nay trong việc cấp nước cho người dân hai xã An Bình, Quyết Tiến là do hậu quả từ dự án cũ để lại. Công ty đang cố gắng đầu tư nâng cấp công suất nhà máy và hệ thống đường ống dẫn nước để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Việc để xảy ra đứt, vỡ, mất cắp đường ống và đồng hồ đo nước dẫn đến nhiều hộ dân không có nước sử dụng, người dân phải báo với chính quyền xã; thông qua xã, Công ty nắm được tình hình và cử cán bộ xuống kiểm tra, xử lý ngay.

Từ tháng 7/2015, trạm cấp nước tại xã Bình Nguyên được bàn giao cho Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long quản lý. Nhưng tình trạng thiếu nước và không có nước sạch sử dụng của người dân An Bình vẫn diễn ra tới ngày hôm nay. Hy vọng, những gì lãnh đạo doanh nghiệp nói và làm luôn đồng hành với nhau để mỗi người dân đều được sử dụng nước sạch chứ không phải bức xúc như thời gian qua.

"Về chất lượng nước sạch, theo quy định, mỗi năm nhà máy nước phải hai lần lấy mẫu quan trắc kiểm tra chất lượng, báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Kiến Xương nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản báo cáo nào của các doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh nước sạch phải trả phí nước thải từ 1,5 triệu đồng/năm/ trạm cấp nước nhưng huyện cũng chưa thu được của doanh nghiệp."

(Ông Trần Kim Tuyến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương)

Khắc Duẩn

  • Từ khóa