Thứ 2, 05/08/2024, 19:22[GMT+7]

Họ vẫn sống trong ký ức đồng đội

Thứ 6, 29/04/2016 | 20:14:32
1,708 lượt xem
Chiến tranh đã chấm dứt, đất nước đã thống nhất, hòa bình hơn 40 năm, nhiều gia đình đã được đoàn tụ nhưng cũng còn không ít gia đình đến nay vẫn chưa rõ con em mình hy sinh ở đâu, tại chiến trường nào? Mặc dù vậy, có một điều chắc chắn là những người con ưu tú của họ vẫn sống trong ký ức của những người đồng đội.

Khoảnh khắc lịch sử xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu.

 

Giữa năm 1967, trong một hang đá ở núi Bà thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Ðịnh, một người dong dỏng cao, da ngăm đen đến tìm tôi, là đồng hương Vũ Tiên, Thái Bình. Anh tự giới thiệu tên là Lương Ngọc Chiêm, ở xã Vũ Sơn (nay là xã Vũ Sơn, huyện Kiến Xương), được trên điều động về làm tham mưu phó tiểu đoàn. Anh kể, cha mẹ anh chỉ sinh anh là con trai duy nhất. Anh vào quân đội năm 1962, hai năm sau được điều vào chiến trường. Ngày anh vào Nam chiến đấu được giữ bí mật, cha mẹ, họ hàng cũng không hề biết (trong quân đội cũng chỉ gọi là điều động đi B). Từ khi biết nhau là đồng hương, Lương Ngọc Chiêm quan tâm, chăm sóc tôi nhiều hơn. Mỗi lần đi điều nghiên, anh đều đề nghị ban chỉ huy cử tôi đi theo anh. Là con người dày dạn, sâu sắc, thực sự, thực tế, Lương Ngọc Chiêm yêu cầu anh em trong tổ công tác phải báo cáo cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là sơ đồ đồn bốt không thể đại khái (bao nhiêu hàng rào, bao nhiêu ụ đề kháng, hỏa lực gì...). Khi lên sa bàn tác chiến cũng hết sức chi tiết. Vì vậy, hầu hết các cuộc tập kích của Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 đều giành thắng lợi, hạn chế thương vong. Sau Mậu Thân 1968, Lương Ngọc Chiêm được điều lên trung đoàn. Sau này, tôi biết tin anh đã hy sinh trong một trận đánh quân đổ bộ đường không của Lữ đoàn 3, Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ. Mẹ anh đã được Nhà nước vinh danh Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Trần Ngọc Trân (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) không chỉ là đồng môn với tôi tại Trường cấp III thị xã Thái Bình (nay là Trường THPT Lê Quý Ðôn) mà còn là đồng ngũ. Ngày còn ở miền Bắc, chúng tôi cùng đơn vị huấn luyện, tháng 8/1966 cùng hành quân chiến đấu. Trân được điều về Trung đoàn 12 làm công tác bảo mật. Chiến trường Trung Trung Bộ những năm đó bất kể cấp chỉ huy nào cũng phải trực tiếp cầm súng vì máy bay trực thăng đổ quân bất kể địa điểm nào. Mỗi lần gặp nhau, Trân kể cho tôi nghe nhiều trận đánh của Trung đoàn 12, từ anh chị nuôi đến quân y, các cơ quan khác của Trung đoàn phải căng mình chiến đấu cả ngày lẫn đêm. Trần Ngọc Trân đã nhiều lần được công nhận là Dũng sĩ diệt Mỹ. Tháng 5/1969, Trân đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu với biệt kích Mỹ tại hang đá xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh.

 

Không nhớ nổi họ của anh, còn tên anh là Kỳ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, quê ở Bến Tre. Anh Kỳ cùng đơn vị tôi tại miền Bắc và cùng vào chiến trường một ngày, mang quân hàm trung úy, đại đội trưởng đại đội trợ chiến. Trong trận chiến đấu đánh quân Mỹ đổ bộ đường không tại bãi nổi sông An Lão, thuộc huyện An Lão, tỉnh Bình Ðịnh, anh Kỳ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ cho chiến sĩ rút quân an toàn. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh nhờ anh chị em báo cáo với Ðảng anh đã hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên cộng sản và với quê hương miền Nam yêu dấu. Anh đã trở về với miền Nam, xứng danh là con em thành đồng Tổ quốc.

 

Nguyễn Văn Loát, quê ở Vũ Phúc, Vũ Thư, nay thuộc thành phố Thái Bình. Ngày nhập ngũ (4/1966), bà cô họ của Loát nói với anh em cùng nhập ngũ hãy giúp Loát ăn ở, tập luyện bởi vì so với mọi người thì Loát hiền lành và nhút nhát lắm. Ấy vậy mà chưa đầy hai năm trong chiến trường, từ một chiến sĩ, Loát đã được đề bạt đại đội phó. Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, được điều về chốt chặn tại thị trấn Ðập Ðá, cửa ngõ vào thành phố Quy Nhơn để chặn địch từ Tây Nguyên vào tiếp viện, ứng cứu cho quân cảng Quy Nhơn và một số cứ điểm Mỹ - ngụy đang bị quân giải phóng tấn công như vũ bão. Sau nhiều ngày chiến đấu, có lúc Loát đã thay cả đại đội trưởng chỉ huy tiêu diệt hàng trăm quân Mỹ, ngụy, chư hầu. Cả Tiểu đoàn 6 đã hy sinh anh dũng, chỉ còn 10 cán bộ, chiến sĩ. Loát đã anh dũng hy sinh đêm ngày 24/1/1968 khi tình nguyện vác khẩu trung liên tiến lên mở đường máu cho những anh em còn lại rút khỏi trận địa. Ngày nay, tại trận địa cũ đã xây dựng tượng đài ghi dấu mốc năm xưa.

 

Hoàng Xuân Hòa, cũng quê ở Vũ Phúc. Từ Bình Ðịnh, chúng tôi nhận nhiệm vụ về xã Phổ Ninh và Phổ Cường, huyện Ðức Phổ (Quảng Ngãi) để bảo vệ những kho gạo của quân giải phóng. Sau một ngày một đêm chiến đấu để dân công chuyển gạo vào rừng sâu, chúng tôi lại vượt núi trở về Bình Ðịnh. Thật chẳng may, vừa về tới vị trí tập kết, địch phát hiện ra chỗ trú quân của ta. Pháo từ biển, pháo mặt đất của Mỹ bắn cấp tập mấy tiếng đồng hồ. Nhiều đồng chí đã hy sinh. Hoàng Xuân Hòa bị thương vào đầu gối. Một đơn vị gần đó đã giúp chúng tôi làm công tác tử sĩ và đưa người bị thương đi chữa trị. Sau này tôi mới biết Hoàng Xuân Hòa được bổ sung cho đơn vị chủ lực Nam Quảng Ngãi. Hòa cũng đã anh dũng hy sinh tại mảnh đất này khi tuổi đời mới ngoài hai mươi.

 

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (cụ thể hơn là trực tiếp chiến đấu với quân đội Mỹ), gặp được đồng hương cùng tỉnh, cùng huyện là điều vô cùng hạnh phúc. Nguyễn Tiến Liễu (tức Liểu), quê ở thôn Phú Vinh, xã Ðồng Phú, huyện Ðông Hưng cũng là trường hợp hiếm có khi chúng tôi tiếp nhận tân binh bổ sung vào chiến trường. Liễu dỏng cao và thư sinh nhưng chiến đấu vô cùng dũng cảm. Từ một chiến sĩ, Liễu đã phấn đấu trở thành người chỉ huy có tài và dũng cảm. Tại cao điểm 384, Nguyễn Tiến Liễu đã chỉ huy một trung đội bám giữ cao điểm của đường 19 thuộc huyện An Khê hàng chục ngày đêm, tiêu diệt 2 tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên cùng hàng trăm quân ngụy, chặn đường tiếp viện của địch. Nguyễn Tiến Liễu đã giữ cao điểm cho tới khi được lệnh rút. Liễu đã hy sinh anh dũng. Dương Văn Minh, quê ở xã Minh Ðức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang là người cuối cùng còn sống đã tạm mai táng Liễu và đồng đội. Minh đã viết một cuốn nhật ký về Nguyễn Tiến Liễu và đồng đội. Ðài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Truyền hình Việt Nam đã theo địa chỉ trên để xây dựng phóng sự “Nhật ký cao điểm 384” anh hùng. Trong phóng sự (dựa theo lời kể của Dương Văn Minh) không quên nhắc lại lời của Nguyễn Tiến Liễu giáo dục chiến sĩ: “Sống phải biết căm thù giặc và phải biết yêu thương đồng chí, đồng đội”. Trong ác liệt, Liễu thề với lũ giặc: “Tao còn sống thì chúng mày đừng hòng nhổ được chốt này”. Hòa bình được ít lâu, Dương Văn Minh tìm về Ðồng Phú, Ðông Hưng gặp gỡ gia đình Nguyễn Tiến Liễu và trực tiếp đưa con trai liệt sĩ là Nguyễn Anh Tuấn và cháu nội là Nguyễn Dũng Anh trở lại cao điểm 384, đưa hài cốt Nguyễn Tiến Liễu về an táng tại nghĩa trang huyện Ðông Hưng (Nguyễn Anh Tuấn hiện là cán bộ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh). Trong chuyến đi trở lại chiến trường xưa, họ đã xin phép UBND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh đặt một bia đá khắc tên các chiến sĩ đã hy sinh ở cao điểm lịch sử này và đặt một bát hương để nhân dân địa phương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

 

Hoàng Duy

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa