Thứ 2, 05/08/2024, 13:20[GMT+7]

Tháng tư về lòng người thêm rộn rã

Thứ 6, 29/04/2016 | 20:17:15
2,274 lượt xem
Những ngày này, trong không khí cả nước kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016), phóng viên Báo Thái Bình vinh dự được gặp những cựu chiến binh (CCB) đã góp phần làm nên chiến thắng chói lọi trong lịch sử dân tộc. Trở về cuộc sống đời thường, họ vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ra sức thi đua xây dựng quê hương, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Đình Bạch (người ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm về một thời chiến đấu.

 

Lực lượng dẫn đầu 5 cánh quân

 

Chúng tôi có dịp gặp CCB Trần Xuân Lữu, 76 tuổi, ở thôn Khê Kiều, xã Minh Khai (Vũ Thư) tại nhà riêng. Hơn 30 năm trong quân ngũ cho đến giờ khi đã qua tuổi “thất thập”, dư âm về ngày đại thắng mùa xuân năm 1975 vẫn còn đó trong ông, chưa một chút phai nhòa. Những năm tháng tòng quân đánh Mỹ, ông Lữu đã từng trực tiếp tham gia các chiến dịch: Nguyễn Huệ,  Ðường 14 - Phước Long, Xuân Lộc và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông luôn tự hào là người lính Lữ đoàn tăng thiết giáp 202 anh hùng - lực lượng dẫn đầu 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

CCB Trần Xuân Lữu kể lại: Nhập ngũ năm 1961, tôi được biên chế về Lữ đoàn tăng thiết giáp 202. Ðến năm 1968, tôi được cử đi học tại Trường Sĩ quan tăng thiết giáp và vinh dự được kết nạp Ðảng tại Trường. Tháng 2/1972, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập gấp hai tiểu đoàn tăng gồm: Tiểu đoàn 177A bổ sung cho miền Ðông Nam Bộ và Tiểu đoàn 177B trang bị hỗn hợp tăng thiết giáp bổ sung cho chiến trường Khu 5. Tôi được biên chế về Tiểu đoàn 177A với cương vị chính trị viên đại đội.

 

Với ông Lữu, trận đánh đáng nhớ nhất trong cuộc đời chinh chiến của ông có lẽ là chiến dịch Xuân Lộc (Ðồng Nai), mở toang “cánh cửa thép” ở cửa ngõ phía Ðông Sài Gòn. Sau 12 ngày đêm chiến đấu cam go, quyết liệt với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, Quân đoàn 4 đã làm chủ hoàn toàn cửa ngõ phía Ðông Sài Gòn, làm suy sụp tinh thần kháng cự của quân ngụy, tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta bước vào trận quyết chiến trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc là đòn quyết định đánh sập toàn bộ ý chí kháng cự của địch, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn.

 

Chiếm lĩnh Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn

 

Ðến thăm gia đình CCB Lê Thái Chẩm, sinh năm 1946, ở thôn Hậu Tiến, xã Quyết Tiến (Kiến Xương) vào một ngày cuối tháng 4, trong phòng khách của gia đình ông dành riêng một vị trí trang trọng treo những hình ảnh đã từng gắn bó với mình suốt thời quân ngũ. Ðó là những bức ảnh với đồng đội, là Huân chương Chiến công, Huân chương Ðộc lập, bằng khen, giấy khen các loại… Chiến tranh đã lùi xa nhưng CCB Lê Thái Chẩm vẫn luôn mang theo ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của mình và đồng đội. Vốn trưởng thành từ lính bộ binh Sư đoàn 304, hơn 7 năm chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, kinh qua những chiến dịch ác liệt như Ðường 9 - Khe Sanh, Ðường 9 - Nam Lào, Mậu Thân 1968, 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị… Từ một chiến sĩ, ông Chẩm ra sức rèn luyện, chiến đấu ngoan cường, lập công xuất sắc, trở thành sĩ quan chỉ huy, là tiểu đoàn phó rồi tiểu đoàn trưởng. Cuối năm 1973, sau khi kết thúc khóa học tại Trường Sĩ quan tăng thiết giáp, ông về nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn tăng thiết giáp 202.

 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn tăng thiết giáp 202 được chia làm 3 bộ phận. Ông Chẩm kể: Bước vào chiến dịch, với tư tưởng “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ta đã huy động một lực lượng lớn hơn bất cứ chiến dịch nào trước đây, bao gồm cả lực lượng vũ trang và chính trị.

 

Sáng ngày 30/4/1975, đơn vị ông phối thuộc Sư đoàn 320B được lệnh hành quân vào Lái Thiêu (Bình Dương), tiến đánh cầu Bình Triệu, nơi quân ngụy tập trung đông, quyết tâm bảo vệ cầu, bảo vệ phía Bắc Sài Gòn. Tại đây, quân ta đã tiêu diệt 5 xe tăng địch, khống chế xe thiết giáp, buộc địch phải đầu hàng, bắt chúng dẫn đơn vị vào Sài Gòn tiến đánh Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn.

 

CCB Lê Thái Chẩm tâm sự: Sau mỗi trận đánh, mỗi chiến công, người lính tăng thiết giáp trưởng thành hơn. Sự dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ của họ đã xây dựng nên truyền thống “Ðã ra quân là đánh thắng” của bộ đội tăng thiết giáp anh hùng. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch lịch sử, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa bao giờ quên nhiệm vụ giáo dục cho con cháu hiểu về lịch sử dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử, đất nước ta đã trải qua hàng chục cuộc kháng chiến, nhiệm vụ của thế hệ hôm nay và sau này là luôn phải song hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Trưởng thành qua mỗi trận đánh

 

Ðầu năm 1962, ông Vũ Ðình Bạch nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân, biên chế về Ðại đội 2, Ðoàn 8 và được huấn luyện đặc công nước ở đây. Cuối năm 1964, ông nhận nhiệm vụ đi B. Trải qua bao gian khó, hiểm nguy, năm 1965 ông mới đặt chân tới ven Sài Gòn và trở thành người chiến sĩ đầu tiên của Ðoàn 10 đặc công Rừng Sác - một vùng sông nước gian khổ, ác liệt, sát cơ quan đầu não của kẻ thù.

 

Trong thời gian chiến đấu ở Ðoàn 10, đặc công Rừng Sác, ông Bạch đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu 54 trận, trong đó có trận đánh đặc biệt xuất sắc đánh chìm tàu vận tải quân sự Victory trọng tải 1 vạn tấn của Mỹ trên sông Lòng Tàu vào ngày 23/8/1966. Trận này, Ðoàn 10 đã tiêu diệt nhiều xe tăng, máy bay, pháo, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cùng hơn 100 lính Mỹ... Sau chiến công này, ông Bạch được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, danh hiệu “Dũng sĩ đánh giao thông”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

 

Chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đêm ngày 27/4/1975, lúc này ông Bạch là Chính trị viên phó Tiểu đoàn cùng với cánh quân của Ðại đội 2 do đồng chí Phạm Hải Hùng làm Ðại đội trưởng với 80 chiến sĩ bố trí trên đoạn sông Lòng Tàu, giữa rạch Bàng, rạch Chà Là hơn 1km thuộc đất Phước Khánh (Nhơn Trạch, Ðồng Nai) cách Nhà Bè 4km. Toàn bộ lực lượng bám mé sông đào công sự, được trang bị 2 khẩu ÐKZ 57mm, 30 khẩu B41, đại liên, trung liên và súng AK. Cả đêm 29/4, cả thành phố Sài Gòn, các quận khu vực rừng Sác rền vang tiếng súng, tiếng pháo, bầu trời Sài Gòn đỏ lửa. Lúc này, sở chỉ huy tiền phương được đặt tại trận địa sông Lòng Tàu. 5 giờ sáng ngày 30/4, các tàu địch nối đuôi nhau chạy ra. Cả trận địa phân công từng mục tiêu nổ súng vào tàu địch. Quân địch hoảng loạn, cướp thuyền của người dân để bỏ trốn. 11 giờ 30 phút ngày 30/4, 100 tàu chiến của địch kéo cờ trắng từ Sài Gòn, Nhà Bè chạy ra đầu hàng. CCB Vũ Ðình Bạch cho biết: Trong trận đánh này, Ðoàn 10 đặc công đã đánh chìm, đánh cháy 20 tàu chiến các loại, bắn vỡ 3 tàu vận tải quân sự trọng tải từ 8.000 - 12.000 tấn, bắt sống 15 tù binh. 14 giờ ngày 30/4, một đơn vị của Ðoàn 10 đã chiếm quân cảng Nhà Bè, xưởng hải quân và tiếp quản bảo vệ tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Với những thành tích đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 25/4/2015, tôi đã được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Chiến thắng thuộc về ta

 

Với CCB Nguyễn Ðức Thịnh, sinh năm 1954, ở thôn Bắc Song, xã Ðông Hà (Ðông Hưng), những trận đánh, khí thế những ngày tiến công quét sạch quân thù đến giờ vẫn in đậm trong tâm trí ông. Ðó là trận tiêu diệt cứ điểm Tống Lê Chân (tỉnh Bình Long cũ, Bình Phước ngày nay) tháng 3/1974; là trận đánh giải phóng thị xã Hậu Nghĩa (Long An) tháng 3/1975... Trong trận đánh giải phóng thị xã Mộc Hóa (tỉnh Kiến Tường cũ), để vượt sông Vàm Cỏ Tây, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn pháo binh 12 đã có sáng kiến dùng thùng phuy, cọc gỗ kết bè để chuyển pháo qua sông, tạo điều kiện cho các đơn vị khác đánh vòng trong luồn sâu, cài thế, tiêu diệt một lượng lớn quân địch, làm cho thế phòng ngự của địch ở hướng Tây Nam bị phá vỡ.

 

Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, từ sáng ngày 28/4/1975 đến đêm ngày 29/4/1975, Tiểu đoàn tiến công căn cứ Bà Ðiểm làm chủ quận lỵ Hóc Môn, sau đó hành quân tiến vào thành phố. Lúc này, trên các hướng chiến dịch, cuộc tiến công của các đơn vị bạn đều phát triển thuận lợi, không một sức mạnh nào ngăn nổi. Ðúng 8 giờ sáng ngày 30/4, hòa trong tiếng nổ vang trời của pháo binh trên các hướng, các cụm pháo của Tiểu đoàn đã hành quân thần tốc, táo bạo, lướt qua hệ thống đồn bốt địch, lần lượt đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ đô, Trường nữ quân nhân. CCB Nguyễn Ðức Thịnh hồi tưởng: Ðịch ở những khu vực này co cụm chống cự yếu ớt, nhiều tên cởi áo, vứt bỏ quân tư trang tìm đường chạy trốn. Sài Gòn rung chuyển trong tiếng pháo tấn công của quân ta. Ðến 10 giờ 30 phút, các mục tiêu đã bị Tiểu đoàn khống chế hoàn toàn và tổ chức lực lượng chốt giữ. 11 giờ 30 phút, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc, toàn thắng đã về ta.

 

41 năm sau ngày miền Nam giải phóng, mỗi khi xem lại những giờ phút cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh trên sóng truyền hình, ông Lữu, ông Chẩm cũng như ông Bạch, ông Thịnh và nhiều người lính năm xưa vẫn cảm thấy lòng mình lâng lâng một niềm vui, hạnh phúc khó tả khi được đi dưới rừng cờ hoa, giữa tiếng hoan hô “Việt Nam thống nhất muôn năm”, “Bác Hồ muôn năm”, “Quân giải phóng muôn năm” của người dân trên những cung đường tiến về Sài Gòn tháng tư năm đó.

 

Tất Đạt - Nguyễn Hậu

  • Từ khóa