Thứ 3, 30/07/2024, 15:24[GMT+7]

Chỉ vì... smartphone

Thứ 2, 30/05/2016 | 08:23:58
1,726 lượt xem
Trong thời đại ngày nay, dường như chiếc điện thoại đã trở thành vật bất ly thân với mỗi người. Còn gì tuyệt vời hơn một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) tích hợp đầy đủ những công nghệ tân tiến nhất. Người ta dùng nó hàng ngày, hàng giờ, mọi lúc, mọi nơi, thậm chí cả khi đang điều khiển phương tiện giao thông.

Tai bay vạ gió

Cách đây ít ngày, khi tôi đang chở mẹ trên đường đi chợ về thì bất ngờ bị một chiếc xe đi ngược chiều đâm trực diện. Dù tôi đã cố tránh và đi sát hết sức có thể vào lề đường bên mình nhưng cô gái đi ngược chiều do đang mải mê nói chuyện điện thoại đã đi lấn sang hẳn phía làn đường bên tôi. Vì điều khiển xe bằng một tay, không kiểm soát được nên xe của cô gái đâm sầm vào xe tôi. Cô gái không sao, xe chỉ bị vỡ yếm nhưng hai mẹ con tôi người thì xước xát, người thì bị xe đè lên. Cô gái khi đó mới biết mình vừa gây tai nạn.

Nhiều người dân huyện Thường Tín (Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ tai nạn đường sắt khiến một nam thanh niên tử vong tại chỗ. Nạn nhân được xác định là N.V.B - sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn. Theo những người chứng kiến, nguyên nhân là do N.V.B đeo tai nghe và băng qua đường sắt mà không để ý đến đèn tín hiệu báo hiệu tàu đang đến. Hậu quả thật bi thảm.

Hay như vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại Nghệ An làm cả gia đình gồm hai vợ chồng và một cháu bé 3 tuổi tử vong tại chỗ, nguyên nhân là do một thanh niên sử dụng điện thoại trong lúc điều khiển xe ô tô tải không làm chủ được tốc độ đã đâm trực diện vào xe máy.

Sử dụng điện thoại di động trong khi tham gia giao thông đang là thực trạng đáng báo động tại Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Tạp chí Y tế Anh, việc sử dụng thiết bị điện tử, điện thoại khi đang lái xe có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4,9 lần. Còn theo Cục Quản lý đường cao tốc và an toàn giao thông Mỹ, việc gửi tin nhắn khi đang lái xe làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông lên 23,2 lần so với việc lái xe bình thường. Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tất cả các giác quan của người lái xe đều được huy động để đưa ra những phán đoán, quyết định chính xác. Do đó, nếu sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông sẽ bị giảm khả năng tập trung, khả năng quan sát, khả năng phản xạ xử lý tình huống trên đường.

Sự phân tâm đang dần trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra không ít vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều người vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động. Trong khi một số thanh niên một tay nghe điện thoại một tay vẫn điều khiển xe lao vun vút trên đường thì nhiều bạn trẻ lại chăm chú vào màn hình điện thoại để đọc tin, nhắn tin, thỉnh thoảng mới ngước vội lên để quan sát đường. Từ khi điện thoại thông minh ra đời thì hiện tượng lướt web, tự chụp ảnh khi đang điều khiển ô tô cũng trở nên phổ biến. Những hình ảnh như vừa lái xe vừa gọi điện, nhắn tin, lướt facebook hoặc nghe nhạc… xuất hiện đều đặn mỗi ngày trên các con phố.

Sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn.

Cần một chế tài xử phạt thỏa đáng

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện lệnh cấm sử dụng điện thoại di động, thiết bị điện tử khi lái xe. Từ tháng 8/2001, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện lệnh cấm sử dụng điện thoại di động khi lái xe, trừ một số trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, thi hành công vụ lái xe được ưu tiên sử dụng. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt 46 USD. Tại Montréal (Canada), việc sử dụng điện thoại nhắn tin hoặc gửi email trong khi đang lái xe bị cấm từ năm 2008 với mức phạt khoảng 120 đô la Canada... Tại Ðức, phạt từ 60 - 80 euro cho một lần gọi và chưa tính tới việc bị trừ điểm trên bằng lái. Tại Anh, người điều khiển ô tô, xe máy sử dụng điện thoại cầm tay hoặc các thiết bị tương tự trong khi lái xe, dừng đèn đỏ hoặc lúc ùn tắc giao thông đều là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện, họ có thể bị đục ba lỗ trên bằng lái xe và nộp phạt 100 bảng Anh (tương đương khoảng 160 USD). Trong một số trường hợp, người lái xe có thể phải ra tòa, bị tước bằng lái xe và nộp phạt tới 1.000 bảng Anh. Tại Mỹ, thống kê gần nhất cho thấy có khoảng 10 bang và thủ đô Washington cấm cầm điện thoại và nói chuyện khi đang lái xe (trừ trường hợp khẩn cấp). Còn tại Singapore, từ tháng 2/2015, theo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi thì các hành vi gọi điện, nhắn tin, chơi game hay kiểm tra email trên các thiết bị điện tử trong khi lái xe đều bị coi là vi phạm pháp luật… Theo các nhà chức trách nước này, quy định được đưa ra xuất phát từ con số thống kê cho thấy cứ 10 ca tử vong do tai nạn giao thông có 1 ca liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động trong khi lái xe.

Ở Việt Nam, tình trạng sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông đang ngày càng phổ biến. Nhiều vụ va chạm do hành vi này gây ra làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sinh mạng người dân, nhiều trường hợp gây chết người. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Hiện nay, mức phạt cho hành vi này mới chỉ dao động từ 60.000 - 80.000 đồng và việc tăng mức phạt hiện vẫn đang ở trên bàn dự thảo.

Vẫn biết điện thoại là phương tiện hữu ích đối với đời sống nhưng nó có thực sự thông minh hay không lại phụ thuộc vào người sử dụng. Sau tai nạn nhỏ của tôi, anh bạn tôi tới thăm có nói đùa một câu: Ðấy là xe máy chứ "lỡ may" là ô tô thì chưa biết thế nào? Thiết nghĩ, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền đồng thời nên sớm ban hành chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe hành vi sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông.

Thùy Dung

  • Từ khóa