Thứ 6, 02/08/2024, 07:13[GMT+7]

Ẩn họa từ những công trình đê điều xuống cấp

Thứ 6, 10/06/2016 | 08:31:30
3,064 lượt xem
Hệ thống đê, kè trên tuyến đê tả Hồng Hà 2 đi qua địa phận xã Vũ Bình (Kiến Xương) đang xuống cấp nghiêm trọng, là trọng điểm xung yếu số một của huyện, nếu không có phương án ứng phó trước mắt và kế hoạch tu bổ khẩn cấp sẽ khó có thể chống chịu được khi xảy ra lũ, bão kết hợp triều cường dâng cao.

Ổ voi xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt đê tả Hồng Hà 2 qua địa phận xã Vũ Bình.

Xã Vũ Bình có hơn 2km đê quốc gia là đê tả Hồng Hà 2, hơn 2km đê bối và có 8 mỏ kè phục vụ chống lũ. Hiện nay, nhiều đoạn đê và hạng mục kè phục vụ công tác phòng, chống lụt bão của địa phương đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước khi dẫn chúng tôi đi kiểm tra thực tế trên tuyến đê tả Hồng Hà 2, ông Phan Tiến Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã cảnh báo: Việc đi lại sẽ rất vất vả vì mặt đê lởm chởm đất đá và có nhiều ổ trâu, ổ voi. Quả đúng như lời ông Chinh nói, dù đã cố gắng chọn những chỗ dễ đi nhất nhưng xe máy của chúng tôi vẫn rung lên bần bật. Mặt đê với kết cấu cấp phối đá dăm giờ đã xuống cấp, nham nhở những vết lằn bánh xe và dày đặc ổ voi lõm xuống với độ sâu từ 15 - 30cm. Dù trời nắng nóng liên tục hơn một tuần qua nhưng mặt đê vẫn còn rất nhiều hố chứa nước khiến cho việc đi lại càng khó khăn. Chiếc xe khách chạy tuyến Kiến Xương - Hà Nội di chuyển như rùa bò qua đoạn đê thuộc địa phận xã Vũ Bình, thỉnh thoảng lại nghiêng lệch sang một bên khiến các phương tiện và người đi bên cạnh phát hoảng, sợ xe bị lật. Lái xe Bùi Văn Phương cho biết: Ngày nào xe của tôi cũng phải đi và về qua đoạn đê này rất vất vả. Dù chỉ chạy với tốc độ 15km/giờ nhưng cũng phải toát mồ hôi để đánh lái tránh những ổ trâu, ổ voi. Người dân các xã Vũ Bình, Vũ Hòa, Minh Tân thường xuyên phải đi lại trên đoạn đê xuống cấp này phản ánh: Ngày nắng thì bụi mịt mù còn ngày mưa thì chật vật vượt qua biết bao hố nước nông, sâu khác nhau trên mặt đê. Một số người đi xe máy bị ngã vì trượt vào vũng nước rất nguy hiểm.

Không chỉ có mặt đê tả Hồng Hà 2 đang bị xuống cấp mà hơn 2km đê bối vượt lũ của xã Vũ Bình cũng trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Khoa ở thôn Nguyệt Lâm 1, xã Vũ Bình cho biết: Mỗi khi có báo động lũ cấp 3, nhân dân rất lo lắng sợ vỡ đê. Trước đây, sát chân đê là vùng bãi rộng, có cây chắn sóng thì đỡ lo nhưng bây giờ bãi lở vào sát chân đê, có nơi chỉ cách chân đê 10 - 15m, hệ thống kè cũng đang sạt, cây chắn sóng nhiều chỗ không còn nên cứ vào mùa lũ bão nhân dân lại sống trong tâm trạng phấp phỏng, lo âu.

Hệ thống kè của xã Vũ Bình có 8 mỏ nằm ở phía lõm của đoạn sông cong gồm hệ thống kè mỏ kết hợp với đá lát mái hộ bờ. Qua ghi nhận của chúng tôi, kè số 6 dài 800m thì có khoảng 300m kè đá lát mái hộ bờ đã bị phá vỡ kết cấu, đá bị sạt lở tụt xuống lòng sông; kè mỏ cũng đang bị sạt, xô tụt và gãy phần đỉnh, mũi mỏ. Toàn bộ đá không còn được bao bọc trong lưới thép vì toàn bộ lưới thép đã bị han gỉ. Tình trạng xô tụt, sạt tại các mỏ kè số 4, 5 cũng đang diễn biến xấu như mỏ kè số 6. Mỗi khi có tàu thuyền lớn đi gần bờ, sóng đánh vào khiến những phiến đá lở rơi xuống nước. Các mỏ kè còn lại tuy chưa xuống cấp nghiêm trọng nhưng cũng không bảo đảm an toàn. Ông Phan Tiến Chinh nhận định, với tình trạng kè bị xô, sạt, tụt như vậy, nếu không được đầu tư tu bổ kịp thời thì tình trạng lở đất bãi sẽ tiến sâu vào chân đê, đe dọa đến sự an toàn của hệ thống đê do xã quản lý.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đê, kè thuộc địa phận xã Vũ Bình xuống cấp như hiện nay là do: 3 năm trở lại đây, đoạn đê tả Hồng Hà 2 đoạn qua xã Vũ Bình có nhiều phương tiện qua lại, trong đó nhiều xe khách, xe tải chở vật liệu xây dựng di chuyển trên mặt đê thường xuyên khiến cho mặt đê vốn đã yếu do chưa được cứng hóa càng hư hỏng nặng hơn. Hệ thống kè được đầu tư xây dựng, tu bổ từ những năm 1996 - 1997, qua thời gian dài cộng với tác động của dòng chảy đường lạch sâu, dòng chủ lưu chảy áp sát chân kè, kè phải hứng chịu trực tiếp lực dòng chảy thẳng vào phía lõm của đoạn sông cong làm cho kết cấu hệ thống kè hư hỏng, xô tụt, sạt lở. Theo phản ánh của người dân sống ở gần đê, các tàu thuyền hút cát trên sông gần sát bờ và chân kè đã làm biến đổi dòng chảy và cũng là tác nhân trực tiếp khiến cho kè bị vỡ và sạt lở. Trong khi xuống cấp như vậy nhưng lại không được tu bổ, khắc phục kịp thời nên hệ thống đê, kè càng xuống cấp nhanh.

Sự xuống cấp của các công trình đê, kè ở xã Vũ Bình đang đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của hơn 1.400 hộ dân với gần 4.700 nhân khẩu; bên cạnh đó, hàng chục héc-ta hoa màu trên vùng đất bãi ngoài đê quốc gia của nhiều hộ dân có nguy cơ bị nhấn chìm nếu có mưa, lũ, bão lớn xảy ra. Ngoài ra, việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai của xã Vũ Bình cũng gặp rất nhiều khó khăn từ khâu huy động nhân lực, vật tư, xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn.

Để bảo vệ an toàn về người và tài sản của nhân dân, việc sớm tu bổ, nâng cấp hệ thống đê, kè đang xuống cấp là điều cấp ủy, chính quyền và nhân dân Vũ Bình rất mong mỏi. Tuy nhiên, để làm được việc này cần nguồn kinh phí tương đối lớn, vượt ngoài khả năng của xã và huyện. Ông Phan Tiến Chinh cho biết thêm: Địa phương sẽ cố gắng thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2016 với phương châm "4 tại chỗ" song đó cũng chỉ giải pháp tình thế trước mắt để ứng phó với thiên tai. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Vũ Bình mong muốn tỉnh và trung ương sớm quan tâm hỗ trợ, đầu tư kinh phí xử lý các điểm xung yếu của hệ thống đê, kè, bảo đảm vững chắc, lâu dài để người dân yên tâm trước diễn biến của thời tiết ngày càng bất thường như hiện nay.

Khắc Duẩn

  • Từ khóa