Thứ 6, 25/04/2025, 12:03[GMT+7]

Người dân “ăn ốc”, chính quyền “đổ vỏ”

Thứ 2, 05/09/2016 | 08:38:52
3,830 lượt xem
Ốc bươu vàng là mối nguy hại của những người nông dân, phá hoại mùa màng, nhiều diện tích lúa chỉ trong một đêm đã mất trắng do ốc bươu vàng ăn. Tuy nhiên, ở xã Nam Chính (Tiền Hải), con ốc bươu vàng đã giúp người dân ở đây có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Nhưng hệ lụy của việc này là hàng nghìn tấn vỏ ốc không còn chỗ chứa.

Người dân "ăn ốc"

4 giờ sáng, những tiếng xe máy nổ giòn tan, đó là lúc người dân bắt đầu lên xe với trang bị là những chiếc bao tải tận dụng để đi bắt ốc bươu vàng. Cả thôn Hữu Vi Nam, Hữu Vi Bắc (xã Nam Chính) đã bắt đầu một ngày làm việc mới. Đoàn người đổ đi các xã, có khi là huyện khác để bắt ốc bươu vàng. Công việc này bắt đầu từ 6 - 7 năm trước ở một số gia đình, đến nay 70% số hộ ở hai làng này đi bắt ốc bươu vàng. Đến 9 - 10 giờ, đoàn xe ấy lại hối hả trở về, mang trên mình 2 - 3 bao tải nặng chứa toàn ốc bươu vàng. Người phụ nữ không còn chỗ ngồi phải ngồi lên trên những bao tải đựng ốc, trông chênh vênh nhưng nét mặt hiện rõ sự phấn khởi vì bắt được nhiều ốc bươu vàng.

Đổ những bao ốc chặt đầy, phân loại nào là ốc bươu vàng, ốc hột, nào là con chai, con cá, cua đồng, anh Hoàng Văn Đại ở thôn Hữu Vi Nam cho biết, anh bắt ốc đã được 6 - 7 năm, bình quân mỗi ngày gia đình anh có thu nhập 300.000 đồng từ việc bắt ốc, nhờ đó mới có tiền để nuôi ba con ăn học, nuôi bố mẹ già và cũng dư dả để xây cho gia đình mình căn nhà tương đối khang trang, đầy đủ.

Còn vợ chồng anh Đặng Văn Thung ở thôn Hữu Vi Nam 4 giờ sáng đã sang tận Nam Định, đến 9 giờ về đã bắt được 60kg ốc. Số ốc này sau khi được luộc lên khêu lấy mỗi miệng của con ốc thì còn được hơn 16kg. Với giá bán hiện nay khoảng 13.000 - 14.000 đồng/kg, một ngày gia đình anh thu về hơn 200.000 đồng từ việc bán ốc bươu vàng. Anh Thung chia sẻ, có thời điểm gia đình anh kiếm được tiền triệu mỗi ngày vì giá thu mua cao, lên gần 20.000 đồng/kg. Được biết, công việc bắt ốc bươu vàng này chỉ trừ ngày mưa sợ sấm sét ở cánh đồng không an toàn cho tính mạng còn thì làm được cả năm, cả tháng, ngày nào đi bắt cũng có ốc.

Về Nam Chính, người dân cho chúng tôi biết, trong quãng thời gian từ 9 - 10 giờ sáng và từ 4 - 5 giờ chiều, cả xã rộn ràng bởi hàng đoàn xe đi bắt ốc về. Họ đi từ 4 - 5 giờ sáng, đi đến các xã khác, có khi là huyện khác, tỉnh khác để nguồn ốc dồi dào hơn. Vào tầm trưa, nhà nào cũng quây quần bên một chậu lớn để khêu miệng ốc. Công việc này ai cũng có thể làm được, từ người già cho đến con trẻ bởi miệng ốc to nên dễ lấy. Cũng nhờ nghề này mà đồng ruộng Nam Chính cũng như nhiều xã lân cận đỡ bị thiệt hại do ốc bươu vàng.

Anh Trần Văn Trí, chủ cơ sở thu mua miệng ốc bươu vàng lớn nhất xã Nam Chính cho biết, mỗi ngày anh thu mua khoảng 1 - 2 tấn miệng ốc bươu vàng, vào thời gian cày dập rạ ốc ngoi lên bà con bắt được nhiều thì cơ sở của anh thu mua được khoảng 3 tấn. Khối lượng lớn miệng ốc này được xuất chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Chính quyền "đổ vỏ"

Sau khi lấy miệng ốc, toàn bộ vỏ ốc được người dân bỏ vào bì và mang vứt xuống bãi rác. Nhà ít thì một, hai bao, nhà nhiều thì cả xe lôi kéo đi. Cả làng, cả thôn lại như hội. Nam Chính có hai bãi rác là Thủ Chính và Hữu Vi, quy hoạch 1.500m2 và 2.418m2. Nhưng với một số lượng lớn vỏ ốc được thải ra từng ngày thì bãi rác nào cũng ùn ứ. Đến nay, địa phương đã phải đóng cửa bãi rác ở thôn Thủ Chính do không thể chứa được nữa, tạm thời bà con mang vỏ ốc xuống đổ ở bãi rác mới quy hoạch 12.000m2. Còn bãi rác thôn Hữu Vi cũng đang trong tình trạng quá tải.

Dưới cái nắng nóng 38 - 39oC, nhưng khi tới bãi rác thôn Hữu Vi chúng tôi thấy lạnh người, sởn gai ốc bởi tiếng ruồi nhặng, mùi hôi thối nồng nặc, ngột ngạt bốc ra từ đống vỏ ốc. Toàn bộ vỏ ốc, nước ốc, phần đuôi của con ốc đều được đổ ra đây. Người nào có ý thức thì xếp bao đựng vỏ ốc lên nhau, còn không thì tiện đâu vứt đấy, bừa bãi. Nước trong vỏ ốc rỉ ra gây mùi rất khó chịu, tạo nơi trú ẩn và sinh sống của ruồi, muỗi. Bên cạnh bãi rác là cánh đồng màu nhưng có lẽ do mùi hôi thối, ruồi nhặng nhiều nên những hộ trồng màu ở đây cũng không dám ra chăm sóc, cánh đồng màu vì thế cũng xơ xác. Ông Trần Văn Đăng đã 9 năm trông coi bãi rác ở đây cho biết: Không thể chịu nổi, những nhà làm cây màu cứ ra đây một lúc là "chạy mất". Có ngày, người dân mang tới 30m3 vỏ ốc đến đây đổ. Vào ngày nắng, ruồi nhặng bâu đen cả cánh đồng màu.

Chính quyền xã Nam Chính đang rất trăn trở, đau đầu về vấn đề này bởi nếu không xử lý kịp thì hậu quả sẽ như thế nào? Nếu vỏ ốc được người dân đổ xuống mương, xuống ao, đường ra ruộng rồi đến đường liên thôn, lúc đó môi trường sẽ ra sao? Ông Trần Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, địa phương đã thuê riêng ông Trần Văn Đăng 1,2 triệu đồng/tháng trông coi bãi rác, nhiệm vụ chính là buổi chiều đứng ở đó hướng dẫn bà con đổ vỏ ốc đúng nơi quy định, xếp gọn gàng, chồng lên nhau. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, xã đã thuê máy xúc ba lần để xúc vỏ ốc lên nhưng chỉ vài ngày lại như cũ. Nhân dân thì thờ ơ, cứ bắt lấy miệng ốc rồi vứt vỏ ốc ra bãi rác, mặc chính quyền tự lo xử lý. Trước mắt, xã tập trung tuyên truyền để bà con xử lý thô bằng cách nghiền nát vỏ ốc trước khi mang vứt ra bãi rác, tuy nhiên vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của các gia đình. Chính quyền địa phương rất mong có lò đốt rác để xử lý triệt để nhưng Nam Chính còn khó khăn về tài chính nên chưa thể xử lý theo phương án này.

Còn một điều mà nhiều người lo lắng, bãi rác thôn Hữu Vi nằm ngay cạnh sông Lân với hàng nghìn tấn vỏ ốc đang nằm tại đây, hàng ngày ngấm vào đất, vào nước. Đây chính là nguồn nước mà nhà máy nước sạch Nam Chính lấy để xử lý, cung cấp cho các xã khu Nam của huyện. Nếu như bãi rác này không được xử lý kịp thời không biết hậu quả của nó sẽ ra sao khi mà hàng ngày, hàng giờ chúng ta đều nghe, đọc thấy thông tin về những cái chết thương tâm vì căn bệnh ung thư quái ác mà một trong những nguyên nhân chính là do môi trường ô nhiễm, nguồn nước nhiễm bẩn.

Nguyễn Hường
Đài TTTH Tiền Hải

  • Từ khóa