Thứ 2, 29/07/2024, 09:15[GMT+7]

“Nỗi lo vỡ quỹ” (Kỳ 2)

Thứ 2, 31/10/2016 | 15:04:07
1,004 lượt xem
Thực trạng bội chi quỹ BHYT diễn ra ở các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn tỉnh đặt ra câu hỏi cấp bách: Đâu là nguyên nhân làm gia tăng chi quỹ KCB BHYT? Bởi chỉ khi tìm ra nguyên nhân cụ thể mới có giải pháp phù hợp khắc phục nhằm quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả quỹ KCB BHYT trong thời gian tới.

Kỹ thuật viên xét nghiệm bệnh phẩm tại Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ.

KỲ 2: NHIỀU BỆNH NHÂN LÀM GIA TĂNG CHI PHÍ KHÁM CHỮA BỆNH BẢO HIỂM Y TẾ

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước thực trạng bội chi quỹ KCB BHYT, Sở Y tế và BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, UBND tỉnh, tăng cường kiểm tra, giám sát thực tế tại các cơ sở y tế có số chi tăng cao. Nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan làm gia tăng chi phí KCB BHYT đã được chỉ rõ, trong đó tập trung nhất vẫn là nhóm nguyên nhân do gia tăng số người tham gia BHYT, tăng giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ và một số thay đổi về chính sách, đặc biệt do tác động của thông tuyến KCB đối với bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh…

Do tăng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Theo số liệu từ BHXH tỉnh, bình quân một thẻ BHYT do BHXH tỉnh phát hành là 330.000 đồng, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của các tỉnh khác. Vì vậy, mặc dù có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khá cao, đạt 80,59%, song số thu ít do người tham gia BHYT chủ yếu là ở nhóm người đóng BHYT mệnh giá thấp. Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, có nhiều đối tượng hưởng trợ cấp từ chính sách xã hội, UBND tỉnh lại có nhiều cơ chế hỗ trợ đối tượng tham gia BHYT. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã tăng thêm 120.464 người tham gia BHYT song có tới 80.711 thẻ có mệnh giá thấp do nhóm đối tượng mua được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước và được miễn giảm tiền mua thẻ do tham gia BHYT theo hộ gia đình. So với cùng kỳ năm 2015, số thẻ tăng đạt 9,1%, song số lượt KCB lại tăng gấp hơn hai lần với 293.535 lượt, chiếm 23,8%. Ngoài ra, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ năm 2015 cũng mở rộng trường hợp được quỹ BHYT chi trả kinh phí KCB và tăng mức hưởng, giảm cùng chi trả của nhiều đối tượng. Số người tham gia BHYT gia tăng cùng với lý do đời sống nhân dân tăng cao, người dân ý thức hơn trong chăm sóc sức khỏe nên năng đi khám bệnh. Giao thông đi lại trên địa bàn tỉnh cũng thuận tiện; các cơ sở KCB đều có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng KCB dẫn đến gia tăng đột biến số lượt KCB, làm tăng chi phí trong khi số thu ít, dẫn đến tình trạng mất cân đối đầu vào, đầu ra. Ðó là một trong những nguyên nhân khách quan gây bội chi quỹ BHYT thời gian qua.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Thái Bình.

Tác động từ thông tuyến khám chữa bệnh

Tại Bệnh viện Ða khoa tư nhân Lâm Hoa, ông T.V.T. ở thành phố Thái Bình là bệnh nhân điều trị ngoại trú. Ông T. cho biết, ông bị bệnh đái tháo đường nên định kỳ hàng tháng đều đến bệnh viện khám và nhận thuốc. Song lần nào đến khám ông cũng được chỉ định rất nhiều kỹ thuật như siêu âm, điện tim, tổng phân tích tế bào máu, nước tiểu và nhiều chỉ số khác. Theo ông T., nhiều bệnh nhân được chỉ định nhiều dịch vụ, cho nhiều thuốc thì thích song với ông chỉ cảm thấy phiền vì mất nhiều thời gian vào các dịch vụ không cần thiết.

Theo bà Tạ Thị Hoa, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, mặt trái khi thực hiện thông tuyến là một bộ phận người dân thực hiện cơ chế thông thoáng để đi KCB nhiều lần. Cơ quan BHXH đã phát hiện cá biệt có người đi khám 17 lần/tháng, có người đến khám tại 4 cơ sở y tế trong một ngày. Các cơ sở KCB cũng tăng thu hút người bệnh bằng cách tăng cường chỉ định các dịch vụ y tế, thuốc, chuyển tuyến. Kết quả phân tích so sánh chi phí KCB tại Thái Bình với các địa phương khác của BHXH Việt Nam cho thấy, chi phí bình quân xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh trên một lượt KCB tại Thái Bình đều cao hơn trung bình toàn quốc. BHXH tỉnh đã phân tích tần suất sử dụng xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh cho thấy hầu hết các bệnh viện đều tăng sử dụng các dịch vụ trong khi tình trạng bệnh không cần thiết phải thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật như vậy. Ví như tình trạng chỉ định xét nghiệm máu đối với hầu hết các bệnh nhân đến khám; chỉ định chụp C.T.Scanner sọ não với hầu hết bệnh nhân chấn thương mặc dù nhiều trường hợp không có chấn thương đầu, có trường hợp chỉ định chụp X quang 4 - 5 lần trong một đợt điều trị; vừa chụp C.T.Scanner vừa chỉ định chụp cộng hưởng từ đối với bệnh nhân chẩn đoán theo dõi thoát vị đĩa đệm; chỉ định xét nghiệm GOT, GPT trong các trường hợp bệnh lý không liên quan như đau thần kinh tọa, xiêm đa xoang, đau vai gáy cấp, viêm kết mạc, rối loạn tiền đình... Bên cạnh đó còn có tình trạng ghi chẩn đoán nhiều bệnh trên một bệnh nhân để hợp thức hóa cho việc chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng, điều này xảy ra ở hầu hết các cơ sở y tế. Thực hiện quy trình giám định, BHXH tỉnh phát hiện có tình trạng lựa chọn bệnh nhân điều trị nội trú, kéo dài ngày điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh; phát hiện có bệnh nhân có hồ sơ điều trị nội trú nhưng không có mặt tại bệnh viện ngoài giờ hành chính; cơ cấu bệnh tật không thay đổi song số ngày điều trị bình quân tăng so cùng kỳ. Nhiều trường hợp mặc dù bệnh chưa vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến huyện nhưng vẫn chuyển lên tỉnh dẫn đến số lượt KCB đúng tuyến, chi phí đa tuyến đến bệnh viện tuyến tỉnh tăng cao hơn nhiều so với các năm trước. Nhiều bệnh viện xảy ra tình trạng lựa chọn thuốc, chỉ định thuốc giá cao rộng rãi. Nhiều đơn vị xây dựng kế hoạch đấu thầu thuốc trúng thầu giá thấp, nhưng lại lựa chọn sử dụng thuốc giá cao không có trong kế hoạch đấu thầu… Những lý do trên, mỗi lý do làm gia tăng chi phí KCB ở mức lớn nhỏ khác nhau, song cộng lại cho con số tăng gần 300 tỷ đồng làm cho Thái Bình trở thành một trong những tỉnh có số bội chi quỹ KCB lớn nhất cả nước.

Bác sĩ Ðỗ Trọng Quyết, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ða khoa tư nhân Lâm Hoa

Chi phí KCB ở bệnh viện tăng cao bởi lý do chủ yếu như số bệnh nhân tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Cùng với chi phí KCB tăng cao do thực hiện Thông tư số 37 của liên bộ Y tế, Tài chính về tăng giá dịch vụ cũng còn tình trạng bác sĩ có tâm lý sợ đường dây nóng nên chiều bệnh nhân; chịu áp lực từ phía bệnh nhân muốn thực hiện nhiều dịch vụ khi khám bệnh nên chỉ định kỹ thuật còn chưa chặt chẽ.

Bác sĩ Ðỗ Văn Siu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà

Không chỉ các bệnh viện tuyến huyện, nhiều trạm y tế trên địa bàn huyện Hưng Hà cũng vượt quỹ KCB BHYT bởi tần suất KCB cao; do thông tuyến nên một số bệnh nhân đến trạm y tế xã khác KCB trong khi chưa tách được đa tuyến đến; do triển khai nhiều thủ thuật, đặc biệt là KCB y học cổ truyền, điển hình như Trạm Y tế thị trấn Hưng Nhân, các xã Canh Tân, Hồng An, Thái Hưng, Tân Hòa, Cộng Hòa…

Ông Phạm Quốc Vương, xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh

Tôi mất công vượt sông, đi hơn 10km từ Nam Ðịnh sang Thái Bình khám bệnh cũng chỉ mong được các bác sĩ cho thực hiện càng nhiều kỹ thuật càng tốt để có thể phát hiện sớm được bệnh tật và có kế hoạch chữa trị kịp thời. Không chỉ tôi mà tâm lý chung của nhiều người khi đi khám bệnh đều muốn tận dụng hết vai trò của tấm thẻ BHYT.

(còn nữa)

Hà Dung

 
  • Từ khóa