Thứ 4, 08/05/2024, 22:42[GMT+7]

Hưng Hà: Các công trình đê điều cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt, bão

Thứ 6, 26/04/2019 | 10:11:58
2,583 lượt xem
Trước mùa mưa, bão năm 2019, Hạt Quản lý đê điều huyện Hưng Hà thuộc Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện Hưng Hà thành lập đoàn kiểm tra chất lượng công trình đê điều trên địa bàn huyện. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, hệ thống đê điều trên địa bàn huyện Hưng Hà cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt, bão.

Các tuyến đê trên địa bàn huyện Hưng Hà đã cơ bản được cứng hóa, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt, bão và nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hạt Quản lý đê điều huyện Hưng Hà hiện được giao quản lý 40,1km đê quốc gia, trong đó có 17km đê Hồng Hà I, 16,5km đê hữu Luộc và 6,6km đê tả Trà Lý. Nhìn chung, hệ thống đê điều trên địa bàn huyện Hưng Hà đều bảo đảm với mực nước thiết kế tại Nhật Tảo và có gia thăng an toàn từ 0,8 - 1,2m. Mặt cắt ngang đê tại một số nơi còn thiếu, nhất là phạm vi đê hữu Luộc, nhiều vị trí chưa có cơ đê phía đồng. Triền đê tả Hồng Hà nhiều đoạn còn hẹp và xấu, cần có kế hoạch đắp áp trúc mở rộng mặt đê tại những phạm vi mặt đê còn quá nhỏ. Triền đê tả Trà Lý nhiều đoạn cần bê tông hóa, mở rộng mặt cắt và cứng hóa...

Bên cạnh đó, Hạt Quản lý đê điều huyện Hưng Hà còn quản lý 16 kè, trong đó có nhiều kè xung yếu như kè Nhật Tảo, kè Thanh Nga, kè Đào Thành... 9 cống lớn dưới đê do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình và Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Hưng Hà vận hành, quản lý. Những cống trên qua kiểm tra, các bộ phận còn bảo đảm, vận hành bình thường, tuân thủ quy trình đóng mở trong mùa lũ. Theo đánh giá, hệ thống kè đều đã được đầu tư xây dựng, hàng năm được tu bổ, sửa chữa, phát huy tốt hiệu quả trong mùa mưa, bão năm 2018.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn 24,3km đê bối, trong đó có tuyến đê bối Hà Xá, xã Tân Lễ hiện có 2.500 người dân sinh sống trong đê bối; đê bối Tỉnh Thủy, xã Hồng Minh và Chí Hòa đang bảo vệ trực tiếp 250ha cánh đồng mẫu lớn và trang trại nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty TNHH Một thành viên Chăn nuôi Việt Hùng thuộc Tập đoàn Hòa Phát.

Ông Trần Quang Trường, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Hưng Hà cho biết: Qua kiểm tra thực tế, theo đánh giá của đoàn kiểm tra, các công trình đê điều trên địa bàn huyện Hưng Hà cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt, bão. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai tại 14 xã duyên giang của huyện Hưng Hà là rất đáng báo động. Tính đến hết ngày 31/12/2018, trên các tuyến đê của huyện Hưng Hà còn tồn đọng 126 vụ vi phạm và một số vụ vi phạm trước năm 2011 vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đến nay, các xã, thị trấn cơ bản vẫn chưa giải tỏa được các công trình vi phạm, mới chỉ dừng lại ở việc thành lập ban chỉ đạo rà soát, lập danh sách, lập kế hoạch giải tỏa. Duy nhất chỉ có xã Điệp Nông đã giải tỏa được 22 trường hợp trồng cây, chôn cột bê tông, chăng dây thép gai và toàn bộ cây cối ở cơ đê, mái đê phía trong đồng nhưng chưa dứt điểm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số trường hợp vi phạm điển hình nhưng chưa được xử lý như: ông Nguyễn Đức Xuân ở thôn Đồng Phú, xã Độc Lập xây dựng xưởng tẩy, nhuộm trên bãi sông Hồng tại km148+900 đê tả Hồng Hà I; gia đình bà Nguyễn Thị Liên và ông Nguyễn Thanh Chất ở xã Tân Lễ xây dựng xưởng tẩy, nhuộm tại km1+200 đê hữu Luộc; gia đình ông Nguyễn Văn Phong ở xã Tân Lễ xây dựng nhà kiên cố tại km1+200 đê hữu Luộc; gia đình ông Nguyễn Văn Cao ở xã Hòa Tiến xây dựng nhà kiên cố tại km9+900 đê hữu Luộc... Tất cả những trường hợp vi phạm trên đều đã bị đoàn kiểm tra của huyện Hưng Hà xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 98,5 triệu đồng từ năm 2015, nhưng việc khắc phục hậu quả, hoàn trả lại mặt bằng và cưỡng chế đã quá hạn gần 3 năm, chưa được triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, Hạt Quản lý đê điều huyện đề nghị huyện Hưng Hà chỉ đạo các địa phương kiểm tra tất cả các bến bãi chất tải ở đỉnh kè, bãi đỉnh kè, xây bệ lắp cẩu, lò vôi, nhà cấp 4 trong hành lang bảo vệ đê. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý đê chuyên trách cũng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, lập biên bản, báo cáo kiến nghị biện pháp xử lý lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cùng với việc xử lý dứt điểm các công trình vi phạm, đề nghị các địa phương nơi có tuyến đê đi qua tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân.

Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày