Thứ 4, 08/05/2024, 22:03[GMT+7]

Sẵn sàng nhân lực, vật tư tại các trọng điểm xung yếu

Thứ 7, 04/05/2019 | 14:54:41
718 lượt xem

Các lực lượng xử lý sự cố sạt lở bờ bao khu nuôi trồng thủy sản tại xã Vũ Hòa (Kiến Xương) trong mùa mưa, bão.

Thái Bình hiện được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 579,6km, trong đó có 351,3km đê trung ương, còn lại 228,3km đê bối, đê bao và đê vùng. Các tuyến đê trong tỉnh có 111 kè hộ bờ trên tuyến đê cấp I, II, III, 10 kè trên tuyến đê bối với 150km kè lát mái và trên 50 kè mỏ. Ngoài ra, còn 189 cống dưới đê cấp I, II, III và hơn 50 cống dưới đê làm nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.


Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mùa mưa, bão năm 2019 của các huyện, thành phố và Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phân loại các trọng điểm xung yếu của đê, kè, cống ở từng tuyến đê. Theo đó, những trọng điểm xung yếu 1 là những đoạn đê có nền đê và thân đê là đất xấu, đê còn thấp, bé, phía sông có bãi hẹp hoặc không có bãi, không có cây chắn sóng. Khi lũ cao, bão lớn những đoạn đê này thường bị tràn, xuất hiện nhiều mạch sủi hoặc thẩm lậu mái đê, dễ gây sạt trượt nguy hiểm. Những cống dưới đê có chất lượng kém, trong quá trình quản lý, sử dụng thường phát sinh diễn biến, hư hỏng như nứt gãy, rò rỉ, không bảo đảm an toàn cho đê trong mùa lũ, bão. Những đoạn đê có kè, cống ở vị trí đầu nguồn, dòng chảy biến đổi phức tạp gây xói lở bờ bãi mạnh, xử lý khó khăn, tốn kém, khi vỡ đê gây thiệt hại lớn. Những trọng điểm xung yếu 2 cũng mang tính chất, tác hại và các đặc điểm của xung yếu 1, song diễn biến công trình còn ở mức nhẹ hơn và khi xảy ra sự cố thiệt hại thấp hơn, xử lý ít tốn kém hơn...


Ông Nguyễn Thế Huyền, Chủ tịch UBND xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) cho biết: Trên địa bàn xã có tuyến đê hữu Trà Lý chạy qua, hai kè là kè Vũ Đông 1 và kè Vũ Đông 2, trong đó theo phân loại trọng điểm xung yếu đê, kè, cống năm 2019 thì kè Vũ Đông 1 là trọng điểm xung yếu 2. Xác định tầm quan trọng của công tác phòng, chống lụt, bão, địa phương thường xuyên quán triệt sâu sắc đến cán bộ và nhân dân nắm vững phương châm “4 tại chỗ”, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân và nhà nước để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Căn cứ tình hình thực tế, trước mùa mưa, bão hàng năm, địa phương đã xây dựng các phương án hộ đê, chuẩn bị lực lượng lao động, vật tư, phương tiện phòng khi có sự cố xảy ra để kịp thời xử lý. Ngoài ra, UBND xã cũng giao chỉ tiêu chuẩn bị các loại vật tư và số lượng phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão cho các cơ sở thôn trong xã như bao dứa, rơm, rạ khô, rào tre, bạt, xe thồ...


Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đối với một số trọng điểm xung yếu đê, kè, cống năm 2019 (như đê Nhật Tảo, đê Lão Khê, đê Hà Xá, đê Hồng An, đê Đặng Xá, kè Phú Nhai thuộc đê tả Hồng Hà I; cống An Điện, đê Phú Chử, kè Hướng Điền, kè Vũ Tiến, đê Bình Thanh, đê Bình Định thuộc đê Hồng Hà II; đê Nam Hải, đê Nam Hồng, cống Bồng He, cống Trung Lang thuộc đê cửa sông Hồng; đê Hậu Thượng, đê Hậu Trung I, kè Phương Cúc, kè Vinh Quang, bãi lở hạ lưu kè Cao Phú thuộc đê tả Trà Lý...), Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu mỗi trọng điểm phải lập một phương án cứu hộ đê, tùy theo quy mô, kích thước của từng trọng điểm mà chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng khi có sự cố xảy ra, xử lý kịp thời ngay từ đầu giờ. Trong đó, mỗi trọng điểm xung yếu phải chuẩn bị một số vật tư dự trữ tối thiểu sau: 2.000m3 đất dự trữ, 20.000 cái bao tải, 1.000 bó rào, cành cây, 1.000 cây tre hóa. Đặc biệt đê, kè biển, khu vực không có cây chắn sóng, đê xa khu dân cư phải chuẩn bị rào, phên liếp và tre cây để nẹp chống sóng, mỗi ki-lô-mét có 500 cây tre và 5.000 bó rào hoặc 5.000m2 vải bạt chống sóng. Khi xuất hiện lũ lớn, bão có khả năng đổ bộ vào đất liền, các địa phương phải tập trung lực lượng với đầy đủ dụng cụ thường trực liên tục để khi cần thiết là xử lý được ngay, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều của tỉnh.


Phạm Hưng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày