Chủ nhật, 11/08/2024, 00:16[GMT+7]

Điểm tựa để chị em thoát nghèo bền vững

Thứ 3, 21/01/2014 | 08:46:32
962 lượt xem
Với nhiều hoạt động hỗ trợ về giống, vốn, kiến thức cho hội viên, năm qua các cấp hội phụ nữ huyện Thái Thụy đã giúp 245 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống 3,89% (giảm 3,15% so với năm 2012), là huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều nhất tỉnh.

Lãnh đạo Hội LHPN huyện (bên phải ảnh) trao tiền hỗ trợ xây “Mái ấm tình thương” cho chị Phạm Thị Thoa, xã Thái Sơn (Thái Thụy).

Trước khi được tiếp cận với nguồn vốn vay do Hội Phụ nữ tín chấp, 2 vợ chồng chị Phạm Thị Ngợn, thôn Hạ Tập, xã Thụy Bình vốn có tiếng là hay lam, hay làm và dè sẻn trong chi tiêu, song những ngày giáp hạt vẫn không thoát khỏi cảnh “chạy ăn từng bữa”. Từ khi tích cực tham gia sinh hoạt hội phụ nữ được dự các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về sản xuất, chăn nuôi, chị Ngợn áp dụng kiến thức đã học cùng chồng mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn và đào ao thả cá.

Ban đầu vốn liếng ít, chị chỉ nuôi 8 con lợn thịt, sau nhận được sự giúp đỡ của Chi hội phụ nữ thôn Hạ Tập và anh em họ hàng về giống, vốn không lấy lãi, chị đầu tư xây thêm 4 ô chuồng nuôi 20 - 30 con lợn thịt. Đến nay, chị Ngợn đã mở rộng chuồng trại 1.200 m2 , thường xuyên nuôi 120 -  150 con lợn thịt, 6 con lợn giống 3 máu, 150 con gà, cấy 1,5 mẫu ruộng, nuôi 1 con bò sinh sản. Chị phấn khởi cho biết: “Có tổ chức Hội giúp đỡ, mỗi năm gia đình thu nhập 100 triệu đồng, không chỉ trả hết nợ còn đầu tư mua 1 máy cày bừa, 1 máy tuốt lúa, 1 máy xay xát và 1 máy nghiền ngô phục vụ bà con. Mừng nhất là gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khá giả, con cái được ăn học đầy đủ”.

Để giúp ngày càng nhiều hội viên thoát nghèo bền vững như chị Ngợn, ngay từ đầu năm, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Thái Thụy đã chỉ đạo cơ sở hội tiến hành khảo sát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, tìm nguyên nhân để có giải pháp giúp đỡ hiệu quả nhất. Qua khảo sát năm 2013, toàn huyện có 5.608 hộ nghèo, trong đó có 3.286 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu việc làm, tuổi cao, sức khỏe yếu, đông con. Từ kết quả đó, Hội phụ nữ các cấp đã phối hợp với ngành nông nghiệp, các công ty cung ứng phân bón và Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh mở hàng trăm lớp triển khai đề án sản xuất, tập huấn chuyển giao KHKT thu hút trên 80% hội viên tham gia, cung ứng 1.000 tấn phân bón NPK trả chậm cho hội viên chăm sóc lúa và rau màu.

Để giải bài toán khó về vốn, các cấp Hội phụ nữ huyện Thái Thụy đã đứng lên tín chấp với các ngân hàng cho chị em vay vốn, đến nay tổng dư nợ là 159 tỷ đồng cho 8.792 lượt hội viên vay (tăng 12 tỷ so với năm 2012). 100% các tổ vay vốn đã thành lập được tổ tiết kiệm vay vốn, huy động trên 90% thành viên tham gia với số tiền tiết kiệm 2 tỷ đồng để xét cho những chị em khó khăn vay. Hội phụ nữ các xã: Thụy An, Thái Học, Hồng Quỳnh 100% thành viên vay vốn tham gia tổ nhóm tiết kiệm.

Ngoài nguồn vốn tín chấp, LHPN huyện còn phát huy tối đa nguồn nội lực bằng cách vận động chị em giúp nhau tiền, cây, con giống… hay thăm hỏi, tặng quà lúc ốm đau, hoạn nạn. Chị Nguyễn Thị Diên, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Nhân các ngày lễ, tết, các cấp hội đã tặng 225 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giúp đỡ gia đình phụ nữ gặp rủi ro, hoạn nạn, ốm đau 666 triệu đồng và 1.840 ngày công lao động, cho vay không lấy lãi gần 5 tỷ đồng; hỗ trợ xây 4 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo.

Giúp vốn đầu tư phát triển sản xuất hộ gia đình là cách tạo việc làm cho thu nhập cao, ổn định nhưng lại chưa thể đáp ứng được nhu cầu việc làm của đa số lao động nông thôn nhất là lao động nữ. Do vậy tổ chức dạy và phát triển nghề đặc biệt là các nghề thủ công, mỹ nghệ  được coi là giải pháp hữu hiệu nhất mà các cấp Hội phụ nữ vùng biển đặt lên hàng đầu. Trong năm 2013, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh chỉ đạo xã Thái Thượng tổ chức 2 lớp dạy nghề móc thủ công cho 70 chị, các cơ sở hội tổ chức 55 lớp học nghề thủ công cho 3.445 chị. 100% xã, thị trấn duy trì, phát triển các nghề móc sợi, mây tre đan, ươm tơ, thêu, khâu nón… tạo việc làm cho 18.000 lao động với mức thu nhập bình quân 500.000 - 1.500.000 đồng/người/tháng. Đặc biệt, năm vừa qua, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Doanh nghiệp Mây tre đan xuất khẩu Thanh Bình, xã Thái Xuyên vận động và thu hút trên 2.000 lao động nữ trong và ngoài xã đến móc sợi tập trung tại xưởng, với mức lương khá cao 1,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Để tiếp tục làm điểm tựa vững chắc giúp hội viên thoát nghèo bền vững, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thái Thụy cho biết thời gian tới các cấp Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cán bộ, hội viên tích cực thực hiện Đề án quy vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020; tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ hội viên vay vốn; tổ chức các lớp chuyển giao KHKT và dạy nghề, tạo việc làm; vận động phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; huy động mọi nguồn lực giúp phụ nữ nghèo…

Thu Hiền

  • Từ khóa