Chủ nhật, 11/08/2024, 04:29[GMT+7]

Những người vượt qua bóng tối

Thứ 2, 17/08/2015 | 09:30:01
405 lượt xem
Phía sau thành công của những người phụ nữ khiếm thị là câu chuyện vượt khó đầy nghị lực. Có dịp gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ, chúng tôi mới thấy hết nỗi gian truân, vất vả mà họ phải trải qua. Dũng cảm vượt qua bóng tối để đi tìm ánh sáng cuộc đời, họ trở thành tấm gương sáng để nhiều người học tập và noi theo.

Chị Lại Thị Na (xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương) tạo ấn tượng với khán giả qua tiết mục “Tri ân chiến sĩ đảo xa”.

 

Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở xoa bóp bấm huyệt, phục hồi chức năng Thanh Nga (thành phố Thái Bình) khiến nhiều người cảm phục. Bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, gia đình không có điều kiện chữa trị nên một bên mắt của chị bị mù hoàn toàn, mắt còn lại chỉ nhìn thấy 1/10. Không cam chịu số phận tật nguyền, chị Nga xoay sở nhiều nghề để kiếm sống. Thế nhưng, thu nhập từ đan bao cói, rút sợi len, sản xuất hương chẳng đáng là bao. Chị quyết định tìm hướng đi mới với hy vọng thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Năm 2000, khi biết Hội Người mù Việt Namon> tổ chức dạy nghề tẩm quất cho hội viên, chị đăng ký tham gia. Sau khi vững tay nghề, chị quyết định thuê nhà, vay mượn tiền mở cơ sở tẩm quất riêng. Song sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều cơ sở tẩm quất mới ra đời khiến lượng khách giảm trong khi chi phí thuê nhà, thuê lao động lớn. Chồng lại đột ngột ra đi khiến gánh nặng đè lên đôi vai người phụ nữ khiếm thị. Một mình vừa nuôi con, vừa lo giữ vững cơ sở tẩm quất, chị quyết bám trụ với nghề. Đến nay, cơ sở của chị hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Hai con đều chăm ngoan, học giỏi. Tinh thần vượt khó của chị đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên cho nhiều phụ nữ khiếm thị khác.

 

Vốn là một phụ nữ khỏe mạnh, lành lặn bỗng dưng bị mù cả hai mắt do căn bệnh viêm màng bồ đào kết dính khiến Nguyễn Thị Ngoan rơi vào trạng thái mặc cảm, buồn chán trong suốt thời gian dài. Được sự động viên của gia đình, chị tham gia Hội Người mù huyện Tiền Hải. Sau 3 năm hoạt động tích cực, có nhiều sáng kiến, chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện. Công việc chính của chị là phụ trách lao động sản xuất, chăm lo đời sống hội viên và quản lý quỹ. Tâm huyết với nghề, nhiều ngày chị nhờ người chở xe đạp xuống từng xã, khảo sát số lượng người khiếm thị, tìm hiểu nguyện vọng và vận động họ tham gia học chữ, học nghề. Tuy nhiên, việc thuyết phục không đơn giản bởi người khiếm thị thường có tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân. Chị phải ở lại cơ sở nhiều ngày cùng người thân giúp họ nhận thức việc học chữ, học nghề, vay vốn phát triển kinh tế có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống người mù. Bằng trái tim, sự nhiệt tình và trách nhiệm, chị đã vận động, thuyết phục, giúp đỡ nhiều hội viên được học nghề, có việc làm và thu nhập. Họ đã dần thoát khỏi vỏ bọc tự ti, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội. 12 năm qua, với những cống hiến trong công tác hội, chị Nguyễn Thị Ngoan vinh dự được Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù tỉnh, UBND và Hội Người mù huyện Tiền Hải khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động hội.

 

Từng tham gia nhiều chương trình, hội thi tiếng hát và đạt giải, nổi bật là huy chương vàng ở hội thi Tiếng hát người khuyết tật khu vực phía Bắc, huy chương bạc hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc năm 2014, chị Lại Thị Na (xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương) là “cây văn nghệ” không chuyên được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Thế nhưng, cuộc sống của chị lại gặp nhiều khó khăn. Bản thân bị khiếm thị bẩm sinh, tự nuôi mình đã khó chị còn phải chăm sóc mẹ già đang nằm liệt gường. Để có tiền chi tiêu sinh hoạt, chị tham gia sản xuất tăm tre tại Hội Người mù huyện Kiến Xương, tuy nhiên công việc theo thời vụ nên thu nhập bấp bênh. Không có tiền theo học các lớp chèo, dân ca, chị sang nhà hàng xóm nghe nhờ đài vào buổi trưa, tối, thâu băng nghe lại rồi tự hát theo. Thói quen nghe chương trình dân ca qua đài đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người phụ nữ mù. Chiếc đài đã giúp chị rèn luyện thành công kỹ thuật vang rền, nền, nảy trong nghệ thuật chèo. Để nhiều người đam mê nghệ thuật dân tộc đến được với chèo, chị đã hướng dẫn những làn điệu cơ bản cho chị em xã Vũ Tây, cháu Nguyễn Xuân Dũng (xã Bình Định, huyện Kiến Xương). Cuộc sống còn nhiều khó khăn song ở chị luôn tràn đầy sự lạc quan và niềm tin tiến về phía trước. Bằng lời ca, tiếng hát, chị đã truyền lửa nghị lực cho nhiều người cùng cảnh ngộ.

 

Mỗi người một hoàn cảnh song những người phụ nữ khiếm thị ấy đã tìm được hướng đi cho riêng mình. Thành công của họ đã chứng minh rằng, mất đi đôi mắt không phải đã mất tất cả, đừng bao giờ để tinh thần khiếm khuyết dù cơ thể có tật nguyền.

 

Hoàng Lanh

  • Từ khóa