Thứ 7, 10/08/2024, 10:24[GMT+7]

Chào mừng Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 2, 09/11/2015 | 09:05:20
856 lượt xem
Nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các địa phương trong tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) và các hội, đơn vị thành viên đã đoàn kết, quyết tâm cao, vượt lên những khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2010 - 2

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh tham quan mô hình sản xuất lúa thương phẩm tại xã Bắc Hải (Tiền Hải). Ảnh: Mai Thư

Hiện nay, đội ngũ trí thức của Thái Bình có 33.849 người có trình độ từ cao đẳng trở lên đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện trong tỉnh; trong đó có: 13 giáo sư, phó giáo sư, 58 tiến sĩ, 973 thạc sĩ, 64 bác sĩ chuyên khoa II, trên 19.000 người có trình độ đại học và trên đại học, trên 13.000 người có trình độ cao đẳng. Ngoài ra còn có 60 giáo sư, phó giáo sư, trên 500 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ chuyên ngành là con em quê hương Thái Bình đang công tác ở tất cả các lĩnh vực, trên mọi miền của Tổ quốc. Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, Liên hiệp Hội đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 08/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng tỉnh Thái Bình. Đây là chính sách có tác động trực tiếp đến quyền lợi của đội ngũ trí thức. Mỗi năm, tỉnh giành khoảng 30 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, 40 tỷ đồng cho hoạt động khuyến nông và khuyến công và kinh phí cho Liên hiệp Hội hoạt động.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiệm kỳ qua, hệ thống Liên hiệp Hội đã tổ chức được 3.073 lớp tập huấn cho trên 160.000 lượt hội viên và người lao động; xây dựng 43 mô hình, 61 câu lạc bộ với 5.672 người tham gia. Tổ chức 590 buổi tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tại những mô hình tiên tiến cho trên 21.000 lượt người là hội viên và người lao động trong tỉnh. Liên hiệp Hội và các hội thành viên đã triển khai 258 đề tài, dự án các cấp, góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng nông thôn mới, phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình như các đề tài: "Giải pháp thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư và rác thải nông nghiệp ngoài đồng ruộng, bảo vệ môi trường"; "Áp dụng tiến bộ sản xuất giống cá rô phi đơn tính bằng phương pháp lai xa"; "Nuôi ngao thương phẩm tại các đầm nuôi tôm sú hiệu quả thấp vùng chuyển đổi trong đê quốc gia"; "Xây dựng mô hình sản xuất giống và chuyên canh khoai tây hàng hóa ở Thái Bình". Liên hiệp Hội và các hội thành viên đã nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật làm thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lai tạo ra một số giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh như: BC15, TBR225, TBR45; khảo nghiệm một số giống khoai tây có chất lượng, năng suất cao của nước ngoài phù hợp với điều kiện của Thái Bình. Nghiên cứu xây dựng thành công các mô hình: trồng khoai tây khí canh, khoai tây vụ xuân để phục vụ nhu cầu sản xuất khoai tây giống và khoai tây trái vụ có hiệu quả kinh tế cao hơn; sản xuất nấm mỡ chịu nhiệt, nấm rơm chính vụ và trái vụ; mô hình nhân giống cây hòe, chiết tách hoạt chất rutin; sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá sấu nước ngọt; nuôi sò huyết thương phẩm; trồng một số cây ăn quả có giá trị như: dưa vàng thơm Kim Cô Nương, cà chua quả đỏ, ớt ngọt, chuối tiêu hồng… Bên cạnh đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, các hội thành viên của Liên hiệp Hội thực hiện rất hiệu quả. Nhiệm kỳ vừa qua, Liên hiệp Hội và các hội thành viên đã tham gia tư vấn pháp lý cho trên 32.570 vụ việc; khám chữa bệnh cho trên 1 triệu lượt người; xét cấp chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh cho 690 cơ sở tư nhân, 464 chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho hội viên, 196 chứng chỉ hành nghề dược, 135 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Công tác vận động cán bộ, nhân dân tham gia hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ được chú trọng. Hội thi Sáng tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật Thái Bình và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thái Bình đạt kết quả cao. Ban tổ chức hội thi đã quyết định công nhận 115 công trình, giải pháp đạt giải, trong đó có 11 giải nhất, 24 giải nhì, 46 giải ba, 34 giải khuyến khích; đã có 7 công trình đạt giải thưởng cấp quốc gia (2 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 1 giải khuyến khích), 1 công trình đạt huy chương vàng hội thi Sáng tạo khoa học và công nghệ thế giới tại Malaysia năm 2011. Ban Tổ chức cuộc thi đã trao giải cho 48 mô hình, sản phẩm, trong đó có 5 giải nhất, 6 giải nhì, 16 giải ba, 21 giải khuyến khích, đã có 3 công trình đạt giải tham dự hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Hàng năm, Liên hiệp Hội đã tổ chức hội nghị đại biểu trí thức, biểu dương và chúc mừng các tân tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, về vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng nông thôn mới, về tình trạng chảy máu chất xám trong các cơ quan nhà nước… Hoạt động hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế được đẩy mạnh. Trong nhiệm kỳ, Liên hiệp Hội cùng các hội thành viên đã triển khai 32 dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ, phối hợp triển khai 41 dự án phi chính phủ với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng, các dự án đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thăm mô hình khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

Với những thành tích đó, tập thể và các cá nhân của Liên hiệp Hội được tặng thưởng 165 bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, 22 bằng khen của UBND tỉnh, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức trong nhiệm kỳ tới, Liên hiệp Hội rất mong Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục ban hành, sửa đổi các cơ chế, chính sách về chế độ đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, biểu dương, tôn vinh, thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức phải ý thức sâu sắc vị trí, vai trò của mình, tích cực đổi mới tư duy và năng động, nhanh nhạy tiếp thu các thành tựu, kỹ thuật mới, say mê nghiên cứu, tìm tòi để có nhiều sáng kiến mới có giá trị hơn, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh và thực tiễn đời sống. Liên hiệp Hội và các hội thành viên sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng Liên hiệp Hội ngày càng vững mạnh, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức.

Th.s Lê Hồng Sơn
(Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh)

Đồng chí Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh

Thông qua phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, bình quân mỗi năm có hàng nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất và đời sống. Mỗi kỳ Hội thi Sáng tạo Khoa học công nghệ và Kỹ thuật Thái Bình có trên 100 đề tài, giải pháp tham gia, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Khúc Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh

Là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thời gian qua, các cấp hội làm vườn trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật và những tiến bộ kỹ thuật mới đến hội viên, nông dân để áp dụng trong thực tiễn sản xuất như: chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học; chăn nuôi tập trung công nghệ cao; sử dụng hầm biogas để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; sản phẩm phải cùng vào cùng ra. Trong trồng trọt, đã hướng dẫn nông dân quan tâm đến chất lượng giống cây trồng như giống nuôi cấy mô, cây ghép; thức ăn, vật tư đầu vào, giống cây trồng, vật nuôi phải là giống chuẩn ở những cơ sở sản xuất có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... 5 năm qua, các cấp hội đã tổ chức 1.615 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 110.200 lượt hội viên, nông dân.

Đồng chí Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh

Thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của Trung tâm đã có những bước tiến đáng kể. Mỗi năm, Trung tâm thu thập, khảo nghiệm hàng trăm giống lúa, hàng chục giống cây màu, trên cơ sở đó đề xuất ngành bố trí cơ cấu nhiều giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh tốt... Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã làm chủ công nghệ sản xuất hạt lúa lai, sản xuất thành công một số tổ hợp lai như: Bắc ưu 64; Bắc ưu 903; Bắc ưu 253; HYT 93; HYT 100 với năng suất cao, giá thành hạ, mở ra hướng tự sản xuất giống lúa lai thay thế dần giống lúa nhập khẩu. Ngoài ra, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm một số giống khoai tây có chất lượng, năng suất cao của nước ngoài phù hợp với điều kiện của tỉnh; tiếp thu công nghệ khí canh để sản xuất củ giống khoai tây siêu nguyên chủng nhằm từng bước cung ứng cho sản xuất giống khoai tây tốt và sạch bệnh, khắc phục việc phải nhập khẩu củ giống từ nước ngoài; tiếp thu, chuyển giao công nghệ bảo quản giống khoai tây bằng kho lạnh. Bên cạnh đó, đơn vị còn coi trọng khảo nghiệm các phương pháp canh tác mới nhằm giảm sức lao động, khắc phục được tính thời vụ trong sản xuất như gieo sạ, gieo thẳng bằng công cụ cải tiến; trồng đậu tương, khoai tây, ngô theo phương pháp làm đất tối thiểu; cấy lúa theo phương pháp hàng rộng, hàng hẹp; sử dụng phân bón tổng hợp NPK; phân bón qua lá; phân bón hữu cơ vi sinh... góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường.

Đồng chí Bùi Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh

Trong những năm qua, Hội Điều dưỡng tỉnh cũng như các tổ chức thành viên khác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã chủ động đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm do kỳ Đại hội trước đã đề ra. Tôi hy vọng rằng, với những kết quả đã đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ nhiệm kỳ qua, Đại hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ có nhiều đổi mới, sáng tạo, tạo nhiều cơ hội, môi trường thuận lợi hơn nữa cho Hội Điều dưỡng tỉnh cũng như các hội thành viên ngày càng phát triển. Các hội thành viên cũng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, không ngừng nâng cao năng lực, phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Liên hiệp cần quan tâm hơn nữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên gắn với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giúp hội viên yên tâm công tác, từ đó xây dựng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Phương Chi - Đào Quyên


  • Từ khóa