Thứ 3, 21/05/2024, 16:55[GMT+7]

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ nhật, 29/12/2019 | 06:16:49
1,029 lượt xem
Ngày 28-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT). Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự cố gắng lớn lao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức toàn ngành TT-TT trong năm 2019, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Nhắc lại việc đưa ra nhiều chỉ tiêu tại Hội nghị tổng kết năm 2018, Thủ tướng cho rằng, năm 2019, kiểm điểm lại thì thấy Bộ TT-TT có nhiều tiến bộ, đã “giữ lời nói đi đôi với việc làm”. Ngành đã vượt qua nhiều thách thức, nhất là cạnh tranh nhân tài và công nghệ hay các thách thức về bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng… Tuy vậy, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại mà Bộ TT-TT cần nghiêm túc nhìn nhận để có giải pháp khắc phục.

Thủ tướng nêu rõ, đất nước ta phải tìm cho mình đôi cánh, chọn cho mình con đường tiến lên hiện đại theo định hướng XHCN, hiện thực hóa khát vọng hùng cường vào năm 2045. Đó có lẽ phải là đường bay chứ không phải lối mòn. Muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ số, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ TT-TT có trách nhiệm lớn lao, góp phần mang vinh quang cho Tổ quốc. Có thể nói TT-TT được ví như “mặt trận không bao giờ im tiếng súng”.

Những dòng chảy liên tục của thông tin đã đem lại những tác động phong phú đến đời sống tinh thần, tình cảm của gần 100 triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước, cùng với đó là sự đấu tranh không khoan nhượng trên mặt trận thông tin, giữa thật và giả, giữa tiêu cực và tích cực. Thủ tướng yêu cầu cán bộ ngành TT-TT phải là những người luôn giữ “cái đầu lạnh và một trái tim hồng”.

Năm 2020, chúng ta tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng cho rằng Bộ TT-TT phải chỉ đạo các DN trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cụ chuyển đổi số. 100% hệ thống CNTT của Chính phủ điện tử (CPĐT) phải có trung tâm giám sát an ninh mạng. Bên cạnh đó, thứ hạng CPĐT của Việt Nam còn khiêm tốn, Bộ TT-TT có nhiệm vụ đưa thứ hạng này tăng lên. Năm 2020, chúng ta sẽ đăng cai tổ chức triển lãm số thế giới, sự kiện công nghệ số lớn nhất thế giới, do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) thuộc Liên hợp quốc tổ chức với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia. Thủ tướng yêu cầu Bộ TT-TT tổ chức tốt sự kiện này.

Về lĩnh vực bưu chính, chuyển phát, phải xây dựng mạng lưới chuyển sâu rộng tới từng hộ gia đình, tạo nền tảng cho thương mại điện tử phát triển. Với lĩnh vực viễn thông, thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam bước đầu thành công, đây là một thắng lợi cần phổ cập rộng rãi. Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của Bộ TT-TT về tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông lên công nghệ mới, để 100% người dân Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh, bổ sung tần số 4G để nâng cao chất lượng mạng lưới. Kiên quyết xử lý tình trạng sim rác, tin nhắn rác.

Bộ TT-TT phải làm tốt vai trò điều phối thống nhất về phát triển CPĐT trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành và địa phương. Ngay từ đầu năm, Bộ TT-TT phải xây dựng chiến lược CPĐT vì chúng ta xác định đây là một chặng đường dài, xuyên qua nhiều nhiệm kỳ, cần có sự xuyên suốt. Hiện nay, đô thị thông minh phát triển nở rộ, Bộ TT-TT phải sơ kết chương trình đô thị thông minh ứng dụng CNTT, nhất là trung tâm giám sát điều hành, từ đó có hướng dẫn triển khai, tránh việc làm theo phong trào, kém hiệu quả, lãng phí.

Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện, Thủ tướng quyết định ban hành Đề án chuyển đổi số quốc gia, trên cơ sở đó các bộ, ngành và tỉnh, thành ban hành chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực, địa phương, DN. Bộ TT-TT phải đi đầu về chuyển đổi số các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí, truyền thông.

Về vấn đề an toàn, an ninh mạng (AT-ANM), Thủ tướng nhấn mạnh đây là điều kiện tiên quyết của CPĐT, chuyển đổi số. Bảo vệ AT-ANM chính là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Trung tâm Quốc gia về giám sát an toàn thông tin không gian mạng phải được tiếp tục đầu tư để đủ năng lực giám sát, phân tích, dự báo tình hình trên không gian mạng, kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu độc, bảo đảm một không gian mạng lành mạnh, tích cực. “Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ. Các DN công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông phải đi đầu trong chiến lược “Make in Vietnam”. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bộ TT-TT tạo mọi điều kiện cho các DN sản xuất, phổ cập thiết bị 5G. Bộ cần đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu chính sách 4.0 mà Bộ trưởng đã ký với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Về báo chí, truyền thông, Thủ tướng nêu rõ báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo nên sự đồng thuận và niềm tin xã hội, đặc biệt tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Thực hiện nghiêm túc, chủ động Quy hoạch Báo chí đã được phê duyệt, không được lùi thời gian, cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch. Hệ thống thông tin cơ sở như loa phường, xã, thậm chí tuyên truyền miệng, được xem là hệ thống tuyên truyền lớn nhất, hiệu quả nhất. Bộ TT-TT cần có đề án và chỉ đạo đổi mới công nghệ của hệ thống này.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đều biết “4 con hổ” là biểu tượng của sự trỗi dậy của châu Á. Việt Nam có thể là một biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm của chúng ta. Vậy sau “4 con hổ, liệu Việt Nam có trở thành con hổ thứ 5 hay không?”, câu trả lời là có thể. Thủ tướng nhấn mạnh: đất nước ta phải tìm cho mình đôi cánh, chọn cho mình con đường tiến lên hiện đại theo định hướng XHCN, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng vào năm 2045. Đó có lẽ phải là đường bay chứ không phải lối mòn. Đó cũng là một lý do để Chính phủ coi kinh tế số là động lực phát triển quan trọng, đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển.

« Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng các học viên tại Lễ khởi động Chương trình đào tạo 100 chuyên gia CPĐT. Chương trình có ba mục tiêu chính: trang bị cho các học viên kiến thức chuyên sâu về CNTT và bài học kinh nghiệm hay về triển khai CPĐT trên thế giới và Việt Nam. Mỗi học viên sẽ được tham gia chương trình đào tạo thống nhất, thường xuyên, liên tục trong nhiều năm để trở thành những chuyên gia về CPĐT đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra ở bộ, ngành, địa phương mình. 100 chuyên gia tham gia chương trình sẽ hình thành một mạng lưới chuyên gia CPĐT từ T.Ư đến địa phương bởi tri thức trao đổi giữa các chuyên gia sẽ không tăng theo cấp số cộng mà tăng theo cấp số nhân. Như vậy, tri thức của mạng lưới 100 chuyên gia CPĐT tham gia chương trình này sẽ tương đương với tri thức của 10 nghìn chuyên gia. Đây chính là lợi ích lớn nhất mà chương trình đem lại. Các bài giảng của chương trình đào tạo được chia sẻ lên trang thông tin mạng của Trung tâm Một cửa hỗ trợ triển khai CPĐT tại địa chỉ "egov.mic.gov.vn". 

Bộ TT-TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các DN viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone). Hiện Viettel đã chính thức thử nghiệm công nghệ này tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. VNPT, MobiFone đã triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị 5G thử nghiệm thực địa và thử nghiệm trong năm 2019. Bộ chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các DN vào năm 2020. Như vậy, Việt Nam là một trong các nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G. 


Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày