Thứ 4, 03/07/2024, 15:25[GMT+7]

Nông nghiệp Thái Bình phát huy truyền thống, đổi mới, hội nhập để phát triển

Thứ 3, 31/03/2020 | 08:51:20
8,436 lượt xem
Trong lịch sử, Thái Bình tự hào là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Thái Bình có những bước tiến vững chắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh và bền vững.

Những năm gần đây, năng suất lúa của Thái Bình đạt ổn định trên 130 tạ/ha.

Dòng chảy lịch sử

Theo các nguồn sử liệu thì vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất, nhiều vùng đất nay thuộc tỉnh Thái Bình đã khá sầm uất với các lớp cư dân sinh sống chủ yếu nhờ gieo cấy lúa nước và đánh bắt thủy hải sản. Việc quai đê, đắp đập, khơi ngòi, đào mương máng, dựng kè cống đã thay thế cho phương thức sản xuất trồng lúa nước dựa vào sự lên xuống của thủy triều hết sức thụ động ở buổi sơ khai. Để tăng cường chất đất, người nông dân Thái Bình từ lâu đã biết tận dụng nhiều nguồn phân bón cùng với kỹ thuật làm ải, bừa tơi để cấy lúa cho năng suất cao. Đặc biệt, nhiều địa phương ở Thái Bình nổi tiếng với việc phát triển, nuôi cấy một nguồn phân bón tạo được nhiều chất màu cho đất, lại thích hợp cho cây lúa. Đó là kỹ thuật gây chọn, nhân giống bèo hoa dâu ở các làng: La Vân (Quỳnh Phụ), Bích Du (Thái Thụy), Búng (Vũ Thư)... Kết quả của sự cần cù, sáng tạo trong lao động, đặc biệt trong truyền thống thâm canh lúa nước đã biến vùng đất hoang sơ Thái Bình xưa kia thành vựa lúa của cả nước. 

Trong suốt chiều dài lịch sử thời kỳ phong kiến, Thái Bình luôn được chọn làm kho lương thực bảo đảm quân lương cho quân đội, là căn cứ quân sự vững mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thái Bình là hậu phương vững chắc với khẩu hiệu “thóc thừa cân, quân vượt mức”. Năm 1966, Thái Bình là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt năng suất lúa 5,044 tấn/ha, ghi mốc son trong trang sử vàng của ngành Nông nghiệp Thái Bình. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, phấn đấu đưa Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn coi sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu, phát động cao trào thi đua lao động sản xuất giỏi, trên các cánh đồng đều dựng lên khẩu hiệu: “Cánh đồng 5 tấn chống Mỹ”, “Dũng sĩ 5 tấn”. Nhờ đó, năng suất lúa liên tục tăng, trong 10 năm (1965 - 1974) Thái Bình đã đóng góp cho trung ương 464.663 tấn lương thực, vượt kế hoạch được giao. Sau chiến tranh (giai đoạn 1975 - 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, với phương châm phát triển sản xuất “từ đất và sức lao động đi ra, từ lúa và lợn đi lên”, Đảng bộ Thái Bình đã phát huy sức mạnh tổng hợp, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Toàn tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý HTX nông nghiệp song song với đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thời kỳ này, Thái Bình đã tạo thêm một bước chuyển mới trong thâm canh tăng năng suất cây trồng, đặc biệt là thâm canh cây lúa, mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất. Đến năm 1985, năng suất lúa toàn tỉnh tăng lên 7 tấn/ha. 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự cố gắng của nhân dân nên nông nghiệp, nông thôn Thái Bình có bước phát triển vượt bậc và đạt được những mốc son mới. Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm đổi mới cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. 

Những năm gần đây, năng suất lúa của Thái Bình đạt ổn định trên 130 tạ/ha, luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước, sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng cánh đồng mẫu, tích tụ ruộng đất và quy hoạch những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ triển khai có hiệu quả ở nhiều địa phương với các loại rau màu cho giá trị kinh tế cao như: bí xanh, dưa chuột, dưa lê, cà chua, ớt, ngô ngọt, cây dược liệu, cây ăn quả...

Chăn nuôi phát triển theo hướng mô hình trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Thủy sản phát triển toàn diện cả nuôi trồng, khai thác và chế biến; quy mô sản lượng tăng vượt bậc; từ sản xuất nhỏ trở thành một trong những mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Các hình thức nuôi thủy sản tập trung, bán thâm canh, thâm canh khá phổ biến; đặc biệt, nuôi ngao của các xã ven biển ở trình độ khá cao, sản lượng ngao nuôi đạt trên 70.000 tấn/năm, lớn nhất cả nước và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh. Khai thác thủy sản chuyển biến mạnh từ khai thác ven bờ sang khai thác tầm trung và xa bờ. Một loạt phương tiện khai thác được đóng mới và trang bị ngư cụ hiện đại đã mở rộng ngư trường, nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Năm 2025, Thái Bình phấn đấu cơ giới hóa toàn bộ các khâu sản xuất.

Tiếp tục chuyển mình

Để tiếp tục phát huy truyền thống, góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh, giải pháp trọng tâm thời gian tới là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đổi mới cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Thực hiện sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm phát triển sản xuất trồng trọt theo chiều sâu, có quy mô lớn để tăng giá trị, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ để phát triển cây màu, cây vụ đông; giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu có giá trị cao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật như chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn VietGAHP, liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu. Tổ chức triển khai có hiệu quả đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Trên lĩnh vực thủy sản, phát triển nuôi trồng theo hướng tăng trưởng cao, bền vững; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung. Duy trì và mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao; phát triển nuôi cá lồng theo quy hoạch; tuyên truyền, hướng dẫn người dân nuôi áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản tốt, đa dạng hóa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Ngân Huyền