Chủ nhật, 01/09/2024, 19:20[GMT+7]

Chủ động trong mùa mưa bão

Thứ 4, 22/04/2020 | 09:08:17
1,114 lượt xem
Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài khoảng 580km, trong đó có 356,3km đê trung ương, còn lại là đê bối, đê bao và đê vùng. Các tuyến đê trong tỉnh có 111 kè hộ bờ trên tuyến đê cấp I, II, III; 10 kè trên tuyến đê bối với 150km kè lát mái và trên 50 kè mỏ. Ngoài ra còn 189 cống dưới đê cấp I, II, III và hơn 50 cống dưới đê làm nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thi công tuyến đê hữu Trà Lý đoạn qua thành phố Thái Bình.

Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa, bão năm 2019, toàn tỉnh đã tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, xử lý cấp bách với tổng chiều dài được cứng hóa khoảng 36,8km đê; 0,14km mái kè; khoan phụt vữa gần 2km đê; xử lý ẩn họa thân đê bằng công nghệ mới được 10km; phát quang 35.000m2 mái đê; thay thế, bổ sung 909 biển báo hạn chế tải trọng, cột km; tu sửa 1 kho chống lụt, bão; sửa chữa 10 điếm canh đê, 4,3km kè, 3 cống qua đê. Ngoài ra còn 17 dự án đang triển khai thi công với tổng chiều dài 49,45km đê, 2,35km kè và 4 cống qua đê. Bên cạnh việc tu bổ, sửa chữa đê điều, các địa phương trong tỉnh còn thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn 49 vụ vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai; xử lý 25 vụ; đặc biệt, đã xử lý thêm 17 vụ vi phạm tồn đọng từ những năm trước.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, năm 2019 Thái Bình chịu ảnh hưởng của hoàn lưu hai cơn bão số 2 và số 3. Tổng lượng mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 các nơi từ 830 - 1.140mm, thấp hơn trung bình nhiều năm. Năm 2019 là năm ít lũ, lũ đến muộn và kết thúc sớm so với quy luật nhiều năm; tháng 5 không xuất hiện lũ tiểu mãn. Mực nước trên các sông chủ yếu dao động theo thủy triều, ít thay đổi; đầu tháng 8 chỉ xảy ra 1 đợt lũ nhỏ... Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2 và bão số 3 nhưng có thiệt hại do sét đánh làm 5.660 con gia cầm bị chết, một số máy móc và trang thiết bị phục vụ chăn nuôi bị hư hỏng.

Ông Nguyễn Bảo Khương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết: Hiện nay đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão, để ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành công tác đắp đê, làm kè, xây sửa cống bảo đảm khối lượng, chất lượng và thời gian quy định, kịp thời phục vụ công tác PCTT. Kiên quyết giữ vững hệ thống đê sông ở mực nước lũ thiết kế; hệ thống đê cửa sông và đê biển bảo đảm chống với bão cấp 10, triều trung bình. Tích cực, chủ động đề phòng những đợt lũ lớn, những cơn bão mạnh đổ bộ vào và phải có phương án đối phó với trường hợp bất lợi nhất là lũ, bão trùng hợp xảy ra. Trường hợp bão đổ bộ trong điều kiện triều cường phải có phương án chống tràn hạ du các tuyến đê sông, đê cửa sông. Chủ động phòng tránh, tiêu úng cho lúa mùa và các cây trồng, vật nuôi khác ở mức cao nhất. Giải quyết khắc phục hậu quả của lũ, bão, thiên tai nhanh chóng, kịp thời. Quán triệt cán bộ và nhân dân nắm vững phương châm “4 tại chỗ” để “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, xác định các trọng điểm xung yếu của đê điều, xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, giao cho các địa phương tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố cần chủ động kiểm tra, phân loại các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu; xây dựng phương án hộ đê; tổ chức xử lý các sự cố của đê điều kịp thời, bảo đảm an toàn trong lũ, bão. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập lực lượng canh coi, cừ sách, xung kích, ứng cứu, bơi lặn, cứu thương đủ tiêu chuẩn, bảo đảm số lượng, chất lượng và chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng trong nhân dân theo quy định của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh...

Phạm Hưng