Thứ 6, 03/05/2024, 15:13[GMT+7]

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Thứ 3, 28/04/2020 | 19:00:56
7,516 lượt xem
Chiều ngày 28/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thảo luận một số nội dung quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 2804-thoiA-_ban_thuong_vu_mixdown.mp3

Các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy dự hội nghị.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường và cầu qua sông Luộc kết nối huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; kế hoạch triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐTTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. 

Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng việc đầu tư tuyến đường và cầu qua sông Luộc kết nối huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là rất cần thiết, giúp rút ngắn hành trình cho các xe lưu thông từ huyện Quỳnh Phụ đi thành phố Hà Nội và huyện Ninh Giang đi thành phố Hải Phòng; tạo thành tuyến giao thông kết nối liên thông từ quốc lộ 10 đến quốc lộ 37, giúp phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Thái Bình và Hải Dương nói chung, huyện Quỳnh Phụ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương nói riêng; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tạo ra không gian phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị trên địa bàn hai tỉnh. 

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đây là một trong những nội dung nằm trong chương trình giao kết hợp tác giữa tỉnh Thái Bình và tỉnh Hải Dương ký đầu năm 2020. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường và cầu qua sông Luộc kết nối Thái Bình với Hải Dương sẽ đánh thức tiềm năng, lợi thế phía Nam, Tây Nam của huyện Quỳnh Phụ và phía Bắc, Đông Bắc của huyện Ninh Giang. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về hướng tuyến theo phương án 1 mà đơn vị tư vấn báo cáo. Theo đó, điểm đầu tuyến đường sẽ kết nối với đường tỉnh 396 của Hải Dương, điểm cuối kéo dài tới quốc lộ 10 trên địa phận Thái Bình. Tổng chiều dài của tuyến đường và cầu khoảng 11,5km (trong đó trên đất Hải Dương khoảng 2,5km, trên đất Thái Bình khoảng 9km) với quy mô đường cấp III đồng bằng. Khi cắm chỉ giới giao thông cần tính toán khoảng lưu không để khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ và trong tương lai có thể nâng cấp lên đường cấp II đồng bằng. Việc chọn hướng tuyến này sẽ hạn chế việc thu hồi đất khu dân cư giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư. Về kiến trúc cây cầu phải bảo đảm độ cao để các phương tiện đường thủy lưu thông thuận lợi. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp công tư. Về phân định vốn đầu tư, tỉnh sẽ đàm phán với phía Hải Dương để phân bổ sau khi hoàn thiện dự án đầu tư. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch tuyến đường kết nối tỉnh Thái Bình với tỉnh Hải Dương và cầu qua sông Luộc vào mạng lưới giao thông của tỉnh; đồng thời, trao đổi với tỉnh Hải Dương để bổ sung quy hoạch tuyến đường này và cầu qua sông Luộc vào quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh Hải Dương; rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ nay đến năm 2022 đối với tuyến đường và cầu, sớm hoàn thiện dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với UBND tỉnh, các ngành thẩm định dự án đầu tư tuyến đường và cầu qua sông Luộc để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.

Về kế hoạch triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định đây là chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước hỗ trợ những người yếu thế bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19 gây ra và là chính sách thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Chính sách này đang được người dân đặc biệt quan tâm, nhất là những người nằm trong nhóm đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với kế hoạch triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của UBND tỉnh, yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện; song việc hỗ trợ phải rất thận trọng, bảo đảm tất cả các đối tượng theo quy định được hỗ trợ, không để sót đối tượng nhưng cũng không hỗ trợ trùng đối tượng, không để xảy ra việc trục lợi chính sách hỗ trợ. Nếu địa phương, đơn vị, cán bộ nào vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về đối tượng, quy trình, thủ tục như đề xuất của UBND tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn, các ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở phải chịu trách nhiệm rà soát, thống kê chính xác về số lượng các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Niêm yết công khai danh sách các đối tượng được hỗ trợ tại cơ sở để nhân dân giám sát trong quá trình thực hiện. Làm tốt công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thông báo công khai đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ, hướng dẫn quy trình, thủ tục làm hồ sơ để toàn dân biết. Đối với nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiến hành hỗ trợ 1 lần. Với nhóm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm thì phân kỳ để hỗ trợ. Từ tỉnh đến cơ sở thành lập ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bảo đảm công khai, minh bạch.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận về các nội dung: báo cáo nội dung triển khai thực hiện quy định số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung một số quy định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố và những đối tượng khác hưởng phụ cấp công tác ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; báo cáo về việc thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với cán bộ xã, phường, thị trấn thôi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp, tinh gọn bộ máy. 

Sau khi các đại biểu thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về số lượng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh như sau: đối với cấp xã loại I bố trí không quá 22 người, cấp xã loại II bố trí không quá 21 người, cấp xã loại III bố trí không quá 18 người. Về chức danh công chức cấp xã, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất như báo cáo đề xuất của UBND tỉnh. Về số lượng phó chủ tịch cấp xã bố trí cấp xã loại I là 2 người; cấp xã loại II, loại III là 1 người. Về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và các đối tượng khác được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật chuyên ngành công tác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất bố trí không quá 15 chức danh, giảm 3 chức danh so với quy định tại Nghị quyết số 25/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Trong đó, không quy định 4 chức danh: phó trưởng công an xã, công an viên thường trực ở xã, trưởng và phó trưởng ban bảo vệ dân phố ở phường, thị trấn là người hoạt động không chuyên trách; bố trí lại chức danh phó trưởng ban tuyên giáo trực tiếp làm báo cáo viên thuộc chức danh người hoạt động không chuyên trách. Về mức phụ cấp những đối tượng này, thống nhất như báo cáo đề xuất của UBND tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với cán bộ xã, phường, thị trấn thôi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 thực hiện theo Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức Trung ương về một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Về cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, thống nhất như báo cáo đề xuất của UBND tỉnh. Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp, tinh gọn bộ máy chưa thực hiện, chờ có quy định, hướng dẫn cụ thể của trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo các ban thẩm định các nội dung Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã báo cáo tại hội nghị này để trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, làm cơ sở triển khai thực hiện. 

Tại kỳ họp ngày 28/4/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận một số nội dung về công tác cán bộ và quyết nghị:

1. Đồng ý bổ nhiệm đồng chí Vũ Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải giữ chức vụ Giám đốc Sở Giao thông Vận tải. 

2. Đồng ý điều động đồng chí Bùi Đức Hoàng, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy đến nhận công tác tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh để bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. 

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn thảo luận, thống nhất một số chủ trương về công tác cán bộ. 

Nguyễn Hình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày