Thứ 6, 03/05/2024, 16:39[GMT+7]

Vũ Thư: Ô nhiễm môi trường do chăn nuôi có chiều hướng gia tăng

Thứ 2, 14/09/2020 | 08:38:13
3,202 lượt xem
Là huyện thuần nông, những năm qua, cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Vũ Thư.

Nhiều hộ chăn nuôi trong khu dân cư nhưng chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường.

Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi cũng gây ra những áp lực không nhỏ về bảo vệ môi trường đất, nước, không khí. Với quy mô, công nghệ chăn nuôi hầu hết còn nhỏ lẻ, lạc hậu, nhận thức của chủ cơ sở chăn nuôi chưa tốt đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi ngày càng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, thôn Mỹ Lộc, xã Việt Hùng thường xuyên nuôi 7 - 10 con bò, bê, lợn nái và đàn ngỗng, vịt khoảng 100 con. Khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông nằm liền kề khu dân cư, mặc dù đã được xây tường bao cổng dậu kín nhưng đến gần vẫn có mùi hôi nồng của phân bò, phân vịt. 

Ông Bảy chia sẻ: Mặc dù biết hoạt động chăn nuôi của gia đình có gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng các hộ dân xung quanh nhưng trước nay tôi chỉ biết dọn sạch phân trong chuồng ủ vào góc vườn để làm phân bón chứ cũng không biết cách nào xử lý triệt để mùi hôi do chăn nuôi. Vừa qua, Ban Chăn nuôi và Thú y xã đã tập huấn và hướng dẫn, chuyển giao cho gia đình tôi và bà con cách sử dụng chế phẩm làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi bò. Tôi hy vọng phương pháp này sẽ xử lý được ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Ông Hồ Trọng Luật, thôn Thuận An, xã Việt Thuận cho biết: Gia đình tôi ở cạnh một trang trại chăn nuôi (quy mô vài trăm con lợn) và nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xung quanh. Tôi thấy chất thải chăn nuôi ở các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi ở địa phương chưa được xử lý nhưng vẫn được thải xuống cống rãnh, sông ngòi gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Vào mùa hè, mùi hôi từ các trang trại, hộ chăn nuôi này bốc ra rất ngột ngạt. Nhà tôi phải đóng cửa cả ngày vì mở ra là mùi hôi thối thộc vào, không thể chịu được. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. 

Ông Hồ Trọng Hiến, Trưởng thôn Thuận An cho biết: Địa bàn thôn có khoảng 40 hộ chăn nuôi, trong đó có 11 hộ chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại ở khu vực chuyển đổi, cách xa khu dân cư 500 - 600m; còn lại là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xen kẹp trong địa bàn dân cư. Thực tế cho thấy các hộ chăn nuôi chưa thực sự chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Nhiều hộ xả thẳng chất thải chăn nuôi ra các kênh dẫn nước, cống máng của thôn hoặc đổ thẳng ra sông Hồng - là nguồn nước đầu vào của một số nhà máy nước sạch. Mùi hôi thối, khí thải từ hoạt động chăn nuôi cũng gây bức xúc cho các hộ dân xung quanh. Tôi cho rằng cần siết chặt quản lý, có chế tài xử phạt nặng hơn với các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Văn Lưỡng, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Những năm qua, xã thường xuyên chỉ đạo Ban Chăn nuôi và Thú y xã phối hợp với Hội Nông dân và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại, xây dựng hầm biogas bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật để xử lý phân, chất thải chăn nuôi. Vận động các hộ chăn nuôi thường xuyên xịt rửa, dọn vệ sinh và rắc vôi, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi. Hiện toàn xã có 169/173 gia đình (đạt 97,7%) có hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư bảo đảm vệ sinh môi trường; 4/4 trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư tập trung không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng ô nhiễm khí thải từ hoạt động chăn nuôi chưa được xử lý triệt để.

Huyện Vũ Thư hiện có 108 trang trại, trong đó có 86 trang trại chăn nuôi lợn, 6 trang trại chăn nuôi gia cầm, 3 trang trại chăn nuôi trâu, bò, 13 trang trại tổng hợp và trên 3.500 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổng đàn lợn toàn huyện đạt trên 50.000 con, đàn gia cầm trên 1.474.000 con; đàn trâu, bò trên 8.300 con. 

Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và hướng đến nông thôn mới nâng cao, những năm qua, huyện và các địa phương đã tuyên truyền, vận động, đôn đốc, chấn chỉnh các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm việc giữ gìn, bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi. Huyện khuyến khích các trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đến nay có 386 hộ chăn nuôi lợn và 1 trang trại chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VietGAP, 14 trang trại lợn được cấp chứng chỉ an toàn dịch bệnh. Hầu hết các gia trại, trang trại, cơ sở chăn nuôi đã có hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi; nhiều địa phương chú trọng kêu gọi kinh phí tài trợ đầu tư, hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng hầm biogas như Bách Thuận, Hồng Lý... góp phần tích cực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện ngày càng có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính do nhận thức, ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế trong khi việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi chưa được chú trọng. Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất chăn nuôi của địa phương hiện nay như chuồng trại, ao, bể chứa chất thải chăn nuôi... cơ bản kém, lạc hậu; công nghệ, kỹ thuật trong chăn nuôi lạc hậu, không thể xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài các cơ sở chăn nuôi được quy hoạch xa khu dân cư thì còn nhiều gia trại, hộ chăn nuôi vẫn duy trì hoạt động chăn nuôi đan xen trong khu dân cư nên khó tránh khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra. Thời gian tới, huyện tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, trong đó song song với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở chăn nuôi, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan như Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, quyết liệt hơn để bảo vệ, giữ gìn môi trường trong sạch, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày