Thứ 5, 25/07/2024, 03:11[GMT+7]

Những chuyến xe không nghỉ

Thứ 2, 14/09/2020 | 09:19:37
765 lượt xem

Trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát, cũng như đội ngũ cán bộ y tế làm việc tại các khu cách ly, điều trị..., những người làm nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu (Trung tâm Cấp cứu 115) cũng thêm nhiều vất vả vì phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa vận chuyển cấp cứu hàng ngày vừa vận chuyển người nghi nhiễm, người nhiễm Covid-19 tới khu cách ly tập trung và các bệnh viện điều trị. Cường độ làm việc cao, đi về như con thoi, đôi khi không có cả thời gian nghỉ ngơi, ăn uống... song họ vẫn luôn cố gắng kịp chuyến, kịp giờ thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối vận chuyển.

Bác sĩ Đặng Phi Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết: Ngay khi Bộ Y tế thông báo về dịch bệnh tại Vũ Hán (Trung Quốc), lãnh đạo Trung tâm đã tìm hiểu về dịch Covid-19, cảnh báo cán bộ, nhân viên y tế của Trung tâm đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Xác định Trung tâm sẽ là một trong những lực lượng đầu tiên tiếp cận người nghi nhiễm và nhiễm Covid-19 nên Trung tâm đã lên kế hoạch ứng phó từ rất sớm, tổ chức tập huấn phòng, chống dịch cho cán bộ, nhân viên; xây dựng bảng điểm sàng lọc nguy cơ; bố trí xe và phân công các kíp vận chuyển; bố trí khẩu trang, nước sát khuẩn trên các xe... nhằm thực hiện tốt công tác điều phối vận chuyển và bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế.

Ngày 1/2, chuyến xe đầu tiên xuất phát chở những người từ vùng dịch về. Dựa theo bảng điểm sàng lọc nguy cơ đã xây dựng sẵn, những trường hợp nguy cơ cao được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Dù đã sàng lọc nhưng ai cũng có thể là F0. Do đó, cán bộ Trung tâm đều tuân thủ đúng quy trình phòng, chống dịch. Ngoài quần áo bảo hộ, găng tay y tế, 14 chiếc xe vận chuyển thường xuyên được phun khử khuẩn và chiếu đèn cực tím. Những ngày sau đó, liên tiếp những chuyến xe chở người từ cửa khẩu, sân bay, cầu cảng, từ các địa phương có dịch về các khu cách ly tập trung, bệnh viện. Lộ trình không được định sẵn, những chuyến xe vận chuyển luôn trong trạng thái sẵn sàng khởi hành dù là ngày hay đêm. Vì thế, cán bộ Trung tâm luôn trong tâm thế trực sẵn sàng lên đường. Ngày cao điểm, Trung tâm vận chuyển 212 người đã từng ở ổ dịch Bạch Mai (Hà Nội) về. Những chiếc xe vận chuyển hoạt động liên tục từ sáng đến đêm đồng nghĩa hơn 40 cán bộ Trung tâm cũng phải bắt nhịp với guồng quay. Sức ép lớn bởi số lượng vận chuyển đông. Thêm vào đó là thời tiết nắng nóng nhưng trên xe không được bật điều hòa. Lái xe, cán bộ y tế mệt nhoài vì chạy xe với cường độ liên tục.

Điều dưỡng Hà Thị Bảo Yến chia sẻ: Thời điểm đón những người ở Bạch Mai về bệnh viện, các khu cách ly là căng thẳng nhất. Ngoài việc liên hệ với các địa phương, gia đình có người đi cách ly, cơ sở tiếp nhận cách ly, việc chờ đợi người cách ly mất nhiều thời gian. Có người hợp tác, song cũng có người không hợp tác, viện nhiều lý do để trì hoãn đi cách ly, chỉ đến khi lực lượng công an vào cuộc mới lên xe. Chưa kể có những chuyến đón chuyên gia nước ngoài từ Móng Cái, Lạng Sơn về, chúng tôi phải đi từ 3 giờ sáng, chờ mọi người làm thủ tục về đến nhà cũng 19 giờ; trong quá trình di chuyển, không ai dám cởi đồ bảo hộ. Khi vận chuyển người nghi nhiễm, nhiễm Covid-19 chúng tôi phải thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của từng người bởi xe vận chuyển có cả trường hợp mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp... Nếu có dấu hiệu sức khỏe không ổn, cán bộ y tế sẽ trực tiếp xuống kiểm tra, khoảng cách tiếp xúc gần nên nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu không may có người dương tính với SARS-CoV-2. Ai cũng ý thức phải phòng dịch cẩn thận bởi chỉ nếu 1 người bị lây nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cả cơ quan, việc vận chuyển sẽ bị gián đoạn. Khi về đến nhà cũng phải chủ động cách ly với mọi người trong gia đình.

Cán bộ Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển người từ vùng có dịch về  đi cách ly tập trung.

Điều dưỡng trưởng Trần Quý Ban chia sẻ: Trong quá trình vận chuyển người nhiễm, nghi nhiễm không được ngừng, nghỉ dọc đường, chỉ đến khi hoàn thành nhiệm vụ mới được cởi đồ bảo hộ, ăn uống, vệ sinh cá nhân... Chưa kể thời điểm mua quần áo bảo hộ khó khăn, không có cỡ lớn trong khi đó có những cán bộ cao khoảng 1,8m mặc rất chật chội, bức bí.

Khó có thể nói hết được những khó khăn, vất vả của những người vận chuyển trong dịch Covid-19. Vượt lên mọi khó khăn, họ vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thực hiện hơn 1.700 chuyến xe vận chuyển cấp cứu, gần 400 chuyến chở người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19.

Dịch bệnh chưa kết thúc, cán bộ Trung tâm Cấp cứu 115 tỉnh vẫn đang thực hiện nhiệm vụ kép vừa vận chuyển cấp cứu vừa vận chuyển người nhiễm, nghi nhiễm. Niềm vui với họ là được chở những người đã được điều trị khỏi, những người hết thời gian cách ly trở về nhà và mong muốn lớn nhất của họ là dịch bệnh sớm qua đi.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày