Thứ 6, 31/05/2024, 00:32[GMT+7]

Rà soát và bóc gỡ mã độc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Thứ 5, 08/10/2020 | 08:26:33
1,435 lượt xem

Ảnh minh họa.

Internet được cung cấp vào Việt Nam từ năm 1997, sử dụng phiên bản địa chỉ IPv4 (Internet Protocol Version 4) đến nay nguồn đã cạn kiệt, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc phát triển nhiều loại hình dịch vụ mới, hiện đại. Theo nghiên cứu của các hãng bảo mật, thời gian gần đây, tình trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam tuy có giảm hơn song vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới. Số liệu thực tế cho thấy, Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4, trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế, 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma) lớn.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2020 đã xác định rõ: “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế”.

Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (National Cyber Security Center - NCSC Vietnam) phối hợp, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong Liên minh phòng chống mã độc và xử lý tấn công mạng tổ chức nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ lây nhiễm mã độc cho Việt Nam. Chiến dịch vì cộng đồng, cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc, bảo đảm ATTT mạng được triển khai trên toàn bộ không gian mạng và người dùng internet Việt Nam, trong đó chủ yếu phục vụ khối doanh nghiệp tư nhân và hệ thống mạng, thiết bị tại các hộ gia đình, đây là nhóm đối tượng chiếm phần lớn số lượng địa chỉ IP trên. Chiến dịch cũng góp phần cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trong giai đoạn chuyển đổi số và hội nhập.

Thời gian qua, Thái Bình là một trong những địa phương chú trọng đầu tư phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hiệu quả hoạt động, điều hành của chính quyền điện tử. Trong đó, công tác bảo đảm ATTT được đặc biệt quan tâm. Cùng với việc đưa Trung tâm điều hành an toàn, an ninh thông tin (SOC) và Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng tỉnh Thái Bình vào hoạt động, công tác diễn tập ứng phó sự cố ATTT mạng được tổ chức thường niên. Đặc biệt, năm 2019, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh, Cục ATTT và Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình phối hợp tổ chức hội thảo, diễn tập chủ đề về chính phủ số, giải pháp triển khai kết nối liên thông và bảo đảm ATTT cho các hệ thống của tỉnh Thái Bình. Chương trình thu hút sự tham gia của sở thông tin và truyền thông 37 tỉnh, thành phố, chi cục văn thư lưu trữ 7 tỉnh. Theo Cục ATTT, Thái Bình cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về việc chủ động chia sẻ và xử lý mã độc. Thông qua Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, riêng trong tháng 8/2020, Thái Bình đã có 21.214 máy tính chia sẻ dữ liệu mã độc, xếp cao nhất trong trong tổng số 97.851 máy toàn quốc. Qua đó, giúp hệ thống máy tính trong tỉnh được hỗ trợ kỹ thuật, xử lý kịp thời các tình huống mất ATTT, nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại, xâm nhập, đánh cắp, phát tán dữ liệu.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sau khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã ra công văn phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chiến dịch, đặc biệt khuyến khích cá nhân, tổ chức sử dụng công cụ miễn phí trong thời gian triển khai chiến dịch nhằm loại bỏ, xử lý mã độc trên máy tính, thiết bị của cơ quan và cá nhân. Cùng với đó, cán bộ, nhân viên kỹ thuật SOC và Đội ứng cứu sự cố ATTT mạng Thái Bình đã tích cực, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục ATTT bảo vệ tuyệt đối ATTT. Chiến dịch đã và đang triển khai từng bước, chắc chắn sẽ mang lại kết quả khả quan với mục tiêu hướng đến việc giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc và giảm 50% địa chỉ IP nằm trong 10 mạng botnet phổ biến. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trước một loạt các sự kiện lớn của tỉnh và của đất nước trong thời gian tới.

Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” được triển khai trên diện rộng, các phần mềm phòng, chống mã độc sẽ được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí qua website: https://khonggianmang.vn. Thông tin chi tiết của chiến dịch xem tại: https://khonggianmang.vn/chiendich2020.

Trịnh Cường 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày