Chủ nhật, 11/08/2024, 02:16[GMT+7]

THUỐC ÔN TRỊ THỐNG

Chủ nhật, 15/08/2010 | 11:09:17
1,849 lượt xem
Có một loại cây thảo mộc rất thân thuộc với người dân quê, đôi khi được trồng làm giậu ngăn cách vừa có màu xanh lại vừa có hoa đẹp. Thế nhưng, ít ai biết, đó lại là loại cây dược liệu quý chữa các chứng đau (thống) như đau nhức mắt, đau nhức hai bên thái dương, chữa các chứng cảm mạo và tối tăm mặt mũi. Ấy là cây Màn kinh tử, trong dân gian còn gọi là kinh tử, vạn kim tử, quan âm, thuốc kinh, thuốc ôn, đẹn ba lá.

Hoa Màn Kinh tử

Màn kinh tử có tên khoa học là vitex trifolia L. Thuộc họ Cỏ roi ngựa Verbenaceae. Màn kinh tử (Fructus Viticis) là quả chín phơi hay sấy khô của cây quan âm hay cây màn kinh, con gọi là cây thuốc ôn. Màn là mọc lan ra, kinh là gai. Đặc điểm nhận dạng: Màn kinh tử là một cây thân mộc nhỏ hay nhỡ, mùi thơm có thể cao tới 3 mét. Cành non có 4 cạnh, có lông mềm bao phủ, lá kép và thường gồm ba lá chét, có thứ chỉ có một lá chét. Trên cùng một cành nhiều khi phía trên hay phía dưới có lá đơn, chỉ gồm một lá chét. Cuống gầy hơi tròn có lông, dài 1 - 3cm, lá chét không cuống, phiến lá chét hình trứng ngược hay hình mác, dài 2,45 - 9cm, rộng 1 - 3cm, phía dưới hẹp lại. Mặt trên nhẵn, mặt dưới nhiều lông trắng. Những lá chét hai bên nhỏ hơn, gân không nổi rõ. Hoa màu lơ nhạt, dài từ 13 - 14mm, mọc thành chùy xim ở đầu cành, nhiều khi ở phía dưới có lá, quả hình bầu dục có rãnh, đầu hơi dẹt, rộng chứng 6mm, được che kín quá nửa bởi đài phát triển và tồn tại. 

 

Màn kinh tử mọc hoang ở khắp nơi trên đất nước ta, loại một lá chét rất phổ biến. Khi gió heo may "rải đồng" vào các tháng 9 - 11, lúc này quả chín, hái về phơi khô, bỏ cuống là dùng được. Quả của màn kinh tử có hình dáng đặc biệt, hình cầu đường kính 5-6mm, mặt ngoài màu nâu đỏ đen, hơi phủ lớp phấn màu trắng tro, trên đình có lỗ hơi lõm xuống, phía cuống có đài tồn tại 1/2 đến 2/3 quả, phía trên đài chia 5 hay 2 thùy. Vỏ ngoài mỏng, vỏ giữa xốp, vỏ trong màu xám vàng, chất nhẹ nhưng chắc, cắt ngang trông như có dầu, màu trắng, có bốn ngăn, mỗi ngăn một hạt. Vị đắng, mùi thơm đặc biệt. Thành phần hóa học của màn kinh tử: Có tinh dầu, trong tinh dầu có camphen, pinen 55%, ditecpen ancola và tecpenylacetat 10%. Ngoài ra, trong màn kinh tử còn có ancaloit và vitamin A.

 

 Công dụng và liều dùng. Theo tài liệu cổ, màn kinh tử vị cay, đắng, tính hơi hàn vào ba kinh can, phế và bàng quang. Có tác dụng tán phong nhiệt. Dùng chữa đầu nhức, mắt hoa, mắt đau. Hiện nay, màn kinh tử là vị thuốc có tác dụng chữa cảm mạo, sốt, nhức đầu, nhức bên thái dương, đau nhức trong mắt, mặt mũi tối tăm và có tác dụng giảm đau. Liều dùng, ngày 6 - 12 gam dưới dạng thuốc bột.

Đơn thuốc có màn kinh tử dược dùng trong nhân dân: Chữa thiên đầu thống. Màn kinh tử 10g, cam cúc hoa 8g, xuyên khung 4g, tế tân 3g, cam thảo 4g, bạch chỉ 3g cùng 600 ml nước, sắc còn 200ml chia ba lần uống trong ngày. Hoặc chỉ dùng một vị màn kinh tử: Màn kinh tử 80g, rượu một lít (40độ). Ngâm khoảng 10 ngày trở lên, uống 2 lần, mỗi lần từ 10 - 15ml. Bài thuốc làm cho tóc đen và dài: Màn kinh tử va hùng chi (mỡ gấu) hai vị bằng nhau, trộn với dấm thanh để bôi vào tóc. Chữa sưng vú: Khi mới bị, dùng màn kinh tử sao dòn, tán nhỏ, mỗi lần uống 4g hòa với rượu, gạn lấy rượu uống còn bã đắp lên vú. Lưu ý: Những người tỳ vị hư hàn không nên dùng màn kinh tử, những người mắt đỏ do bốc hỏa cũng không nên dùng. Khi dùng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc.

Bài,ảnh: LÊ QUANG VIỆN

 

  • Từ khóa