Chủ nhật, 19/05/2024, 07:43[GMT+7]

Một năm nhìn lại

Thứ 7, 02/02/2019 | 09:50:26
494 lượt xem
Năm 2018, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) đã tập trung phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh trên nhiều lĩnh vực. Toàn tỉnh đã triển khai 86 nhiệm vụ KHCN cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở và thu được những kết quả nhất định, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương.

Nông nghiệp là lĩnh vực có số nhiệm vụ và kinh phí đầu tư cao nhất từ nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN của tỉnh. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đóng góp thiết thực phục vụ cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới. Nhiều giống cây trồng mới có giá trị kinh tế đã được nghiên cứu khảo nghiệm và dự kiến đưa vào sản xuất như: giống lúa nếp A Sào; giống ngô NK 6410, NHM 1242; giống khoai tây của Hà Lan; cà chua đen; các loại dưa hấu Phù Đổng; dưa lê Kim Vương; đã ứng dụng và làm chủ được công nghệ tạo giống khoai tây từ nuôi cấy mô tế bào - công nghệ khí canh - cắt ngọn - giâm bầu, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất giống khoai tây nguyên chủng, giống xác nhận với giá thành hạ.

Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN, phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã được xây dựng như: mô hình sản xuất giống lúa chất lượng Sơn Lâm 1 theo chuỗi giá trị liên kết tạo giá trị hàng hóa của sản phẩm nông nghiệp; mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng, cà gai leo, cỏ ngọt; mô hình nuôi khảo nghiệm giống cá nheo Mỹ tại Trung tâm Giống thủy sản; bảo tồn và lưu giữ nguồn gen ngao dầu; sản xuất giống cá trắm đen mylopharyngodon piceus... Một số mô hình đang triển khai bước đầu cũng đã có kết quả nhất định.

Hoạt động KHCN trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đã được tập trung cho việc đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, tiêu biểu như: hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống co màng co tự động, phục vụ dây chuyền đóng lon công suất 50.000 lon/giờ; nghiên cứu sản xuất tapho trong nội thất xe ô tô bằng nhựa composite thay thế hàng nhập khẩu; sản xuất thanh nén từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu thay thế nhiên liệu trong sản xuất và sinh hoạt tại tỉnh; xây dựng mô hình thực nghiệm giám sát từ xa trạm đo mưa tự động theo các nguyên lý chao lật, phục vụ cảnh báo ngập lụt trên địa bàn tỉnh Thái Bình... Ngoài ra, một số nghiên cứu như: nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống gá định vị cho robot hàn, robot sơn; nghiên cứu sản xuất sữa bí đỏ trên dây chuyền sản xuất sữa gạo; ứng dụng quy trình công nghệ chế biến đồ uống từ quả bần tại vùng ven biển tỉnh Thái Bình; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại Trung tâm Hành chính công tỉnh... cũng đang được triển khai.

Kết quả của các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực y tế đã góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân với những nghiên cứu và làm chủ được nhiều công nghệ mới, thiết bị mới trong khám chữa bệnh, y tế dự phòng và trong sản xuất dược phẩm - vật tư y tế, cụ thể: ứng dụng chẩn đoán và điều trị u tuyến nước bọt mang tai bằng phẫu thuật cắt u và tuyến bảo tồn dây thần kinh số 7; nghiên cứu giá trị nội soi nhuộm màu bằng Indigocarmin 0,2% ở người bệnh viêm niêm mạc dạ dày mãn trên 29 tuổi; nghiên cứu quy trình chiết xuất, thành phần hóa học, tác dụng giảm đau, chống viêm của cây sói rừng và định hướng phát triển vùng dược liệu tại Thái Bình...

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có nghiên cứu, ứng dụng chế phẩm EM trong xử lý môi trường nước thải, môi trường nuôi gia súc, gia cầm đã phát huy khá hiệu quả trong thực tiễn sản xuất và đời sống; nghiên cứu, chế tạo lò đốt rác...
Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn đã cung cấp những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn phong phú cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trong đó nổi bật như: nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tỉnh Thái Bình; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển gắn với phát triển kinh tế biển trong khu vực phòng thủ...


Năm 2018, Công tác quản lý nhà nước về KHCN đã có nhiều đổi mới và đi vào chiều sâu, bảo đảm tuân thủ các quy định của nhà nước; góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản phẩm, hạn chế công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, bảo vệ sức khỏe, an toàn lao động, môi trường và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân đã được tăng cường và tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; nghiêm túc xử lý các sai phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của ngành.

Tuy nhiên, hoạt động KHCN vẫn chưa thể hiện được vai trò nền tảng, động lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một số cơ chế, chính sách đổi mới về KHCN triển khai còn chậm. Chưa có nhiều đề tài, dự án KHCN mang tính đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Chưa có nhiều sản phẩm, công nghệ sản xuất đạt trình độ quốc gia và khu vực. Các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN phần lớn còn trông chờ vào ngân sách nhà nước; chưa phát huy, khai thác tốt các nguồn lực khác theo hướng xã hội hóa...
Để KHCN tiếp tục phát huy thế mạnh, năm 2019 cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, tiếp tục đổi mới về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN.

Hai là, các nhiệm vụ KHCN phải phù hợp với chiến lược phát triển KHCN quốc gia giai đoạn 2015 - 2020; đề án phát triển KHCN tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng tới năm 2030; chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các nhiệm vụ KHCN phải bảo đảm giá trị khoa học và công nghệ, có tính mới, sáng tạo, tiên tiến về công nghệ và có khả năng nhân rộng mô hình sau khi nghiệm thu.

Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để không ngừng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KHCN và nâng cao năng lực hoạt động KHCN ở mọi loại hình tổ chức để đẩy nhanh việc tiếp thu, ứng dụng KHCN vào thực tiễn đời sống.
Với những kết quả đạt được trong năm 2018 và những định hướng trong năm 2019, hy vọng hoạt động KHCN của Thái Bình sẽ tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, là nền tảng để thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lê Tiến Ninh
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ)
 
 


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày