Thứ 3, 30/07/2024, 19:21[GMT+7]

Nuôi cá lồng gắn với chế biến sản phẩm hàng hóa

Thứ 2, 08/02/2021 | 08:40:43
1,481 lượt xem
Mô hình nuôi cá lồng trên sông đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, thay vì nuôi cá lồng thương phẩm cung cấp cho thị trường tự do thì gia đình chị Đỗ Thị Hạnh ở thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) đã có hướng đi mới đó là sản xuất gắn với chế biến sản phẩm hàng hóa theo quy trình khép kín.

Các sản phẩm chả cá, giò cá được chế biến từ nguồn cá tươi tại chỗ nên chất lượng bảo đảm, giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng lồng bè trên sông để nuôi cá từ năm 2018, lúc đầu gia đình chị Hạnh chỉ nuôi những giống cá truyền thống như trắm, chép. Do áp dụng phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, thức ăn của cá hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu sạch tự nhiên như cỏ, cám gạo nên thời gian sinh trưởng, phát triển của cá chậm hơn, thường chỉ nuôi được từ 1 - 2 vụ mỗi năm, thời gian thu hồi vốn cũng lâu hơn. Chính vì vậy, chị Hạnh đã tìm hiểu và nuôi thêm các giống cá đặc sản như cá lăng, cá hô, cá diêu hồng, cá koi, đặc biệt là nuôi thử nghiệm giống cá tra, bởi đây là những giống cá sinh trưởng, phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống cá truyền thống. Hiện tại, gia đình chị nuôi 30 lồng cá các loại với tổng thể tích gần 1.100m3, trong đó có 3 lồng nuôi cá tra. Chị Hạnh cho biết: Sau một thời gian nuôi thử nghiệm cá tra, tôi thấy đây là giống cá dễ nuôi vì cá ăn được nguồn thức ăn phong phú, thời gian sinh trưởng, phát triển và xoay vòng thu hồi vốn nhanh. Mỗi lứa cá tra nuôi khoảng 3 tháng là cho thu hoạch với kích cỡ cá thương phẩm từ 2 - 2,5kg/con thì xuất thịt và đạt tổng trọng lượng từ 5 - 6 tấn cá/lồng. So sánh cá truyền thống với cá tra thì cá tra cho giá trị dinh dưỡng và tỷ lệ thu hồi thịt cao hơn, tiềm năng phát triển tốt hơn. Hiệu quả kinh tế từ nuôi cá tra cao hơn 20% so với cá truyền thống.

Không chỉ dừng lại ở việc nuôi thử nghiệm giống cá tra đặc sản để bán thịt thương phẩm, gia đình chị Hạnh còn đầu tư xây dựng khu nhà xưởng để chế biến thịt cá tra thương phẩm thành các sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường. Cá tra sau khi thu hoạch được lọc thịt để chế biến thành nhiều loại mặt hàng như chả cá, giò cá; phần đầu và xương lại được tận dụng để chế biến thành thức ăn cho cá. Sản xuất theo quy trình khép kín, gia đình chị Hạnh tự thực hiện các khâu về con giống, chế biến thức ăn sạch cho cá, toàn bộ hoạt động chăn nuôi, chế biến được quản lý chặt chẽ thông qua hệ thống camera giám sát. Chị còn mở một cửa hàng tại thành phố Thái Bình để giới thiệu các sản phẩm của cơ sở và phục vụ nhu cầu ăn uống tại chỗ của thực khách. Các sản phẩm chả cá, giò cá ép chân không được chế biến từ nguồn cá tươi tại chỗ nên chất lượng bảo đảm, giá trị dinh dưỡng cao được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở với tên gọi “Chả cá sông Trà Lý” đã có mặt tại nhiều cửa hàng thực phẩm sạch ở khu vực phía Bắc và dự kiến cung cấp cho hệ thống các siêu thị trong thời gian tới.

Mỗi lồng nuôi cá tra cho thu hoạch từ 5 - 6 tấn thịt thương phẩm.

Mô hình sản xuất gắn với chế biến sản phẩm hàng hóa theo quy trình khép kín không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho gia đình chị Hạnh mà còn tạo việc làm ổn định cho 25 lao động địa phương với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Đánh giá về mô hình, ông Hà Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Đây là mô hình đặc trưng tại địa phương, qua 2 năm phát triển cho kết quả rất khả quan, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho người lao động. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất.

Nhờ dám nghĩ, dám làm, không ngừng tìm tòi hướng đi mới, gia đình chị Hạnh đã được hưởng thành quả xứng đáng từ mô hình nuôi cá lồng gắn với chế biến sản phẩm hàng hóa theo quy trình khép kín.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày