Thứ 6, 29/03/2024, 02:20[GMT+7]

Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững

Thứ 5, 06/05/2021 | 10:44:52
1,439 lượt xem
Mật độ sông phân bổ lớn cùng với thời tiết tương đối ổn định thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Mấy năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng trên sông đang có những tín hiệu tích cực.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của ông Phạm Đình Chiểu, xã Vũ Đoài (Vũ Thư).

Ông Vũ Ngọc Ba, thôn Bồ Trang, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) nuôi cá lồng từ năm 2013, tổng chi phí ban đầu cho 1 lồng từ 25 - 30 triệu đồng, thể tích đạt 108m3/lồng. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và nắm vững kỹ thuật trước khi nuôi nên mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông luôn phát triển và cho thu nhập ổn định qua các năm. 

Ông Ba cho biết: Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu lớn, đặc biệt là phải đối diện với những rủi ro trong mùa mưa bão. Nếu thời tiết thuận lợi, dòng nước ổn định, không có dịch bệnh và người nuôi nắm vững được kỹ thuật nuôi cũng như chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, chống thiên tai để bảo vệ các lồng nuôi cá thì cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất, mỗi lồng tôi lãi từ 50 - 60 triệu đồng.

Với cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, phong trào nuôi cá lồng trên sông phát triển tại huyện Hưng Hà trong nhiều năm gần đây, trong đó phải kể đến mô hình của ông Nguyễn Văn Đình, xã Điệp Nông (Hưng Hà). Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, ông Đình cho biết, năm 2014, nhận thấy sông Luộc chảy qua địa bàn xã có nguồn nước sạch, lại có thể nuôi với mật độ dày, cá lớn nhanh và chất lượng thịt tốt, ông quyết định vay thêm vốn đầu tư 15 lồng, tập trung nuôi các giống cá thương phẩm như cá trắm cỏ, cá diêu hồng... Ông tự thiết kế lồng, nhập giống, chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ đi trước và tìm đầu ra cho cá. Ông Đình cho biết: Với chất lượng nước tốt và lưu tốc dòng nước sông Luộc thuận lợi, nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất cao gấp 4 - 5 lần nuôi trong ao truyền thống.

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, hết năm 2020 toàn tỉnh có 54 hộ nuôi cá lồng với 698 lồng, thể tích đạt 80.582m3, tăng 114 lồng so với cùng kỳ năm trước. Nuôi cá lồng tập trung ở các huyện: Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Vũ Thư; riêng Quỳnh Phụ có 23 hộ nuôi với 348 lồng. Sản lượng nuôi cá lồng cũng tăng đáng kể, năm 2020 ước đạt gần 2.500 tấn, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Đối tượng nuôi đa dạng, từ các loại cá truyền thống như trắm, chép, diêu hồng... đến những loại đặc sản như cá lăng, trắm đen... Môi trường ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, nguồn nước được lưu thông là điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng yêu thích, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh cũng như các thị trường lớn như Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng... Các mô hình nuôi cá lồng trên sông cho năng suất cao hơn so với nuôi cá thâm canh trong ao đất, đạt từ 4 - 6 tấn/lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, nuôi cá lồng trên sông còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Mặt khác, một số hộ dân nuôi không nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh nên gây ô nhiễm môi trường, gặp nhiều rủi ro, sản lượng không cao. Với mục tiêu khai thác được tiềm năng, thế mạnh của đất ngập nước, tạo thêm quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, tạo việc làm cho nhiều lao động, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025 theo Quyết định số 640/QĐ-UBND ngày 15/3/2016. Theo đó, quy hoạch phát triển nuôi cá lồng theo chiều dọc sông của 4 con sông: sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý; tại 28 khu vực thuộc 4 huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ với số lượng lồng có thể đạt 3.496 lồng.

Để nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững, ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương cần định hướng rõ quy mô phát triển nuôi cá lồng cũng như định hướng các đối tượng nuôi đạt giá trị, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước. Các đơn vị chuyên môn và người nuôi cá lồng cũng cần nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến về xử lý môi trường, bệnh dịch, sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Cùng với các giải pháp về kỹ thuật, người nuôi cũng cần chú trọng đến vấn đề thị trường tiêu thụ. Trong đó, xây dựng và phát triển mô hình nuôi gắn với liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất; chú trọng xây dựng thương hiệu, vùng nuôi sạch và quảng bá tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Lưu Ngần