Thứ 3, 23/07/2024, 18:21[GMT+7]

Tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiếp cận công bằng vắc xin ngừa Covid-19

Thứ 3, 25/05/2021 | 08:17:37
1,354 lượt xem
Tính đến 6h ngày 25/5, toàn thế giới có 167.953.220 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.485.959 trường hợp tử vong và 149.268.705 bệnh nhân đã hồi phục.

Một người dân được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer vào ngày 13/5 tại bang North Carolina (Mỹ). Ảnh: AP

Ngày 24-5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề cập đến thực tế đáng buồn là trong khi nhiều quốc gia giàu có đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho đa số người dân và đang mở cửa trở lại nền kinh tế, thì làn sóng lây nhiễm cùng sự xuất hiện các biến chủng mới vẫn tiếp tục tấn công các nước nghèo.

Cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi nỗ lực toàn cầu để bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19. Quan chức WHO mong muốn các nước tăng cường đóng góp vắc xin cho Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) để có đủ vắc xin cho 10% dân số của tất cả các nước trước cuối tháng 9, và đạt mốc 30% dân số tất cả các nước vào cuối năm nay. 

Tổng Giám đốc WHO cũng cảnh báo, nếu vi rút SARS-CoV-2 và các biến chủng của nó tiếp tục lây lan ở nhiều nơi, thì không một quốc gia nào có thể thoát khỏi nguy hiểm, bất kể tỷ lệ tiêm chủng là bao nhiêu. 

Châu Mỹ

Ngày 24-5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố số liệu cho thấy xấp xỉ 39% dân số nước này, tương đương với gần 131 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19. Trong đó, có 4 bang đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin cho hơn 50% dân số là Connecticut, Maine, Massachusetts và Vermont. Gần 164 triệu người, tương đương với 49% dân số Mỹ, đã nhận được ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19. Số liều vắc xin đã được sử dụng chiếm 80% tổng số liều vắc xin được phân phối. 

Chính phủ Chile ngày 24-5 cho biết, người dân nước này được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được phép di chuyển tự do hơn trong nước, bắt đầu từ ngày 26-5. Trong khi đó, biên giới Chile vẫn đóng cửa đến giữa tháng 6 để ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm  mới. Chile hiện đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho hơn 50% dân số, tương đương 7,7 triệu người, nằm trong số các nước dẫn đầu thế giới về tiêm chủng ngừa vi rút SARS-CoV-2.

Châu Âu

Ngày 24-5, Malta thông báo đã đạt “miễn dịch cộng đồng” với việc tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành. Đây là quốc gia đang dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) về tiêm chủng vắc xin phòng dịch. 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Malta, ông Chris Fearne cho biết khoảng 42% dân số nước này đã hoàn thành việc tiêm chủng cả hai liều đối với các loại vắc xin của Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), hoặc một liều vắc xin duy nhất của Johnson&Johnson (Mỹ). 

Malta hiện đang từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch bệnh và thông báo sẽ khởi động chương trình du lịch vào đầu tháng 6. Yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi cộng cộng dự kiến sẽ được nới lỏng từ ngày 1-7. Nước này cũng có kế hoạch sử dụng chứng chỉ vắc xin như chìa khoá để mở cửa lại các sự kiện văn hóa, xã hội. 

Châu Á

Ngày 24-5, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đề nghị tiêm vắc xin cho 20.000 người có kế hoạch thi đấu hoặc phục vụ tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) vào mùa hè để bảo đảm sự kiện thể thao này diễn ra an toàn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Olympic Tokyo dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 23-7 đến 8-8.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã mở thêm các trung tâm tiêm chủng để thúc đẩy việc đạt được mục tiêu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho hầu hết người cao tuổi trước khi bắt đầu Olympic. 

Ngày 24-5, giới chức Thái Lan đã xác nhận một ổ dịch Covid-19 liên quan đến công trường xây dựng tuyến tàu điện trên cao ở tỉnh Nonthaburi. Công trường này đã được yêu cầu đóng cửa từ tối 24-5. 

Châu Phi

Ngày 24-5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi tăng cường khẩn cấp việc sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, kể cả ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, để tất cả các quốc gia trên thế giới đều có thể bảo đảm triển khai chiến dịch tiêm chủng cho người dân.

Nhà lãnh đạo Nam Phi nhấn mạnh, các quốc gia cần hưởng ứng lời kêu gọi từ bỏ hạn chế quyền sở hữu trí tuệ như một cơ chế để thúc đẩy tiếp cận bình đẳng và nhanh chóng vắc xin ngừa Covid-19. Ông cũng đề xuất thành lập một cơ quan chuyên trách của Đại hội đồng y tế thế giới (WHA) để lập kế hoạch ứng phó với đại dịch tiếp theo. 

Ngày 24-5, Văn phòng Thủ tướng Algeria cho biết nước này sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt về y tế đối với hành khách khi nối lại một phần các chuyến bay quốc tế vào tháng tới.

Theo hanoimoi.com.vn