Chủ nhật, 11/08/2024, 22:26[GMT+7]

An toàn vệ sinh thực phẩm Báo động sang hè

Thứ 2, 18/04/2011 | 07:46:06
1,950 lượt xem
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, năm 2010 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số mắc 176, không có tử vong. So với cùng kỳ năm 2009, cả số vụ và số người mắc ngộ độc thực phẩm đều tăng. Bởi tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn là sự phản ánh sâu sắc và tổng quát về thực trạng công tác ATVSTP nên sự tăng, giảm thất thường số vụ ngộ độc thực phẩm mỗi năm cũng là sự phản ánh thực trạng công tác ATVSTP còn nhiều bất cập.

Tăng cường kiểm soát ATVSTP từ khâu sản xuất, chế biến. ( Ảnh minh họa)

Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành, các đợt kiểm tra ATVSTP cho thấy mới có 76% cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh; có tới 62,2% các cơ sở chế biến cơm hộp, bếp ăn tập thể, bệnh viện chưa thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm ATVSTP.

Qua kiểm tra 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát đóng chai đã có 2 cơ sở buộc ngừng sản xuất, 2 cơ sở bị yêu cầu khắc phục, cải thiện điều kiện vệ sinh. Toàn tỉnh hiện có hơn 1700 cơ sở sản xuất, pha chế rượu, qua kiểm tra các điều kiện vệ sinh tại 70 cơ sở sản xuất rượu thủ công cho thấy hầu hết các cơ sở đều không bảo đảm điều kiện ATVSTP.

Đó là kết quả của các đợt kiểm tra liên ngành. Các đợt kiểm tra của các ngành thành viên cũng phát hiện nhiều vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về định lượng.

Năm 2010 có 27 vụ vi phạm về các vấn đề trên; trong đó tịch thu tiêu hủy 230 kg hạt dưa, 4200 quả trứng gà nhập lậu, 200kg mì chính có chứa hàn the. Trong các đợt kiểm tra của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kết quả kiểm tra 24 mẫu thực phẩm phát hiện 6/10 mẫu rau còn dư lượng nitrat vượt ngưỡng cho phép, 3/6 mẫu rau tại vùng sản xuất rau an toàn có dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm vượt ngưỡng cho phép.

Qua giám sát mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên các nhóm thực phẩm thức ăn đường phố và thực phẩm lưu thông trên thị trường cho thấy: 15,8% mẫu hạt dưa, bánh kẹo có phẩm màu không được phép dùng trong thực phẩm, tỷ lệ ô nhiễm hàn the trong giò chả trên địa bàn toàn tỉnh là 18,4%; trong đó cao nhất ở các cơ sở sản xuất trên đia bàn thành phố 35,5%, ô nhiễm hàn the ở nhóm bánh chế biến từ tinh bột chiếm 13%. Bên cạnh đó là các mối nguy vi sinh vật: có tới 68,7% mẫu dụng cụ chế biến, 33% mẫu bàn tay người chế biến phát hiện nhiễm vi khuẩn Ecoli, 48,2% mẫu rau ăn sống các loại và 29,7% mẫu rau đã chế biến; 34,5% mẫu sản phẩm chế biến từ thịt... nhiễm Ecoli vượt quá giới hạn cho phép. 

Mặc dù công tác bảo đảm ATVSTP trong tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh; hoạt động quản lý về ATVSTP các cấp đã và đang từng bước đi vào nền nếp; hoạt động thanh, kiểm tra đã được tăng cường thực hiện; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác bảo đảm ATVSTP đã được đẩy mạnh; song tại sao công tác bảo đảm ATVSTP vẫn còn nhiều nguy cơ?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức và tính tự giác của một bộ phận nông dân trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo hướng an toàn còn hạn chế nên việc thực hiện các quy định, quy trình sản xuất an toàn chưa bảo đảm.

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm ATVSTP là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, song sự tham gia vào cuộc của các ngành thành viên còn hạn chế và sự phối hợp liên ngành hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý nhà nước của cấp xã, phường về ATVSTP chưa chặt chẽ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSTP chưa đáp ứng được yêu cầu...

Trước những khó khăn, tồn tại của công tác này, Ban chỉ đạo liên ngành đặt ra yêu cầu: đến hết năm 2011, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh được quản lý theo phân cấp, trong đó có 80% cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu về ATVSTP; 90% cơ sở sản xuất, trên 80% cơ sở kinh doanh, 85% cơ sở dịch vụ ăn uống được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Trong quản lý, Ban chỉ đạo yêu cầu 95% cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra ATVSTP tuyến tỉnh và trên 95% cán bộ tuyến cơ sở được đào tạo chương trình cơ bản, bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ.

Để đạt được mục tiêu trên, các ngành thành viên tập trung vào các hoạt động như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATVSTP các tuyến; tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật và kiến thức ATVSTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Bên cạnh đó các ngành cũng tăng cường phối hợp trong thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATVSTP trong nuôi trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh, chủ động kiểm soát thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm vi phạm quy chế nhãn mác... tiến tới mục tiêu nâng cao chất lượng công tác bảo đảm ATVSTP bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế xã hội.

Trần Thu Hương


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày