Thứ 6, 03/05/2024, 23:17[GMT+7]

Ba nền tảng công nghệ bắt buộc trong phòng chống Covid-19

Thứ 4, 28/07/2021 | 12:20:40
1,031 lượt xem
Nền tảng khai báo y tế, xét nghiệm, quản lý tiêm chủng được bắt buộc dùng trên toàn quốc, trong việc phòng, chống Covid-19.

Một số ứng dụng tại Việt Nam hỗ trợ việc phòng, chống Covid-19.

Với nền tảng khai báo y tế, người dùng và các cơ quan, tổ chức sẽ sử dụng website qr.tokhaiyte.vn để khai báo y tế, cũng như quản lý người ra vào địa điểm công cộng, thông qua mã QR. Việc này nhằm bảo đảm kiểm soát người ra vào địa điểm, phục vụ việc truy vết, khoanh vùng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Nền tảng về xét nghiệm sẽ hỗ trợ việc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến. Nền tảng này gồm hệ thống quản lý xét nghiệm liên kết thông tin của người được lấy mẫu với thông tin trên Bluezone, nên không cần phải nhập dữ liệu thủ công như trước đây. Người dân có thể nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 thông qua các phương tiện thông tin, hạn chế quay lại cơ sở y tế. Hiện ứng dụng Bluezone đã có tính năng hiển thị kết quả xét nghiệm.

Khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine, nền tảng quản lý tiêm chủng sẽ được sử dụng. Nền tảng này gồm bốn hệ thống: ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19, hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia, trung tâm đáp ứng. Hiện người dân có thể đăng ký tiêm và nhận chứng nhận tiêm chủng trên app Sổ sức khỏe điện tử.

Theo Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), việc sử dụng ba nền tảng bắt buộc này nhằm thống nhất các nền tảng công nghệ trong phòng chống Covid-19 trên toàn quốc. Dữ liệu từ các nền tảng này sẽ do Bộ Y tế quản lý.

Ngoài ra, các tỉnh thành cũng được đề nghị lập Tổ công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 để hỗ trợ cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương, cũng như làm đầu mối phối hợp với Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia.

Trước đây, việc triển khai các giải pháp công nghệ bị cho là vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn với việc khai báo y tế, các ứng dụng như Bluezone, Ncovi, VHD đều có tính năng này, nhưng mỗi khu vực lại chấp nhận dữ liệu từ một ứng dụng khác nhau, gây bất tiện cho người dùng. Ngoài ra, một số địa phương lại xây dựng các ứng dụng riêng.

Bộ TT&TT cho biết dữ liệu từ các ứng dụng này đã được liên thông và đồng bộ. Đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cũng cho biết người dân sẽ chỉ cần cài một trong số các ứng dụng được khuyến nghị, chúng sẽ sinh ra một mã QR, mã này có thể liên thông với các ứng dụng còn lại về mặt dữ liệu.

Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử khi triển khai hồi giữa tháng 7 cũng bị đánh giá là chưa hoàn thiện. Nhiều người đã gặp khó khăn khi đăng ký tài khoản, hoặc đã tiêm nhưng chưa có chứng nhận tiêm chủng trên app. Đơn vị phát triển cho biết hầu hết lỗi đã được khắc phục và hiện dữ liệu tiêm chủng của người dùng vẫn đang được nhập lên hệ thống.

Theo vnexpress.net