Thứ 6, 05/07/2024, 18:13[GMT+7]

Bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống Kỳ 2: “Nghệ sĩ nông dân” giữ lửa chèo

Thứ 4, 21/09/2022 | 10:11:54
3,316 lượt xem
Nghệ thuật chèo vốn có từ nhân dân với sự mộc mạc, tinh tế, giản dị và trữ tình. Người dân quê yêu chèo như yêu chính bản thân họ, hát chèo là hát bằng cả tâm hồn. Trên những chiếu chèo quê, những người nông dân thường ngày chân lấm tay bùn cũng trở thành những người nghệ sĩ thăng hoa cùng nghệ thuật. Nếu không có những người “nghệ sĩ nông dân”, nghệ thuật chèo trên quê lúa có lẽ không thể có sức sống mãnh liệt tới hôm nay.

Thế hệ trẻ làng Khuốc được các nghệ nhân trong làng truyền dạy nghệ thuật chèo. Ảnh tư liệu

Nhiệt huyết của những “nghệ sĩ nông dân”

Hơn nửa đời người gắn bó với nghệ thuật chèo, ông Nguyễn Viết Tựa, xã Thái Phúc (Thái Thụy) nay đã ở tuổi 80 nhưng nghe ông nói về chèo, xem ông diễn chèo, dàn dựng những tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ (CLB) chèo truyền thống xã Thái Phúc, chẳng ai nghĩ người đàn ông này đã qua tuổi “thất thập”. Nhớ lại ngày đầu thành lập, chiếu chèo xã Thái Phúc chỉ có khoảng 10 thành viên. Tình yêu chèo đã gắn kết những con người xa lạ xích lại gần nhau, đến nay số thành viên thường xuyên sinh hoạt khoảng 30 người, đa số ở tuổi 45 đến hơn 70 tuổi, có 3 thành viên ở đã ở tuổi 80 như ông Tựa. Từ một CLB tự phát của những người nông dân, niềm hạnh phúc đối với họ là tháng 9/2019 CLB chèo truyền thống xã Thái Phúc chính thức ra mắt, trở thành mô hình CLB chèo điểm trên toàn tỉnh, có quyết định thành lập, quy chế hoạt động, được hỗ trợ về trang phục biểu diễn, nhạc cụ tập luyện và được cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh hỗ trợ dàn dựng nhiều tiết mục đặc sắc. Đến nay, các thành viên trong CLB có thể tự dàn dựng và biểu diễn nhiều làn điệu như: đường trường thu không, luyện năm cung lời cổ, vỡ nước...

Bà Nguyễn Thị Vượng năm nay đã gần 70 tuổi, là thành viên luôn nhiệt huyết với các hoạt động của CLB cho biết: Tham gia CLB, các thành viên được luyện hát và diễn các vai trong nhiều tích chèo cổ. Từ âm điệu đến lời hát đều mượt mà, mỗi buổi tập, buổi diễn đều làm mọi người vơi bớt bao mệt nhọc khi tham gia lao động sản xuất và những muộn phiền trong cuộc sống.

Làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng) vốn là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống. Nhắc tới những “nghệ sĩ nông dân”, không thể không nhắc tới nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Ro - người đặc biệt thành công với những vai lão trong chèo. Dù có nhiều đóng góp cho nghệ thuật chèo nhưng sân diễn của ông là nơi dành cho những nghệ sĩ không chuyên. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh đã tìm đến ông để được hiểu hơn về những tích chèo cổ như NSND Thanh Ngoan, NSND Tự Long, nghệ sĩ Xuân Hinh... bởi ông là một trong ít người ở làng Khuốc còn giữ và hát được một số làn điệu chèo cổ của làng như: điệu hà vị, đắp chăn trời, tuyết giật sông thương, bay bổng... Đau đáu nỗi lòng với việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống, dù tuổi đã gần “thất thập” nhưng nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Ro vẫn nỗ lực từng ngày truyền dạy cho các cháu nhỏ trong làng và bất cứ ai muốn biết, muốn hiểu về chèo Khuốc.

Thúc đẩy phong trào nghệ thuật quần chúng

Hiện nay, toàn tỉnh có 234 CLB chèo với hơn 8.000 thành viên, trong đó có 14 CLB chèo trong cơ quan, đơn vị, chủ yếu là trong các trường tiểu học, trung học cơ sở. Ngoài việc trình diễn các vở chèo truyền thống, các CLB đã sáng tác, sử dụng các bài hát chèo lời mới, ca cảnh, hoạt cảnh, những vở chèo ngắn mang hơi thở thời đại, phản ánh bối cảnh của đất nước cũng như các mối quan hệ xã hội. Thúc đẩy phong trào tập chèo, diễn chèo tại các địa phương, ngành Văn hóa đã nỗ lực cùng với cộng đồng, các nghệ nhân chèo tổ chức nhiều cuộc thi, hội thi chèo với sự tham gia của đông đảo các CLB chèo.

Ông Lê Tiến Lượng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Phải ghi nhận những CLB với hoạt động sôi nổi, tích cực như CLB chèo truyền thống xã Thái Phúc, CLB chèo làng Khuốc và nhiều CLB khác luôn là những hạt nhân tiêu biểu thúc đẩy nghệ thuật quần chúng phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo nói riêng, nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung. Mô hình CLB chèo truyền thống xã Thái Phúc cũng là mô hình điểm để Trung tâm Văn hóa tỉnh định hướng cho phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm tiếp theo.

Hàng năm, các hội thi, liên hoan văn nghệ được diễn ra nhằm thúc đẩy phong trào tập chèo, hát chèo trong nhân dân.

Từ những người chỉ biết nghe chèo, mê chèo, qua năm tháng, nhiều “nghệ sĩ nông dân” đã dần trở thành tác giả của nhiều làn điệu chèo. Những công trình nông thôn mới, những tấm gương sáng trong lao động sản xuất và cả những phong trào thi đua của địa phương đã được những “nghệ sĩ nông dân” đưa vào những làn điệu chèo ngọt ngào, tha thiết để kịp thời động viên, ngợi ca mảnh đất, con người quê hương mình và cuộc sống hàng ngày của những người dân quê. Họ tin và mong rằng, một ngày không xa, những làn điệu chèo của quê lúa Thái Bình sẽ trở thành niềm tự hào chung của bao người con đất Việt.


Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tỉnh Thái Bình chú trọng phát triển phong trào hát chèo, diễn chèo trong quần chúng thông qua việc khuyến khích thành lập các tổ, đội, nhóm, CLB chèo ở cơ sở, chú trọng tổ chức các hoạt động liên hoan, hội diễn, hội thi từ tỉnh tới cơ sở. Các hội thi hàng năm được đánh giá cao như hội thi làng văn hóa hát dân ca, liên hoan hát chầu văn, liên hoan văn nghệ quần chúng... Mỗi năm có từ 2 - 3 cuộc thi, liên hoan cấp tỉnh, gần 20 cuộc thi cấp huyện được tổ chức. Qua đó giúp các tổ, đội, nhóm, CLB được học hỏi, giao lưu, bảo tồn và phát huy tối đa các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương.

Ông Nguyễn Viết Tựa, chủ nhiệm CLB chèo truyền thống xã Thái Phúc (Thái Thụy)
Gần 30 năm qua, CLB chèo vẫn sinh hoạt đều đặn, là nơi gặp gỡ, gửi gắm tâm tình của những người dân quê. Đủ thành phần, đủ lứa tuổi nhưng đến với CLB là chung một tình yêu với nghệ thuật chèo, mong muốn mang lời ca, tiếng hát của quê hương đến với bà con trong và ngoài tỉnh. CLB đã đi biểu diễn ở nhiều nơi, chủ yếu tại các hội làng, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của các địa phương. Thường ngày, công việc đồng áng mệt nhọc nhưng tiếng trống, tiếng đàn, khúc nhị vang lên là bao lo toan, mỏi mệt đều được gác lại phía sau để mỗi người dành trọn lòng mình với những làn điệu chèo truyền thống, ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi những giá trị nhân văn.


(còn nữa)

Tú Anh